Công nghiệp văn hóa

CẦN MỘT CƠ CHẾ HÀNH ĐỘNG

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival đã trở thành một thương hiệu giá trị của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: Kim Thoa

Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa - Monsoon Music Festival đã trở thành một thương hiệu giá trị của công nghiệp văn hóa Việt Nam. Ảnh: Kim Thoa

Năm 2023, Việt Nam có 5 bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng, bao gồm: Nhà bà Nữ, Lật mặt 6, Đất rừng phương Nam, Siêu lừa gặp siêu lầy và Chị chị em em 2, đưa tổng doanh thu lên kỷ lục mới là 1.130 tỷ đồng, vượt xa đỉnh cũ lập năm 2019.

Không những thế, bộ phim Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Phạm Thiên Ân bất ngờ được xếp thứ 24 trong danh sách 50 tác phẩm điện ảnh đáng chú ý nhất năm qua của Viện phim Anh (British Film Institute). Bộ phim này từng đoạt giải Camera d’Or (Phim đầu tay xuất sắc) tại Liên hoan phim Cannes 2023. Cùng với đó, phim Những đứa trẻ trong sương của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm vào đến vòng rút gọn của giải Oscar 2023, là một trong 15 tác phẩm xuất sắc nhất thế giới của thể loại phim tài liệu.

Năm 2023, Việt Nam có 5 bộ phim đạt doanh thu trăm tỷ đồng, bao gồm: Nhà bà Nữ, Lật mặt 6, Đất rừng phương Nam, Siêu lừa gặp siêu lầy và Chị chị em em 2, đưa tổng doanh thu lên kỷ lục mới là 1.130 tỷ đồng, vượt xa đỉnh cũ lập năm 2019.

Lĩnh vực âm nhạc cũng bùng nổ với sự trở lại của Liên hoan âm nhạc Gió mùa (Monsoon), Liên hoan Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh Hò Dô (Hozo), nhiều ca sĩ tên tuổi tung album mới, và các chương trình gameshow âm nhạc truyền hình vẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của công chúng. Ngành quảng cáo vừa tổ chức xong Giải thưởng quảng cáo sáng tạo Vạn Xuân Awards 2023, lần đầu ở quy mô quốc gia, một sự kiện được cho là nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ngành công nghiệp đầy tiềm năng này.

Trên đây là một vài thí dụ điển hình minh chứng cho sự trỗi dậy của công nghiệp văn hóa trong năm 2023, những tín hiệu tích cực cho thấy sức mạnh của các ngành công nghiệp không khói này.

Đông đảo người dân có mặt tại đêm khai mạc Liên hoan Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần 3 - Hò Dô 2023. Ảnh: sggp.org.vn

Đông đảo người dân có mặt tại đêm khai mạc Liên hoan Âm nhạc quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần 3 - Hò Dô 2023. Ảnh: sggp.org.vn

Cần một sân chơi
công bằng

Bản thân các ngành công nghiệp sáng tạo, khi chụp thêm cái mũ “văn hóa” thì vô hình trung gánh thêm một rào cản gia nhập thị trường. Một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, có thể là một bộ phim, một cuộc triển lãm nghệ thuật, một clip quảng cáo trực tuyến, hay một cuốn sách… sẽ không đơn thuần được coi là một sản phẩm. Nó bị soi chiếu dưới nhiều lăng kính, của các cơ quan quản lý Nhà nước và của công luận.

Một sản phẩm thương mại thông thường, nếu chất lượng tốt hay xấu, ngon hay dở, số phận của nó sẽ chịu theo quy luật thị trường. Việc tiếp cận thị trường chỉ phụ thuộc vào sự nhạy bén với xu hướng tiêu dùng, năng lực nghiên cứu thị trường, R&D, sản xuất và tiếp thị, phân phối của doanh nghiệp. Nhưng một sản phẩm văn hóa, trước khi ra thị trường sẽ bị phụ thuộc trước hết vào quyết định của cơ quan quản lý, cái hay, cái dở, cái xấu, cái đẹp, chưa nói đến các chuẩn mực về văn hóa, đạo đức, chính trị-xã hội thường gây tranh cãi và có thể thay đổi theo thời gian. Thái độ đón nhận của công chúng nhiều khi cũng quyết định số phận của một sản phẩm công nghiệp văn hóa. Điều này không liên quan đến chất lượng sản phẩm, mà là tùy thuộc vào định kiến và cảm nhận chủ quan của công chúng, đặc biệt là tầng lớp tinh hoa - những người chi phối cảm xúc của số đông.

Sáng tạo cần có được sự bao dung, chấp nhận mới có thể sinh ra những sản phẩm đột phá, mới có thể phát triển.

LÊ QUỐC VINH, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club)
------------------

Bản chất giá trị của sản phẩm văn hóa nằm ở năng lực sáng tạo của cá nhân con người - một đạo diễn, một nhà thiết kế, một nghệ sĩ, một nghệ nhân, một nhà văn hay nhà sáng tạo nội dung số,… Sáng tạo cái mới thường song hành với việc phá bỏ các định kiến cũ, cách nhìn cũ. Sáng tạo cần có được sự bao dung, chấp nhận mới có thể sinh ra những sản phẩm đột phá, mới có thể phát triển. Nếu sự bảo thủ không chấp nhận đưa rap vào nhạc Trịnh hay xẩm, thì sẽ không có một Hà Lê hay Hà Myo. Nếu làng hoa giấy Thanh Tiên chỉ trung thành với văn hóa tín ngưỡng thì sẽ không có một May Paperflower. Nếu làm phim từ một tác phẩm văn học buộc phải tái hiện chính xác những gì viết ra trong sách thì sẽ không có bộ phim Đất rừng phương Nam…

Small yellow flowers growing from stone.

Một cảnh trong phim Đất rừng Phương Nam. Ảnh: TTXVN

Một cảnh trong phim Đất rừng Phương Nam. Ảnh: TTXVN

Giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp văn hóa phụ thuộc vào sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan của các thành phần sáng tạo ra nó. Nhưng hệ thống luật pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ và quyền tác giả của chúng ta đang không vận hành theo xu thế phát triển của công nghệ và thị trường văn hóa. Việt Nam có đầy đủ các định chế pháp lý, các văn bản pháp luật cần thiết, và tham gia vào hầu hết các thỏa ước quốc tế liên quan đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhưng vấn đề là, việc thực thi bảo hộ tài sản trí tuệ quá khó khăn.

Thuật toán và trí tuệ nhân tạo đang phát huy khá hiệu quả việc bảo vệ tài sản sáng tạo trên YouTube, Facebook… Mặc dù đôi lúc vẫn xảy ra những tranh chấp nhất định, nhưng các hệ thống bảo hộ tự động hóa này đã làm giảm đáng kể các vi phạm bản quyền. Nhưng ở trên các nền tảng khác, nhất là dưới các hình thức ngoại tuyến (offline) như trình diễn, bản in, sản phẩm sản xuất thực,… thì người bị vi phạm bản quyền hầu như không có giải pháp nào bảo vệ hữu hiệu. Các vụ tranh chấp dân sự về sở hữu trí tuệ và bản quyền đều kéo dài lê thê hoặc không bao giờ đi đến kết cục thỏa đáng, khiến người sáng tạo hoàn toàn mất niềm tin. Không có một cơ chế báo cáo vi phạm có tính thực thi, nhà sáng tạo chọn áp lực từ mạng xã hội hơn là sự can thiệp hành chính từ cơ quan công quyền.

Item 1 of 6

Chương trình nghệ thuật biểu diễn "Làng tôi" là một sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc Việt. Ảnh: TTXVN

Chương trình nghệ thuật biểu diễn "Làng tôi" là một sản phẩm văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc Việt. Ảnh: TTXVN

Đã đến lúc
cần cơ chế thực thi

Điều đáng mừng là nhận thức về vai trò quan trọng của công nghiệp sáng tạo-công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế Việt Nam ở mức độ khá cao, nhìn cả từ giác độ quản lý Nhà nước hay nhận thức của người dân. Chỉ trong một thời gian chưa đầy một thập niên, từ chỗ chưa được gọi tên, công nghiệp sáng tạo-công nghiệp văn hóa đã đi vào nghị quyết của Đảng, chiến lược của Chính phủ, và là đề tài thảo luận của nhiều cơ quan, ban, ngành và địa phương. Công nghiệp văn hóa đã được coi là một trong những ngành kinh tế chủ đạo, kỳ vọng chiếm đến 7% GDP trong một tương lai không xa.

Công nghiệp văn hóa đã được coi là một trong những ngành kinh tế chủ đạo, kỳ vọng chiếm đến 7% GDP trong một tương lai không xa.

Tuy vậy, để đạt được mục tiêu tham vọng đó, nhận thức là chưa đủ. Cần những chính sách giảm bớt sự khác biệt và bất bình đẳng giữa 12 ngành kinh tế sáng tạo với các ngành sản xuất và dịch vụ khác. Đó là những chính sách thiết lập và phát triển một cơ chế thị trường hoàn chỉnh cho công nghiệp văn hóa.

Hundreds of small orange flowers in bloom against green grass.

Việt Nam có nền văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc, là nguyên liệu cho công nghiệp văn hóa. Ảnh: TTXVN

Việt Nam có nền văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc, là nguyên liệu cho công nghiệp văn hóa. Ảnh: TTXVN

Trước tiên, cần một hệ thống chính sách khuyến khích gia nhập thị trường thuận lợi hơn cho sản phẩm văn hóa. Theo đó, giảm những sự can thiệp hành chính mang tính cảm tính của cơ quan quản lý là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện điều tiết công bằng theo cơ chế thị trường, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực văn hóa, sáng tạo. Nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa phải được coi như lực lượng sản xuất quan trọng và được ưu tiên trong các chính sách thuế, huy động vốn và hỗ trợ tiếp thị, phát hành, phân phối.

Tiếp theo đó là một hệ thống các công cụ bảo hộ quyền lợi và sở hữu trí tuệ cho người làm sáng tạo. Như trên đã nói, hệ thống các văn bản pháp lý là cần nhưng chưa đủ. Cái chúng ta thiếu là việc thực thi pháp luật, với chính sách và bộ máy công quyền đứng về phía người sáng tạo văn hóa, chọn bảo hộ sở hữu trí tuệ làm trọng tâm.

Đã đến lúc chúng ta thật sự bàn về các cơ chế hành động vì sự phát triển của công nghiệp văn hóa.

Ngày xuất bản: 24/1/2024
Nội dung: LÊ QUỐC VINH, Chủ tịch Le Group of Companies,
Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo (VCE Club)
Trình bày: NGỌC BÍCH