Hành trình đến một giấc mơ

Sở hữu quá nhiều tiềm năng và lợi thế với cảnh sắc thiên nhiên “giang sơn cẩm tú” cùng lớp lớp những vỉa tầng văn hóa - lịch sử độc đáo, “Việt Nam - Phim trường quốc tế” là cái đích mà ngành điện ảnh nước nhà từng nhìn nhận rất sớm, từng nhiệt tình bàn thảo và nỗ lực hiện thực hóa từ nhiều năm qua.

Tiếc là thành quả nhận về, cho đến thời điểm này, vẫn tỷ lệ nghịch với giấc mơ đẹp đẽ đó. Và hành trình biến dải đất hình chữ S thành điểm đến lý tưởng thu hút giới làm phim nước ngoài vẫn còn khá chông gai, với rất nhiều đầu việc phải làm.

Những nỗ lực bắc nhịp cầu kết nối

Quảng bá, giới thiệu và kết nối các bối cảnh tiềm năng đến với đội ngũ làm phim trong và ngoài nước là nỗ lực đồng lòng, chung sức lớn nhất của ngành điện ảnh nước nhà mà người viết nhận thấy, sau nhiều năm theo dõi chuyên sâu lĩnh vực này. Từ cấp cơ quan quản lý tới đông đảo nghệ sĩ, từ các hội nghề nghiệp tới mọi ban tổ chức các sự kiện điện ảnh, tất cả đều hướng tới một mục tiêu chung, bắc nhịp cầu đưa nét đẹp Việt Nam đến với bè bạn năm châu.

Những triển lãm giới thiệu bối cảnh trong mơ cùng những hội thảo sôi nổi luận bàn tìm giải pháp hữu hiệu là hai loại hình hoạt động được diễn ra với tần suất nhiều nhất, đều đặn nhất và gửi gắm những chia sẻ tâm huyết nhất, trong hầu hết các ngày hội điện ảnh quy mô quốc gia và quốc tế.

Triển lãm ảnh Không gian giới thiệu du lịch qua những thước phim với gần 400 hình ảnh là bối cảnh đẹp trong các bộ phim được quay tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh: Báo Nhân Dân

Triển lãm ảnh Không gian giới thiệu du lịch qua những thước phim với gần 400 hình ảnh là bối cảnh đẹp trong các bộ phim được quay tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh: Báo Nhân Dân

Mới nhất có Triển lãm ảnh Không gian giới thiệu du lịch qua những thước phim trong khuôn khổ Giải thưởng Cánh diều 2023 tại Khánh Hòa hay Triển lãm Đà Lạt - khơi nguồn cảm hứng điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 vừa diễn ra tại Lâm Đồng, tháng 11/2023.

Chủ đề làm thế nào để tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của điểm đến nhằm phát triển kinh tế địa phương thường xuyên xuất hiện, như Hội thảo Điện ảnh - kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa dịp diễn ra Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI tổ chức tháng 11/2022 hay Hội thảo Phát triển công nghiệp điện ảnh- Xây dựng môi trường làm phim thuận lợi tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng lần thứ I vào tháng 5/2023…

Qua từng hoạt động, các địa phương sở hữu thế mạnh di sản cũng đã định vị mục tiêu cụ thể cho lộ trình này. “Thừa Thiên Huế đã và đang từng bước thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa mà điện ảnh là ngành chủ lực. Vì vậy, tỉnh đang triển khai mục tiêu xây dựng Huế trở thành phim trường Việt Nam” là chia sẻ của TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nhiều địa phương như tỉnh Ninh Bình có nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Nhiều địa phương như tỉnh Ninh Bình có nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có công nghiệp điện ảnh. Ảnh: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cũng khẳng định, “Ninh Bình có nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và các sản phẩm văn hóa sáng tạo dựa trên mỏ vàng di sản, trong đó có công nghiệp điện ảnh”...

Bởi các cấp quản lý đều hiểu rất rõ, việc thu hút hoạt động sản xuất phim sẽ đóng góp vào phát triển cơ sở hạ tầng, những cải tiến này không chỉ hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh địa phương mà còn có lợi cho du lịch. Các đối tượng nhân lực địa phương tham gia dự án sẽ có cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm của các đoàn phim chuyên nghiệp hàng đầu, từ đó dần hoàn thiện và nâng cao trình độ chuyên môn, kéo gần và dần xóa bỏ khoảng cách với điện ảnh thế giới.

Để công nghiệp điện ảnh có thể “sinh lời”

Từ lâu nay, việc thu hút các đoàn quốc tế đến quay phim là một cách quảng bá du lịch, đóng góp cho sự phát triển kinh tế hiệu quả tại nhiều quốc gia.

Báo cáo Xu hướng du lịch 2023 của Expedia cho thấy, có tới xấp xỉ 67% số du khách toàn cầu được hỏi chọn điểm đến và 39% xây dựng lịch trình từ nguồn cảm hứng mà những bộ phim mang lại để khám phá những bối cảnh hấp dẫn trong thực tế, để trực tiếp tương tác với cộng đồng địa phương và đắm mình trong không gian văn hóa được miêu tả, tái hiện trên màn ảnh. Chính vì lẽ đó, nhiều điểm đến đã coi sản xuất phim là một lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế.

Quá trình quay phim đòi hỏi thuê đội ngũ làm phim và sử dụng dịch vụ địa phương, chi tiêu cho ăn ở và phương tiện đi lại. Nguồn tiền này kích thích kinh tế địa phương, tạo cơ hội việc làm, khuyến khích sự phát triển của các ngành hỗ trợ như du lịch và vận tải. Theo bà Phan Cẩm Tú - đại diện Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh (VFDA), sản xuất phim mang lại lợi ích kinh tế, việc làm cho rất nhiều đối tượng. Đoàn làm phim truyền hình chi tiêu trung bình 85 nghìn USD/ngày/một địa điểm. Con số tương ứng cho đoàn phim điện ảnh là 100 nghìn USD, 15-35 nghìn USD cho mỗi ngày ghi hình phim tài liệu hoặc phim kinh phí thấp.

Thế nhưng, mặc dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định việc thu hút đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước con người là chủ trương lớn và xuyên suốt, song trên thực tế số lượng dự án chọn nước ta là điểm dừng chân vẫn chưa nhiều.

Sản xuất phim mang lại lợi ích kinh tế, việc làm cho rất nhiều đối tượng.
Bà Phan Cẩm Tú, Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển điện ảnh (VFDA)

Theo số liệu thống kê của Cục Điện ảnh, chỉ có 256 dự án sản xuất phim có yếu tố nước ngoài (bao gồm các phim hợp tác sản xuất giữa Việt Nam và nước ngoài, phim nước ngoài chọn dải đất hình chữ S để sử dụng dịch vụ sản xuất và thực hiện cảnh quay) trong suốt 10 năm qua.

Những con số lạc quan nhất thuộc về 37 dự án trong năm 2016, 35 dự án của năm 2019 và 30 dự án thuộc năm 2020. Sau đại dịch Covid-19, số đầu phim vào Việt Nam giảm đi đáng kể, với 7 dự án cho năm 2021 và vỏn vẹn 2 dự án cho nửa đầu 2023.

Nguyên nhân thì có khá nhiều nhưng chúng ta đang thiếu hụt điều quan trọng nhất - chính sách ưu đãi sản xuất phim.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ ra thực trạng “chưa có chính sách ưu đãi hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thu hút và hỗ trợ các đoàn phim nước ngoài vào Việt Nam” đã đẩy chúng ta vào thế bất lợi hơn trong việc cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Khi ngay cả các cường quốc điện ảnh cũng đã xây dựng chính sách ưu đãi dưới nhiều hình thức đa dạng như miễn phí bối cảnh quay, hoàn tiền mặt với chi phí sản xuất, miễn giảm thuế…

Thế nhưng, Luật Điện ảnh sửa đổi 2022 vẫn chỉ dành đôi dòng ngắn ngủi trong Điều 41 với nội dung “tổ chức nước ngoài sản xuất phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế”.

Và thủ tục rõ ràng, thuận lợi, có chính sách ưu đãi hấp dẫn về thuế, về số phần trăm trả lại chi phí chi tiêu tại Việt Nam theo thông lệ quốc tế là điều cần được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật thì vẫn còn phải… tiếp tục chờ đợi!

Bộ phim bom tấn Pan của điện ảnh Mỹ có một số cảnh quay tại Quảng Ninh và Ninh Bình. Ảnh: Báo Nhân Dân

Bộ phim bom tấn Pan của điện ảnh Mỹ có một số cảnh quay tại Quảng Ninh và Ninh Bình. Ảnh: Báo Nhân Dân

Từ góc nhìn của nhiều chuyên gia, để trải thảm gọi mời các đoàn phim quốc tế vào Việt Nam, hàng loạt chính sách, giải pháp đang chờ đợi được hoạch định và triển khai cấp tốc.

Không chỉ dừng lại ở ưu đãi về thuế, cần áp dụng những ưu đãi tài chính khác như miễn phí sử dụng địa điểm quay, bãi đỗ xe; cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; thông tin về quy trình, thủ tục xin giấy phép phải công khai, rõ ràng, tập trung tại một đầu mối duy nhất…

Ngoài ra, việc thành lập một cơ quan chuyên trách ở từng địa phương như Film Office để hỗ trợ quản trị và quảng bá sản xuất phim, tương đồng với mô hình hiện tại mà Mỹ, Singapore đang áp dụng cũng là một gợi ý tích cực.

Trong Hội thảo Dự án cộng đồng điện ảnh Hàn Quốc - ASIAN, một châu Á trong phim, nhà sản xuất Michael Lake từng khẳng định: “Hiện nay, điện ảnh Mỹ có xu hướng chọn quay tiền kỳ tại châu Á, thay vì 60% tại Mỹ như trước đây. Được thiên nhiên ưu đãi quá nhiều cảnh đẹp, lại có lợi thế nhân công giá rẻ, nên nếu có chính sách khuyến khích phù hợp, nếu phát triển được đội ngũ nhân sự chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế thì chắc chắn Việt Nam sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của chúng tôi”.

Kong: đảo Đầu Lâu là phim bom tấn Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân Dân

Kong: đảo Đầu Lâu là phim bom tấn Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam. Ảnh: Báo Nhân Dân

Một cảnh quay được thực hiện ở Hạ Long của bộ phim Indochine - Đông Dương của đạo diễn Régis Wargnier. Ảnh: Báo Nhân Dân

Một cảnh quay được thực hiện ở Hạ Long của bộ phim Indochine - Đông Dương của đạo diễn Régis Wargnier. Ảnh: Báo Nhân Dân

Người Mỹ trầm lặng là phim Hollywood đầu tiên đưa không gian phố xá Việt Nam thời những năm 50 của thế kỷ trước. Ảnh: Báo Nhân Dân

Người Mỹ trầm lặng là phim Hollywood đầu tiên đưa không gian phố xá Việt Nam thời những năm 50 của thế kỷ trước. Ảnh: Báo Nhân Dân

Ngày xuất bản: 24/1/2024
Nội dung: HUYỀN NGA
Trình bày: PHƯƠNG NAM