Một hệ sinh thái văn chương

Sự tôn trọng, ưu ái của cộng đồng dành cho những người cầm bút là một phần động lực quan trọng để nhà văn khi bắt đầu lựa chọn nghề nghiệp sẽ ưu tiên cho đam mê chữ nghĩa, xếp nhu cầu lương bổng, vật chất vào hàng thứ yếu; tự nguyện dấn thân vào công việc viết lách bởi sứ mệnh cao quý nào đó, chấp nhận sự sàng lọc nghiêm khắc của bạn đọc và thời gian.
0:00 / 0:00
0:00
Trò chơi Đố thơ tại Cây thơ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Hoàng thành Thăng Long thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. (Ảnh: Việt Khôi)
Trò chơi Đố thơ tại Cây thơ trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 tại Hoàng thành Thăng Long thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. (Ảnh: Việt Khôi)

Nhà thơ Viên Mai, một nhà thơ và trí thức lớn thời nhà Thanh ở bên Trung Quốc, tác giả “Tùy viên thi thoại” có hai câu thơ mà nhiều người làm văn chương Việt Nam hay nhớ vế thứ hai: Lập thân tối hạ (hay tối tiểu) thị văn chương. Câu đầy đủ là: Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch/Lập thân tối hạ thị văn chương. Đại ý: Mỗi bữa không quên ghi thẻ trúc/Lập thân thấp nhất ấy văn chương. Chưa bàn đến ngụ ý sâu xa của cụ Viên Mai, cách hiểu thông thường khi nói chuyện là, ai chọn gây dựng sự nghiệp (lập thân) bằng con đường văn chương là cách thấp nhất. Lẽ dĩ nhiên người xưa cũng có những câu ngược lại, như: Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao (Hết thảy các hạng trong đời đều thấp kém, chỉ có người đọc sách – ngụ ý chỉ tầng lớp trí thức ngày xưa, gắn liền với văn chương, thơ phú mới là cao quý). Đủ thấy quan niệm về nghề văn khác nhau như thế nào!

Năm 2019, tôi và nhà thơ Thụy Anh đi tàu thủy từ Saint Peterburg (LB Nga), theo “vòng cung vàng” trên sông Volga về Moscow. Thoạt tiên, chúng tôi được cư xử như những hành khách bình thường. Trước khi tàu khởi hành, bỗng có một tờ báo tại thành phố Saint Peterburg liên hệ với nhà tàu để tìm “nhà văn Thụy Anh” xin phỏng vấn về việc viết sách hay dịch sách thiếu nhi gì đó. Từ khi biết chị là nhà văn, tôi nhận thấy thái độ của những người phục vụ khác hẳn. Họ lễ độ, ân cần và trìu mến, tạo mọi sự dễ chịu nhất cho chị.

Khi chuyến đi kết thúc, đoàn bay từ Moscow về Hà Nội. Chúng tôi ra sân bay muộn, các quầy làm thủ tục cân hành lý đều đông nghịt, duy có một quầy vắng tanh nhưng không thấy ai vào. Những hành khách Việt thì thầm bảo nhau, cô phụ trách quầy này “hắc” lắm, hành lý mà quá cân là cô ta cho “ăn đủ”. Vì sợ lỡ chuyến nên chúng tôi vào làm thủ tục ngay, va-li của chúng tôi cũng bị quá cân. Cô gái phụ trách lập tức nghiêm mặt, yêu cầu bỏ bớt hành lý ra hoặc đi nộp phạt tiền phụ cước (rất đắt). Nhưng khi nhìn thấy chúng tôi dỡ từ va-li những cuốn sách, thái độ của cô bỗng nhiên dịu lại. Cô hỏi: Sách à, sao mang nhiều sách thế? Chúng tôi trình bày mình là nhà văn, đây là sách do các nhà văn Nga tặng. Trên khuôn mặt đang khó đăm đăm bỗng nở một nụ cười tươi như hoa. Cô bảo, thôi, các đồng chí nhà văn hãy đóng va-li lại, không phải kiểm tra nữa và cũng không cần đóng thêm cước phí, chúc một chuyến bay tốt lành.

Chuyện như thế này khá phổ biến ở nước Nga. Dường như hầu hết người dân đều dành cho giới nhà văn sự trân trọng, “ưu tiên” từ những điều rất nhỏ, nhưng vô cùng chân thành, ngay cả khi chưa biết nhà văn ấy là ai, viết hay, dở thế nào. Hai tiếng “nhà văn” ở đây mang một giá trị riêng nào đó, được xã hội đối xử theo cách đặc biệt, được trân trọng, yêu quý và nhà văn thấy mình phải viết như thế nào để xứng đáng với ân tình ấy. Phải chăng đây là một trong những lý do mà văn học Nga là một nền văn học lớn nhất nhì thế giới?

Nhà văn trẻ Hiền Trang được mời tham dự Chương trình viết văn quốc tế (International Writing Program) tại Đại học Iowa (Mỹ) năm 2022, nơi có khoa viết văn không chỉ nổi tiếng nhất nước Mỹ mà còn nổi tiếng nhất, nhì thế giới. Mới đây, trong cuộc hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ”, cô đã kể lại rằng, khi đang ngồi trong hiệu sách chờ đợi một hoạt động của khoa sắp diễn ra thì có hai người Mỹ hỏi thăm xã giao cô làm công việc gì. Nghe cô trả lời mình là nhà văn, dù chưa biết tên tuổi cô thế nào mà lại còn rất trẻ, nhưng ngay lập tức họ tỏ thái độ vị nể như cách họ dành cho những nhà văn nổi tiếng khác cùng tham gia chương trình. Cách đây hơn 20 năm, tôi cũng được mời tham gia Chương trình viết văn quốc tế này và có trải nghiệm tương tự khi đến New York vào thời điểm vụ khủng bố 11/9/2001 xảy ra chưa lâu. Trong lúc tôi loay hoay chụp ảnh bên ngoài tòa nhà Liên hợp quốc được canh phòng rất cẩn mật thì hai cảnh sát chống khủng bố như từ dưới đất chui lên, bất ngờ áp sát sau lưng tôi. Không biết có phải họ nhận ra sự đáng ngờ nào đó của tôi hay không, nhưng một người lăm lăm vũ khí còn người kia yêu cầu xuất trình giấy tờ. Tôi tái mặt, gắng trấn tĩnh trình bày mình là nhà văn, đang tham gia chương trình như thế, như thế… Sau khi nghe ra, họ lịch sự xin lỗi và nói buổi tối ở New York gió lạnh, nếu tôi muốn họ có thể cho tôi đi nhờ xe về khách sạn.

Một hệ sinh thái văn chương ảnh 1

Hội Nhà văn Việt Nam được mùa giải thưởng năm 2023 với 6 tác phẩm được vinh danh. (Ảnh: MINH TUYẾT)

Hình như một thời gian dài điều này đã ít nhiều phai nhạt qua những biểu hiện trong xã hội Việt Nam hiện nay? Tỷ lệ đọc sách giảm sâu so với trước, hầu hết mỗi đầu sách chỉ in được một, hai nghìn cuốn hoặc ít hơn; nhiều người viết nhưng lại ít tác phẩm xuất sắc, làm lay động độc giả. Và điều quan trọng nhất là đại đa số các nhà văn không thể sống được bằng nghề.

Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy ngày nay nhiều cây bút trẻ được trang bị kiến thức tốt, say mê sáng tác, miệt mài viết, một số nổi lên như những tiềm năng. Thế rồi bỗng nhiên họ ngừng sáng tác, rời khỏi văn đàn nhẹ nhàng như lúc họ đến. Dường như văn chương với nhiều người trẻ bây giờ chỉ là một cuộc chơi, viết để thỏa mãn chính mình, xong rồi thôi hoặc chuyển sang làm công việc mới. Ở một phía khác, những năm gần đây xuất hiện nhiều nhà văn “tay ngang”. Họ có thể là quan chức, doanh nhân, cựu chiến binh, nhà giáo, thậm chí người đào vàng…, khi có thời gian rảnh rỗi như nghỉ hưu hay công việc kinh doanh ổn định, thành đạt (hoặc thất bại), họ viết văn như một cách bộc bạch, giãi bày, kể lại những dấu mốc đặc biệt trong cuộc sống thú vị mà họ đã trải qua. Khá nhiều nhà văn “tay ngang” nổi lên, được trao những giải thưởng văn chương danh giá, thậm chí tác phẩm của họ hay hơn cả những người đã được định danh là nhà văn. Âu cũng là chuyện đáng vui mừng của văn giới. Nhưng hình như, giống những người trẻ, với họ đây cũng chỉ là cuộc chơi. Thích thì chơi tiếp, không thích thì dừng. Hoặc viết hết những câu chuyện cá nhân thì không còn gì để viết nữa. Nhà văn Thái Bá Lợi gọi đây là những tác giả còn thiếu độ nhà văn, nghĩa là chưa thể gắn bó với văn chương một cách chuyên nghiệp.

Vì sao người viết văn bây giờ khá đông đảo, nhưng thật sự gắn bó với nghề lại ít? Nguyên nhân có nhiều, nhưng theo mạch trong bài viết này, thì một nguyên nhân quan trọng là chúng ta đang thiếu một môi trường “xã hội văn chương” đúng nghĩa.

Khi xu thế kinh tế tri thức, tức là tỷ lệ lớn các hoạt động kinh tế dựa trên hiểu biết và thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo... ngày càng chiếm thế thượng phong thì để đáp ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức, Đảng và Nhà nước ngay lập tức đã đưa ra những đường lối, chủ trương xây dựng một xã hội học tập. Ngoài ý nghĩa tập trung mọi nguồn lực cho việc học tập, thì “xã hội học tập suốt đời” nhắm tới xây dựng đội ngũ trí thức mới, cổ vũ, tôn vinh người có học và đóng góp của họ cho xã hội, cho sự phát triển đất nước.

Trước những đòi hỏi của đất nước và thời đại ngày nay, xây dựng một đội ngũ trí thức mạnh trong đó có những người hoạt động văn học, nghệ thuật là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Cùng với xây dựng “xã hội học tập”, phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một hệ sinh thái có tên là “xã hội văn chương”, tạo một bầu khí quyển văn chương trong xã hội để những thế hệ nhà văn mới gắn bó, dấn thân, đồng hành cùng đất nước, dân tộc và thời đại; chuẩn bị nguồn nhân lực cho một thế hệ cầm bút tương lai. Sự ưu tiên trước hết nên dành cho các nhà văn trẻ, coi họ là nguồn lực quan trọng bồi bổ “nguyên khí văn chương”. Nhà nước và các tổ chức xã hội cần hỗ trợ các cây bút trẻ có nhiều cơ hội giao lưu, trao đổi, trải nghiệm cùng bạn viết như một chất xúc tác cho sáng tác; được học hỏi về nghề nghiệp từ các thế hệ đi trước, được đào tạo nâng cao kiến văn; được thường xuyên tạo điều kiện đi thực tế thâm nhập đời sống, tham gia các trại sáng tác; được hỗ trợ in ấn, xuất bản và giới thiệu quảng bá tác phẩm; có thêm những giải thưởng văn học phù hợp để họ được nhìn nhận đánh giá, được tiếp thêm năng lượng, niềm tin gắn bó lâu dài với nghề viết… Một khi người viết được hưởng bầu khí quyển văn chương với một “hệ sinh thái” như vậy, chúng ta có quyền hy vọng về sự xuất hiện của một thế hệ cầm bút mới, đáp ứng được yêu cầu của đất nước và thời đại.