Vì chiến tranh không chỉ là khói súng

Tôi là một người trẻ, sinh ra khi đất nước đã thống nhất và lớn lên khi chiến tranh đã lùi xa. Bên cạnh những lo toan cuộc sống thường ngày, niềm vui của tôi là tìm hiểu về lịch sử quân sự. Có lẽ giống nhiều người trẻ khác, niềm vui thích tìm hiểu đó xuất phát từ lòng tự hào, cảm giác kiêu hãnh về những chiến thắng hào hùng trong lịch sử đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả với Thiếu tướng Trần Giang, nguyên chỉ huy Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Ảnh: NVCC
Tác giả với Thiếu tướng Trần Giang, nguyên chỉ huy Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Ảnh: NVCC

Nhưng theo thời gian, từng bước, nhận thức của chúng tôi được bồi đắp và mở rộng nhiều hơn, để hiểu sâu hơn về hành trình, con đường và cả những cơ may của lịch sử dân tộc. Trong đó, Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973 thật sự là một dấu mốc được đắp nên bởi cả trí tuệ, máu xương, rất nhiều nước mắt và niềm ước mong hạnh phúc…

1 Ngược về với Quảng Trị và Thành cổ. Tôi đã đến thăm Trường Bồ Đề, chốt Long Hưng-nơi quân Giải phóng với AK47, vũ khí cầm tay đấu chọi cùng B-52, xe tăng, máy bay chiến lược, pháo hạm của Mỹ-ngụy. Tôi đã đến dòng Thạch Hãn, nơi máu của các chiến sĩ ta nhuộm đỏ lòng sông… Đã có hàng nghìn liệt sĩ nằm xuống trên mảnh đất Quảng Trị này, cũng như hàng trăm nghìn liệt sĩ khác ngã xuống trên khắp các nẻo đường, mang chính sinh mạng của mình để đưa đất nước đi qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc.

Tôi đã dừng lại rất lâu bên bức ảnh ông lái đò đưa chiến sĩ vào Thành cổ. Nụ cười tươi tắn và quá đỗi an nhiên, như là ông đang được mùa lúa, mùa khoai vậy, hoàn toàn biệt lập với những hiểm nguy đang chực chờ. Đó là nụ cười vượt trên mọi nghịch cảnh và hướng đến những điều tốt đẹp. Nước Việt từ nghìn xưa, đã có triệu triệu những nụ cười như vậy.

2 Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam, chấm dứt sự dính líu về quân sự và cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

Để đi đến kết quả này là cả một chặng đường dài, mà ông lão lái đò đưa bộ đội qua sông Thạch Hãn chắc chắn đã góp phần xứng đáng tạo nên. Sức mạnh tiến công sấm sét trên các chiến trường Đường 9 Nam Lào, Đông Nam Bộ, Quảng Trị, hay bản hùng ca "12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không"… cũng như sự cương quyết, khéo léo trên bàn đàm phán đã dẫn tới Hiệp định Hòa bình Paris, mang nội dung cơ bản giống như trong bản dự thảo 9 điểm mà Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thống nhất với nhau vào tháng 10/1972, với xương sống là tuyên bố 10 điểm của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam trước đó. Cả quá trình ấy, mọi trận tuyến đều có những tác động tương hỗ thiết yếu đến nhau, cùng nhau mang lại chiến thắng chung cho cả dân tộc.

Cũng chính tại Paris, những giá trị Việt Nam được khẳng định mạnh mẽ. Hình ảnh những nhà đàm phán của ta trực tiếp đối thoại với giới ngoại giao Mỹ là lời khẳng định cho sự độc lập của một dân tộc quyết làm chủ vận mệnh của mình. Trước đây, Quang Trung Nguyễn Huệ tỏ rõ sự hòa hiếu với Càn Long sau khi đại phá quân Thanh, như Lê Lợi sau khi đánh tan giặc Minh đã lập hội thề mời Vương Thông về nước. Qua các vòng đàm phán tại thủ đô nước Pháp, tinh thần hợp tác, biết thắng từng bước của người Việt Nam cũng đã mở ra hướng thoát khỏi chiến tranh trong danh dự, cũng như ngăn chặn khả năng tái can thiệp của Mỹ. Để rồi, đất nước thẳng tiến đến ngày Chiến thắng 30/4/1975, non sông liền một dải, Bắc-Nam sum họp một nhà.

Giá trị của dân tộc này, đâu chỉ là giá trị của những chiến binh!

3 Chặng đường theo đuổi tìm hiểu lịch sử quân sự nói chung, và lịch sử quân sự Việt Nam nói riêng, với tôi cũng như các bạn bè cùng chí hướng, sẽ vẫn còn tiếp nối. Song, đối với chúng tôi, càng tìm hiểu, càng nghiên cứu, càng hiểu rõ hơn cái giá của những mất mát hy sinh, chiến tranh sẽ không bao giờ còn chỉ là những trận đánh, không chỉ là chiến thắng mà còn là những bài học đắt giá mà chúng ta thu lượm được từ trận địa Tây Nguyên hay An Lộc 1972, cũng không chỉ là những gì diễn ra trên chiến trường mà còn là bản lĩnh gang thép trên bàn đàm phán chính trị, không chỉ là những khoảnh khắc trôi đi trong hào hùng oanh liệt, mà còn là truyền thống được hun đúc nghìn năm, để trở thành dòng máu chảy trong huyết quản của những thế hệ hiện tại, khi nhìn về tương lai.

Chúng tôi tìm hiểu về chiến tranh, khởi đầu với niềm yêu thích, và để rồi bị thuyết phục, gắn bó với đam mê, bởi như được cùng sống lại, cùng chia sẻ những giá trị tinh thần quý giá của dân tộc Việt Nam, và trưởng thành lên rất nhiều về nhận thức.

"Cảm thấy xúc động và tự hào" là một cụm từ đôi khi được sử dụng hơi dễ dãi. Được thấy thế hệ cha anh đi qua chiến tranh với cùng một ý chí, được thấy mọi người sống, lao động, học tập và chiến đấu vì cùng một lý tưởng; được thấy mọi quyền lợi, sinh mạng cá nhân đều dành để phục vụ lợi ích nước nhà; được thấy thành quả vĩ đại được tạo nên từ những con người bình thường nhất, được thấy không phải chỉ có những khoảnh khắc anh hùng mà còn là cả một thế hệ anh hùng…, đối với chúng tôi, là cả một niềm biết ơn sâu nặng, cũng như lòng thành kính ngưỡng mộ khí phách anh hùng, bản lĩnh và trí tuệ của lớp người đi trước.

Những bài học đánh đổi bằng bao nhiêu xương máu của lớp lớp các thế hệ cha ông ta chính là những chỉ dẫn đầy sức thuyết phục trước những vận động của thế giới, trong hiện tại.