Tương lai gần của nhạc trẻ?

Nổi tiếng thế giới là ước mơ của nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam. Có điều, trong quá khứ, rất ít người chạm được tới "đẳng cấp" này. Nhưng giờ đây, thế giới phẳng cùng mạng xã hội đã và đang làm thay đổi tất cả.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong MV Em dạo này. Nguồn: Kênh YouTube Ngọt
Cảnh trong MV Em dạo này. Nguồn: Kênh YouTube Ngọt

May hay khôn?

Nghệ sĩ Việt thời nay cũng bình đẳng như ở bất cứ quốc gia nào, trong việc chỉ cần "ngồi một chỗ" mà vẫn có thể phát hành tác phẩm tới toàn cầu. Phần việc còn lại đã có thuật toán của các nền tảng truyền thông quốc tế như TikTok, YouTube… đảm nhiệm.

Giai điệu từ Việt Nam đang phủ sóng mạnh mẽ nhất trên mạng toàn thế giới lúc này hẳn là See tình. Kèm theo là cái tên Hoàng Thùy Linh. Bài hát "lây lan" nhờ một phần nhỏ của nó (có thời lượng chỉ 15-30 giây) được phối lại và chia sẻ trên TikTok kèm lời mời mọi người nhảy theo. Nhiều triệu người đã nhận lời, bao gồm từ ca sĩ, diễn viên, vận động viên nổi tiếng cho tới hoa hậu, nam vương... chủ yếu ở các nước châu Á.

Cũng có ý kiến cho rằng: Không khó để một đoạn nhạc đạt hiệu ứng lan tỏa rộng rãi. Thí dụ, trang fiverr.com cung cấp tất cả các nhu cầu thiết kế web, logo hay dịch vụ nhận nhảy theo điệu nhạc… Tức là nếu đủ tiền, bạn hoàn toàn có thể thuê những những người có lượt theo dõi cao trên TikTok, Instagram làm theo yêu cầu... góp phần đẩy sản phẩm của mình thành xu hướng toàn cầu.

See tình, mà chính xác là thử thách nhảy theo đoạn nhạc trích từ bài hát này, lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc đến nỗi nó được gọi là "thần khúc". Có vẻ như sự lan tỏa của những bài hát như See tình nằm ngoài dự tính của con người(?). Tất nhiên, thành công này khởi sự từ tính toán của ekip trong thực hiện bản phối và chọn đoạn nào để lan tỏa qua mạng xã hội... Phần còn lại... tùy duyên, vì "gu" của khán giả trong nước, nghệ sĩ còn khó đo lường, nói gì tới các nước khác.

Trong nước, tất nhiên See tình hay Để Mị nói cho mà nghe là "hit" của Hoàng Thùy Linh, nhưng chúng không có trong danh sách các bài hát được hát đi hát lại nhiều, như Một đêm say, Ai chung tình được mãi, Waiting for you, Bên trên tầng lầu, Em dạo này, Nàng thơ… Có thể thấy, điểm chung của những bài hát kể trên là giai điệu rõ nét, trầm bổng - yếu tố dễ hấp dẫn người Việt bởi phù hợp ngôn ngữ mẹ đẻ có thanh điệu phong phú vào bậc nhất thế giới.

Không riêng See tình, những ca khúc gần đây của nghệ sĩ Việt được biết đến nhiều ở nước ngoài cũng ít khi có mặt trong số những bài hát được ưa thích rộng rãi trong nước. Những bài này cũng có giai điệu bắt tai nhưng xem ra vẫn chưa đủ ngọt ngào với người nghe trong nước. Hai phút hơn (Pháo), Dễ đến dễ đi (Quang Hùng MasterD), Ngây thơ (Tăng Duy Tân), Ngẫu hứng (Hoaprox)… không phải là những bài hát "quốc dân" nhưng vẫn làm mưa gió trên các bảng xếp hạng và sân khấu quốc tế chứ không chỉ nổi nhờ xu hướng như See tình.

Hai phút hơn lọt top 12 Bảng xếp hạng World Digital Song Sales của Billboard, là ca khúc Việt Nam đầu tiên ghi danh vào Top 10 Global Viral Chart của Spotify. Tăng Duy Tân từng kết hợp với nghệ sĩ Trung Quốc để phát hành Ngây thơ tại nước này. Ngẫu hứng (With you) và I can’t find you của Hoaprox có mặt trong album Electric Asia Vol.2 của Billboard tập hợp 15 ca khúc nhạc điện tử tiêu biểu của châu Á. Giữa năm 2021, Dễ đến dễ đi với phiên bản tiếng Trung, tiêu đề Đôi mắt em tựa ánh sao trời, được hai ca sĩ thần tượng Cúc Tịnh Y và Hầu Minh Hạo đưa lên sân khấu lớn, sau khi bài hát trở thành hiện tượng trên mạng xã hội Douyin của Trung Quốc. Lời còn được dịch sang tiếng Thái, và được chính Quang Hùng hát nghe y như một bài nhạc Thái vậy. Với nhiều người Việt, Quang Hùng MasterD còn xa lạ nhưng anh đã thật sự trở thành thần tượng ở đất Thái. Vào sinh nhật lần thứ 24 của anh, người hâm mộ Thái Lan đã mua rất nhiều bảng quảng cáo ở các trung tâm thương mại cũng như trên thành xe tuk-tuk để đăng tải hình ảnh và gửi lời chúc tới thần tượng. Phía ca sĩ ước tính trị giá quà mà người hâm mộ Thái Lan tặng Hùng vào dịp này lên tới nửa tỷ đồng tiền Việt (!)

Nổi tiếng quốc tế... rồi sao?

Những ca khúc Việt vươn khỏi biên giới có điểm chung là có những bản phối được tính toán rất kỹ, để làm sao có những tiết tấu thời thượng, những đoạn nhạc thu hút khiến người ta muốn nghe, muốn nhảy theo ngay. Từ đó, hình thành trong khán giả nhu cầu sử dụng đoạn nhạc đó để làm clip đăng mạng xã hội mà thậm chí không cần phải biết hay hâm mộ chủ nhân của ca khúc. Giọng hát không còn là yếu tố quyết định trong việc lan truyền những bài hát, đoạn nhạc kiểu này.

Còn nhớ khi tham gia gameshow truyền hình The Remix, Tóc Tiên được cả khán giả vài nước trong khu vực biết tới không phải do giọng hát mà là nhờ "vũ điệu cồng chiêng" mà Hoàng Touliver đưa vào bản phối cho bài Ngày mai. Ở đây, vai trò quyết định sự lan tỏa của sản phẩm thu âm chính là nhạc sĩ phối khí.

Việc có bài hát được yêu thích và tên tuổi được biết đến ở nhiều nước khác cũng không phải là thứ bảo đảm cho ca sĩ có thể phát triển thương mại ở đó. Từ hiện tượng See tình, một số người bắt đầu nghĩ tới tương lai gần (hay xa?), Việt Nam sẽ có những bản hit phủ sóng toàn cầu như Gangnam Style hay Despacito. Nhưng thực tế để đến được bước này, vai trò lại thuộc về các thiết chế có quyền lực và tài lực đủ để có thể "xuất khẩu" hẳn ca sĩ chứ không chỉ bài hát. Chẳng hạn, phía sau Gangnam Style là công ty YG Entertainment, nơi có khả năng đưa ca sĩ Psy sang Mỹ diễn ngay khi bài hát lập kỷ lục trên YouTube. Trong khi, âm nhạc đại chúng Việt Nam chưa phát triển đến mức trở thành một nền công nghiệp âm nhạc có sức cạnh tranh toàn cầu.

Tuy nhiên nhìn một cách lạc quan, những hiện tượng như See tình rõ ràng là tín hiệu tích cực, thể hiện sự sẵn sàng ra biển lớn từ phía nghệ sĩ. Xét trên khía cạnh tinh thần, phi lợi nhuận, những See tình hay Hai phút hơn đang góp phần tăng cường sự hiểu biết của bạn bè quốc tế với đất nước, con người Việt Nam thông qua ngôn ngữ chung: Âm nhạc.