Từng con chữ thương quê nhớ xứ

32 tản văn trong tập sách “Biết vọng cố hương, biết thương xứ mình” (NXB Văn học) của nhà văn Tống Phước Bảo đậm chất Nam Bộ và dạt dào tình cảm.
0:00 / 0:00
0:00
Từng con chữ thương quê nhớ xứ

Tuy nhiên, Tống Phước Bảo không chỉ tả cảnh, tả người bằng dòng cảm xúc buồn vui bâng quơ, mà như kể câu chuyện đời người có phận số rõ ràng. Trong tản văn có truyện chính là như vậy. Đậm nét nhất là những mảnh đời tha phương cầu thực, dù đã gán đời mình cho chốn Sài thành, nhưng vẫn mang trong lòng nỗi niềm thương quê nhớ xứ.

Ta bắt gặp ngoại Mười, điển hình cho những người đàn bà miền trung đang bôn ba khắp phố thị, trên gánh mưu sinh gói thêm cả quê hương, mang theo từ cách sống, giọng nói tới món ăn. Hoặc những người đồng hương xứ bắc gặp nhau mừng mừng tủi tủi tại cái chợ nho nhỏ mang tên Đo Đạc để mua bánh chưng tranh khúc, biết rằng, dù ở giữa Sài thành vẫn có thể tìm thấy quê nhà. Rồi từ đó, Tống Phước Bảo rút ra chiêm nghiệm sâu sắc: “Chỉ có bôn ba xa xứ mới nhận ra một thứ bình dị mà lắng sâu nhất, khi thèm một món ăn quen, chính là lúc thương cố hương nhất dạ”.

Sài Gòn nghĩa tình dung nạp tất thảy, nên nơi này không thiếu những món ăn đặc sản xứ khác, từ món phở miền bắc, nồi lẩu “lạp sạp” Quảng Ninh, nồi thắng cố Bắc Hà, tới món bún bò xứ Huế, bánh căn miền trung hay cả món cháo cá, bánh chuối miệt bưng biền miền Tây. Chính những “món quê níu chân những người con tha hương xích gần lại nhau”. Bởi một lẽ đơn giản, “hồn quê đâu dễ mai một”, dù có ở nơi phồn hoa đô thị đầy tiện nghi.

Phố xá không chỉ có những người tứ xứ “vọng cố hương”, mà có cả những người chánh gốc Sài Gòn thắt thẻo “ngóng phố”, giữ nếp pha cà-phê bằng vợt hay thói quen may áo dài mặc Tết. Phố thị là của chung, mỗi người đều có những nỗi niềm riêng mang, nhưng chốt lại vẫn không thể rời bỏ mà đi. “Bởi đâu đó trong ồn ào náo nhiệt thị thành, cái tình luôn níu giữ con người ta”.

Nhà văn còn mang đến cho bạn đọc “bữa tiệc” đậm đà hương vị ở bối cảnh xứ khác. Theo chân tác giả, ta được về miệt đồng bưng sông Cửu Long ăn cá lóc thui rơm, canh tép rong nấu đọt nhãn lồng. Ta cũng sẽ bất giác phải lòng Hà Nội và đi “Tìm quán Tiến Bộ, hỏi ngõ Tạm Thương”, hoặc chìm đắm trong hương hoa xuân giữa Đà Lạt bạt ngàn thông hát. Đi cùng con chữ của tác giả, ta tưởng như mình chính là người đã hẹn ước với Đà Nẵng vào một mùa thàn mát nở hoa nào đó. Rồi ta cũng rưng rức xót xa cho cái “Cúi đầu lạy núi” của người dân miền trung sau cơn bão lũ.

Nếu sứ mệnh của nhà văn là đồng cảm với đời, với người và chuyên chở những yêu thương, thì Tống Phước Bảo đã thành công. Độc giả đồng cảm sâu sắc với nỗi thèm quê nhớ xứ của những người tha phương, từ đó biết thương thêm quê mình.