Thiên nhiên ưu đãi cho Nguyên Bình nhiều khoáng sản quý báu, nhưng cũng vì thế, những dòng chảy ở Nguyên Bình luôn phải đối mặt với những biến đổi bất thường bởi con người. Không phải lúc nào những thứ lấp lánh cũng mang màu viên mãn.
Theo những dòng chảy
Sông Nguyên Bình có thể xem như dòng chảy lớn nhất ở huyện. Nhưng đúng như cô cán bộ môi trường huyện Nông Thị Hà nói, cái tên Nguyên Bình hầu như chỉ nằm trên văn bản chính thống. Thậm chí ở hầu hết nơi dòng chảy này đi qua, con sông chỉ được coi như một dòng suối. “Các dòng chảy nhỏ đến khu vực hồ mỏ thiếc Tĩnh Túc, rồi theo dòng suối về, qua xã Thể Dục thì người ta gọi là sông Thể Dục, rồi về tới Nguyên Bình thì gọi là sông Nguyên Bình, sau đó chảy tiếp về Hòa An rồi mới đổ ra sông Bằng”, Hà giải thích.
Theo lời chỉ của Hà, chúng tôi tới điểm được coi là đầu nguồn của con sông, hồ mỏ thiếc Tĩnh Túc. Khi xây dựng mỏ thiếc, người Pháp đã đào một đường hầm qua khe núi, dẫn nước ở hồ này về tới suối Nậm Kép chảy men thị trấn. Lâu ngày, người dân coi đường hầm là một cái hang, mà lấy luôn cách người Pháp gọi đường hầm gọi luôn hang đó là hang Tuy Nen, theo chữ Tunnel trong tiếng Pháp. Dòng Nậm Kép trong quá khứ vài chục năm trước, còn có tên suối Đục, bởi nó đục ngầu mầu bùn đất thải từ mỏ thiếc. Những năm 80, để tránh nước thải đổ ra Nậm Kép, người ta lấp hang Tuy Nen, nước hồ không có chỗ thoát nên mỏ thiếc ngập lụt thường xuyên. Ông Phạm Minh Cường, công nhân mỏ thiếc thời đó, kể cứ mỗi mùa mưa, lòng hồ dâng lên ngập cả khu nhà hành chính, “Chúng tôi phải phân chia nhau vác máy phát điện sơ tán”. Bây giờ nhìn lòng hồ xanh ngắt, mùa nước cạn có vẻ chẳng nguy hại gì, không ai biết lòng hồ sâu tới đâu, nhưng ông Cường đoán dưới lòng còn có một hang ngầm vô tận, bởi có lần người ta đã đặt hai cái máy bơm nước bên hồ để chống ngập, nhưng máy cũng không làm việc kịp với sức nước lên, hai cái máy cứ thế bị cuốn vào lòng hồ sâu hút. Phải tới khi người ta thông lại hang Tuy Nen, cảnh ngập này mới chính thức hết.
Bà Vũ Thị Thanh, một công nhân mỏ từ năm 1954, cùng thời với những anh hùng lao động như Triệu Thị Soi, nói nước thượng nguồn ở Tĩnh Túc ngọt lành đặc biệt. Bà kể có nhiều họ hàng dưới xuôi cũng lên đây để lấy nước từ núi đá chảy xuống. Những dòng suối len lỏi đó, rồi sau hòa vào dòng Nậm Kép, rồi cứ thế về Cao Bằng. Dòng chảy men theo núi, có khi biến mất hẳn trong lòng núi, có lúc lại bẻ hướng vào thôn bản, không có một nhịp cố định nào. Có thể chính những ngoắt ngoéo ấy, đã tạo nên những lịch sử không đâu có cho Nguyên Bình.
Men theo dòng Nguyên Bình, qua Thể Dục, rồi Minh Thanh, rẽ vào Tà Sa thêm hai cây số sẽ thấy thủy điện Tà Sa. Tới đây, người ta gọi sông Nguyên Bình là suối, chảy xuyên qua bản, len lỏi giữa những thửa ruộng trước khi vòng qua sườn núi để chảy tới huyện Hòa An. Người ta đã tận dụng sức nước của dòng chảy để tạo ra một hệ thống kênh dẫn nước vào ruộng đẹp mắt. Năm 1955, khi mỏ thiếc Tĩnh Túc hoạt động trở lại, thủy điện Tà Sa cũng được xây dựng trên cơ sở đập cũ để tiếp tục cung cấp điện cho mỏ thiếc. Hiện vẫn có bốn thủy điện là nguồn cung cấp điện cho Tĩnh Túc, trong đó Tà Sa và Nà Ngàn đều được xây dựng trên sông Nguyên Bình. Từ QL34 đi thêm độ 2km là tới thủy điện Tà Sa. Mùa nước cạn, nhưng dòng chảy ở Tà Sa vẫn tỏ ra đầy hăm dọa. Sườn dốc không thoải mà dựng đứng, dù dòng chảy nhỏ nhưng sức rất mạnh. Có thể chính địa hình dốc đặc biệt này nên người Pháp đã chọn Tà Sa làm nơi đầu tiên để xây dựng nhà máy cung cấp điện “thắp sáng cả thị trấn”.
Hoàng kim theo gió bay
Tĩnh Túc, sau nhiều năm bừng sáng, giờ buồn thiu, như lời của Dào Ta, cậu thanh niên đang làm bảo vệ ở đền Gia Long, cách mỏ thiếc chỉ chừng chưa đầy cây số. Từ trên hang Gia Long, có thể nhìn rõ toàn cảnh khu mỏ. Dào Ta chỉ ở cách trung tâm thị trấn hơn cây số, nhưng cậu bảo chẳng có ý định ra thị trấn chơi: “Ngày rằm có chợ mỏ còn có người, chứ ngoài đó làm gì có gì”.
Thế nhưng, lật lại quá khứ, từ những thập niên đầu thế kỷ 20, Tĩnh Túc, có thể xem như nơi đầu tiên của Cao Bằng có điện, và có vẻ như cũng đầu bảng trong các địa danh ở Việt Nam có điện. Năm 1917, Tĩnh Túc có điện. Bài báo trên báo Pháp năm 1917 mô tả: “Toàn bộ ngôi làng đã được thắp sáng bằng điện”. Vào thời kỳ miền bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tĩnh Túc ở giai đoạn sôi động nhất. Thị trấn vùng cao này cũng là nơi sáng nhất cả tỉnh, bởi ánh điện tưng bừng, cũng như không khí lao động tấp nập.
Ông Phạm Minh Cường nói vào những năm 1983-1986, khi ngay cả người dân các thành phố lớn vẫn còn đang đối mặt khủng hoảng kinh tế, công nhân Tĩnh Túc vẫn rất sung túc. Ngoài tiền lương, “vải, thuốc, đồ dùng toàn của Liên Xô, được phát theo thưởng hằng tháng”, ông Cường kể. Cái thời mà cả thị trấn sáng rực rỡ, không khí làm việc khẩn trương, vẫn là một nuối tiếc với ông Cường, bà Thanh. Tĩnh Túc khi hết quặng, đã trở thành một thị trấn bị lãng quên. Ngoài một không khí vẫn nặng, như lời ông Cường là luôn khiến người ta ngủ kém ngon hơn nơi khác, thì chỉ còn lạ và dấu tích. Trong quán cà-phê Relax, anh chủ quán Sầm Minh bảo chủ yếu khách Tây, mà hai năm qua dịch nên Tây cũng ít ghé. Sầm Minh dựng quán ở một căn hộ thuộc khu tập thể cũ, nơi mang đậm phong cách tập thể của những năm bao cấp. Anh kỳ công đi đặt những mô hình tời dây của mỏ thiếc thời kỳ đầu về trang trí cho các quán cà-phê, thêm những tấm ảnh Tĩnh Túc mấy chục năm trước anh xin về, Relax giống một không gian hoài niệm hơn là để mục đích kinh doanh.
Trong phòng truyền thống của Công ty CP khoáng sản và luyện kim Cao Bằng, chiếc sa bàn huyền thoại tái hiện mỏ thiếc vẫn còn đó. Nhưng những công nhân kỳ cựu, nói nó chỉ là một phần phục dựng của sa bàn cũ. Chiếc sa bàn nổi tiếng tới nỗi đã từng được mang về Hà Nội trưng bày, có thể tái hiện cả cách thức vận hành chuyển động của hệ thống tời dây chở quặng - biểu tượng vẫn nằm trên logo thị trấn ở ngay quốc lộ.
Năm 2020, ông Cường nghỉ hưu. Theo chân bố lên làm công nhân mỏ từ những ngày đầu tiên, ông Cường đã coi Tĩnh Túc như quê hương rồi, nên ông ở lại luôn thị trấn. Bà Thanh cũng ở lại, bởi lên với mỏ từ năm 15 tuổi, bây giờ đã ngoài 84 tuổi, bà cũng chẳng định đi đâu nữa. Nhưng cũng nhiều người đã rời đi. Những căn nhà còn dấu tích thời của tình hữu nghị Việt Xô, giờ cũng đã bàn giao lại cho huyện.
Nằm ngay trên quốc lộ 34, từng là nơi người qua lại tấp nập, Tĩnh Túc cũng từng là điểm nóng của ma túy. Có tiền, và rảnh rỗi, rồi nảy sinh tệ nạn. 5 năm từ 2010-2015, Tĩnh Túc chiếm 38% số vụ án ma túy của cả huyện. Thời điểm 2015-2016, số người nghiện ma túy của Tĩnh Túc chiếm gần 40% cả huyện. Ngay cả bây giờ, để sạch ma túy, vẫn là thách thức ở thị trấn này.
Bù lại, bà chủ quán Bích béo đầu thị trấn, bảo rằng ở đây người ta thương nhau. Ngồi ở quán cà-phê Relax một lúc, người Tĩnh Túc thấy có khách lạ, đều hồ hởi vào hỏi chuyện, không ngần ngại kể cả chuyện xưa, chuyện nay. Suối Nậm Kép khi xưa đục ngầu vì đất thải, bây giờ lại thấy dòng trong veo.
Một phía khác, nơi thượng nguồn sông Hiến, cũng từng có một “hoàng kim” của những ngày tháng đãi vàng. Cơn sốt vàng rõ nhất là ở Tam Kim - nơi tỷ lệ may mắn cao nhất, vàng bán được giá nhất. Ngồi bán bánh áp chao - một loại bánh truyền thống của Cao Bằng ngay trước cổng Trường THCS Tam Kim, chị Nông Thị Hương chép miệng, giá ngày đó không đào vàng mà bỏ học. Năm 1993, khi đang học dở lớp 9, chị bỏ học theo người lớn mang đồ nghề ra suối, cũng cắm mặt với nước, với cát để tìm kiếm vận may: “Năm đó cả lớp 9 xóa sổ, vì học sinh nghỉ học đi đãi vàng hết”. 15 tuổi, cô gái Nông Thị Hương có thể xem như người khá giả, vàng kiếm cũng kha khá, dù là vàng cám nhưng số lượng nhiều nên túi cũng rủng rỉnh cho những cuộc vui chơi tuổi mới lớn. Hương đi tỉnh, mua sắm, quần áo chất đầy nhà, nhiều tới mức chị cũng chẳng nhớ mình có bao nhiêu cái áo. Nhưng tiền kiếm được, dù chị giải thích, không tệ nạn gì, thì cũng chỉ vừa đủ cho mấy sở thích mua sắm tuổi trẻ, chứ chẳng nhiều tới tay hòm, tay nải như người ta kháo nhau. Vàng hết, Hương mới nhận ra mình chẳng để được đồng nào trong túi.
Dân đào vàng ở Tam Kim, như chị nói, kiếm xong là tiêu xong, ai giàu thì không biết, nhưng ai trả giá thì cũng biết. Rất lâu sau, khi cơn sốt vàng qua đi, suối lại chảy, chỉ có những thấm thía của đời người vẫn đó. “Lấy được từ suối bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu thôi”, chị tổng kết. Hai vợ chồng chị, cũng đều là những người đào vàng năm nào, giờ có cuộc sống bình dị hơn, không nghèo nhưng cũng “Chẳng hơn được ai”.
***
Sông Hiến và dòng chảy Nguyên Bình, dù cùng một huyện, nhưng theo hai hướng, mãi tới Cao Bằng mới gặp nhau ở ngã ba sông Bằng - sông Hiến. Nông Thị Hà bảo sông nhỏ, nhưng ở đây chỗ nào cũng vậy. Cũng như ở khắp các huyện vùng cao, những mạch ngầm vẫn âm ỉ như vậy. Nhiều suối mới góp thành sông, những dòng chảy khởi đầu mới làm nên cuộc sống. Biến đổi thăng trầm đến đâu, chỉ có người phụ sông, chứ mạch nước ngầm, luôn ở đó dung dưỡng mình thôi.