THÀNH thị không rác. Thôn quê không rác. Nhà cửa, ruộng vườn không rác. Trên hành trình bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững, Nhật Bản chọn nền tảng là "tư duy xanh", cùng công nghệ quản lý rác thải ở ngay chặng khởi đầu.
Nhật Bản từng chịu những thách thức lớn về môi trường từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai tới cuối thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước. "Điều thần kỳ kinh tế Nhật Bản" đã kéo theo sự tăng vọt của chất thải và ô nhiễm. Nhưng, chính phủ Nhật Bản đã sớm nhận ra nhu cầu cấp thiết chuyển đổi sang chính sách và công nghệ quản lý rác thải tiên tiến, đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn (dựa trên sự tuần hoàn của tài nguyên và năng lượng) với phương thức cốt lõi 3R (giảm tối đa- tái sử dụng-tái chế), và gần đây, thêm cả "tái chế sáng tạo". Chính phủ Nhật Bản đồng thời tập trung xây dựng các đô thị sinh thái lớn, nhỏ trên cả nước theo hướng..."xanh chồng xanh".
Cụm từ này có hai cách hiểu: Thứ nhất, đây là chuyển ngữ của "green-and-blue" để chỉ hai không gian sinh thái quan trọng trong đô thị: mảng xanh và mặt nước. Một đô thị sinh thái cần có nhiều công viên, mảng xanh, hành lang và vành đai xanh, đồng thời cả hồ ao, kênh rạch hay sông biển. Và thứ hai, xanh (phát thải thấp) lồng ghép cùng xanh (cây cỏ). Ngày nay, chúng ta đều quen thuộc với những khái niệm "xanh" này: tăng trưởng xanh; công trình xanh; công nghệ xanh.
Để kiến tạo những không gian sinh thái đáng sống và bền vững, không thể thiếu đóng góp của giới quy hoạch đô thị và kiến trúc, bên cạnh chính quyền, doanh nghiệp, chuyên gia ở các lĩnh vực khác cũng như cộng đồng dân cư. Họ tham gia quá trình "quy hoạch thiết kế tham dự" với tinh thần dân chủ, hài hòa lợi ích, hướng tới đồng thuận. Họ cũng giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phát triển bền vững. Mô hình hợp tác chủ đạo Nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà trường đã thu hút sự tham gia của nhiều tập đoàn tư nhân, trường đại học và viện nghiên cứu, góp phần tạo nên những thành công đáng khích lệ.
Ở cấp độ công trình, các kiến trúc sư là "nhạc trưởng" thiết kế bền vững. Họ sử dụng các thủ pháp và công nghệ địa phương kết hợp công nghệ cao, tích hợp mảng xanh vào công trình, thiết kế thụ động (passive design) với hệ thống thông gió và chiếu sáng tự nhiên tối ưu nhằm tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng mặt trời và gió. Các công trình đạt "xanh" phải qua được "bài kiểm tra" nghiêm ngặt của Hệ thống đánh giá toàn diện về hiệu quả môi trường xây dựng CASBEE hoặc Chứng chỉ công trình xanh DBJ (đều do Nhật Bản phát triển).
Thông qua tác phẩm thắng cuộc trong các cuộc thi thiết kế công trình trọng điểm, những kiến trúc sư tên tuổi sẽ có cơ hội cho thế giới thấy tài năng cùng triết lý sinh thái của họ. Chẳng hạn, thiết kế công trình Sân vận động quốc gia mới phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020 của kiến trúc sư Kengo Kuma được đánh giá cao bởi những giải pháp thông gió, cách nhiệt, lấy sáng, thu nước, pin mặt trời và sử dụng vật liệu gỗ dạng module dễ bảo trì, thay thế.
Ở góc độ quản lý vĩ mô, Chính phủ Nhật Bản đề ra nhiều chính sách thúc đẩy đô thị sinh thái trên cả nước, như Chương trình Đô thị sinh thái từ năm 1997, Sáng kiến Đô thị sinh thái kiểu mẫu từ năm 2008, Sáng kiến Đô thị tương lai từ năm 2011 và nhiều kế hoạch khác. Để bảo đảm nguồn tài chính, họ khôn khéo mời gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia theo cơ chế hợp tác công-tư (PPP).
Là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh lớn này, với vai trò là chuyên gia quy hoạch tại một tập đoàn tư vấn Nhật Bản, tôi cùng các đồng nghiệp vừa hoàn tất quy hoạch thiết kế một khu đô thị sinh thái rộng 15 ha ở ngoại ô Thủ đô Tokyo, một dự án khác rộng 200 ha ở ngoại vi Thủ đô Bangkok của Thái Lan và từng đề xuất mô hình đô thị sinh thái ven đô cho các thành phố lớn ở Việt Nam.
TRONG các chương trình kể trên, thành phố quy mô gần một triệu dân Kitakyushu đã trở thành một điểm sáng thành công tầm quốc tế, về cải tổ ngoạn mục "từ xám sang xanh".
Nước biển đỏ ngầu, bầu trời đầy khói… là hậu quả ô nhiễm môi trường mà Kitakyushu-thành phố cảng công nghiệp hàng đầu Nhật Bản phải hứng chịu trong thời kỳ công nghiệp hóa mạnh mẽ vào những năm 60 của thế kỷ trước. Các bà mẹ lo lắng cho sức khỏe con cái đã lãnh đạo phong trào đấu tranh bảo vệ môi trường và giám sát nhà máy gây ô nhiễm. Sau ba thập niên đấu tranh và hợp tác giữa các bên tham gia, Kitakyushu đã giải quyết thành công những vấn đề môi trường, được Liên hợp quốc trao giải Global 500 Award.
Không chỉ tập trung vào một vài phương diện, Kitakyushu đã tiến hành cuộc cách mạng xã hội để "xanh hóa" toàn diện: giao thông xanh với đi bộ và xe đạp; năng lượng xanh với điện mặt trời, gió và hydro; công trình và môi trường "xanh chồng xanh" với công nghệ tái chế rác tối tân; công nghiệp xanh với sản xuất sạch và cộng sinh công nghiệp (chất thải nhà máy này thành nguyên liệu đầu vào nhà máy khác) ở quy mô lớn.
Bên cạnh đó, Kitakyushu triển khai nhiều công nghệ thông minh. Cuộc cách mạng xanh đã giúp thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và thu hút dân cư tới sinh sống, làm việc. Nổi bật nhất là quận Higashida được xây trên nền nhà máy thép Yawata cũ. Một phần di tích công nghiệp ô nhiễm được giữ lại trong quần thể Bảo tàng Môi trường Kitakyushu, nơi đón các đoàn tham quan toàn cầu. Một khu nhà ở sinh thái-thông minh kiểu mẫu đang mọc lên, với nhà mẫu sinh thái mang phong cách truyền thống địa phương.
NGOÀI việc phát triển trong nước, Nhật Bản quảng bá rộng rãi các mô hình đô thị sinh thái ra nước ngoài, hợp tác với chính phủ các nước để triển khai. Chẳng hạn, chương trình "3R-HN" do Chính phủ Nhật Bản tài trợ năm 2006 đã làm dấy lên phong trào thực hành 3R lần đầu ở Thủ đô Hà Nội.
Tokyo một sáng cuối tuần. Khi đang tổng vệ sinh sân chung và góc công viên trước nhà cùng những người hàng xóm thân thiện, giai điệu mượt mà của bài hát cổ động cho "3R-HN" chợt ùa về trong tôi: "...Củng cố mầu xanh đất nước / Giữ đẹp cuộc sống dài lâu / Điều đó tùy thuộc hành động của bạn / Chỉ thuộc vào bạn mà thôi!". Nếu chung tay gieo mầm "xanh chồng xanh" ngay hôm nay thì ngày mai, chúng ta có thể cùng nhau kiến tạo và an hưởng những môi trường sống sinh thái và bền vững…