Nhịp điệu Chămpa
Dân tộc Chăm hiện có khoảng 18 vạn người, sống trên 10 tỉnh, thành phố khác nhau, tập trung nhiều hơn cả là ở Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang... Nhắc đến văn hóa Chăm, trước hết phải là nền kiến trúc và điêu khắc vô cùng phong phú và đặc sắc của dân tộc này. Các khu tháp bằng gạch nung trải dài suốt dải đất miền trung, từ Huế cho đến Bình Thuận, là chứng tích huy hoàng của văn minh Chămpa, trong đó có khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Gắn liền với kiến trúc là cả nền điêu khắc với những phong cách độc đáo. Tượng Vũ nữ Trà Kiệu và Tượng Shiva Pô Klong Girai được xem là kiệt tác của cả nền điêu khắc Đông - Nam Á.
Truyền thống ấy được các nghệ nhân Chăm hiện nay tiếp nhận. Ngoài các tranh tượng của họa sĩ Đàng Năng Thọ, dấu ấn xưa vẫn còn tồn tại ở hai làng nghề: Nghề gốm ở Bàu Trúc, và nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (Ninh Thuận). Tại làng gốm Bàu Trúc, vài thập niên qua xuất hiện cả lối làm theo cổ truyền lẫn sự sáng tạo để chế tác nên các kiểu dáng mới. Ở phía đối diện, nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cũng tạo sự chú ý đặc biệt. Công ty dệt thổ cẩm Inrahani ra đời, vừa sưu tầm lưu giữ hàng trăm hoa văn và sản phẩm cổ truyền, đồng thời cũng đã sáng tạo nhiều mẫu mã mới, mang lại sự nhộn nhịp cho thị trường thổ cẩm. Ở một mức độ nào đó, thổ cẩm Chăm đã trở thành một mặt hàng. Nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư thích đáng cho hai làng này thành Làng nghề truyền thống Việt Nam. Từ đó, thổ cẩm và gốm Chăm phát triển mạnh, ngày càng đa dạng hơn, thu hút khách thập phương đến với làng nghề.
Ở một bộ phận khác, ca - múa -nhạc Chăm. Đây là mảng đề tài thu hút lực lượng hoạt động đông đảo nhất. Từ nhạc sĩ kiêm ca sĩ Amư Nhân cho đến các nghệ nhân Chăm lớn tuổi như Thạch Tìm, Trượng Tốn..., đã có đóng góp không nhỏ vào việc biểu diễn cũng như truyền dạy kỹ năng cho thế hệ sau. Từ Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm - Ninh Thuận đến Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, tất cả đều có đóng góp nhất định vào việc giới thiệu ca - múa - nhạc Chăm đến với đồng bào cả nước.
Có thể nói, hoạt động ca - múa -nhạc mang tính thực tiễn cao hơn cả trong các lĩnh vực văn hóa Chăm. Các điệu múa dân gian thể hiện bằng tên gọi các điệu trống Ginang, từ điệu Biyên, Tiong, Wah Ge... cho đến điệu Pô Tang Ahok; từ việc sử dụng đạo cụ gồm quạt, khăn, lu, roi, kiếm..., tất cả đều được các nghệ nhân Chăm rút tỉa từ hàng trăm lễ hội rồi đưa lên sân khấu trình diễn, rất thành công. Cạnh đó, các điệu múa do Đặng Hùng lấy cảm hứng từ các thao tác của những tác phẩm điêu khắc Chămpa xưa, "giải mã" chúng, rút tỉa và tổng hợp được tám thế tay và bốn thế chân, tạo thành "Múa cung đình", đã chinh phục trái tim của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.
Mạch ngầm ngôn ngữ
Người Chăm có chữ viết sớm nhất Đông - Nam Á. Ngay từ thế kỷ thứ 4, bia Đông Yên Châu ở Trà Kiệu (Quảng Nam) đã được ghi bằng chữ Chăm cổ. Loại chữ này qua nhiều biến đổi, đã trở thành Akhar thrah ngày nay. Chính qua loại chữ này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều tác phẩm văn chương, triết lý, gia huấn ca... được chép trên lá buông, giấy bản. Từ năm 1978, nhận thấy giá trị của Akhar thrah, Nhà nước ta đã thành lập Ban Biên soạn sách chữ Chăm ở tỉnh Ninh Thuận, vừa nghiên cứu ngôn ngữ, vừa soạn sách giáo khoa dạy ở cấp tiểu học ở các tỉnh có con em dân tộc Chăm sinh sống. Sắp tới, Nhà nước còn nghiên cứu nâng cấp học nữa.
Bề nổi là vậy, mạch ngầm của nền văn hóa Chăm đang chảy một dòng riêng biệt, đó chính là nền văn học dân tộc với những bản sắc riêng không thể lẫn. Nền văn học viết của người Chăm phát triển khá sớm. Song hành với văn học bình dân: panôic yaw/ tục ngữ, panôic pađit/ ca dao, dalikal/ truyện cổ... là nền văn học viết có mặt từ rất sớm: văn bi ký, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lý, gia huấn ca... Cho dù d sản văn học ấy đã thất tán nhiều, nhưng qua nỗ lực sưu tầm không mệt mỏi của các nhà nghiên cứu, văn học viết của Chăm vẫn có được các tác phẩm sáng giá đóng góp vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam. Ngoài văn bia ký gồm 250 minh văn, sáng tác từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 15, các trường ca trữ tình, hàng trăm trường ca thế sự, thơ triết lý, gia huấn ca, cùng hàng trăm damnưy/ tụng ca do Ông Kadhar hay Ông Mưdôn hát trong các lễ Rija, là những áng văn chương giá trị. Đặc biệt, người Chăm cũng đã sáng tạo các akayêt/ sử thi nổi tiếng như Akayêt Dêwa Mưnô, Akayêt Um Mưrup... Khác với các sử thi của các dân tộc Tây Nguyên anh em, sử thi Chăm đã được văn bản hóa từ khá sớm.
Từ truyền thống văn học đó, mươi năm qua, người viết Chăm cũng đã "tiếp thu và sáng tạo" nên một dòng chảy mới, khẳng định được thế đứng với các khuôn mặt đầy hứa hẹn từ Inrasara đến Trà Vigia, Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên, Kiều Maily... Họ sáng tác song ngữ: tiếng Chăm và tiếng Việt, trong đó có tác giả đã có đến ba, bốn đầu sách. Qua các tác phẩm đã ra mắt, dù viết bằng tiếng phổ thông, người đọc vẫn nhận ra giọng văn đặc trưng Chăm, từ cách nghĩ cho đến cách nói.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có nét văn hóa riêng, rất đặc trưng. Đó là kho báu vô vàn quý giá của đất nước ta. Văn hóa Chăm là nền văn hóa có bề dày truyền thống lâu đời với nhiều mảng vừa độc đáo vừa phong phú. Phục dựng và tôn tạo nền văn hóa của dân tộc Chăm nói riêng, và các dân tộc thiểu số anh em khác nói chung, là một cách đánh thức tiềm lực văn hóa và kinh tế to lớn của đất nước Việt Nam đa dân tộc. |