Tránh nửa vời,thiếu thực chất

Việc thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá chung đã dẫn đến những vướng mắc trong lộ trình phát triển công trình xanh ở Việt Nam. Nhân Dân cuối tuần có cuộc trao đổi với TS, KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam (ảnh trên) về thực trạng này.
0:00 / 0:00
0:00
TS, KTS Lê Thị Bích Thuận
TS, KTS Lê Thị Bích Thuận

- Có ý kiến cho rằng, ở ta vẫn còn quá ít công trình xanh, trong khi tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, xin bà cho biết quan điểm?

TS, KTS Lê Thị Bích Thuận: Số lượng công trình xanh đã được xây dựng ở Việt Nam đúng là quá ít so số lượng đô thị và yêu cầu bảo vệ môi trường sống. Đến hết tháng 4/2024, nước ta có gần 400 công trình xanh. Có nhiều nguyên do dẫn đến chậm phát triển công trình xanh. Thứ nhất là do doanh nghiệp, nhà xây dựng chưa quan tâm đầu tư xây dựng công trình xanh. Thứ hai, các nhà quản lý chưa phấn đấu đặt ra các mục tiêu cụ thể và có kế hoạch hành động rõ ràng. Thứ ba là chưa có quy định bắt buộc về vấn về phải phát triển công trình xanh, thân thiện môi trường.

Tôi xin lấy thí dụ, Campuchia là quốc gia phát triển công trình xanh khá muộn, nhưng họ đặt ra các mục tiêu, có chính sách khuyến khích rất tốt, nên đến nay số lượng công trình xanh của họ rất lớn.

Tại Việt Nam mới đây, Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, có nêu một vấn đề, đó là muốn nâng tầm đô thị thì phải có một khu đô thị xanh. Từ đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm, song vẫn chưa có một tổ chức đánh giá đủ năng lực pháp lý để doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng công trình dựa vào làm căn cứ đánh giá công trình xanh.

- Thưa bà, xin bà chia sẻ rõ hơn về cơ sở pháp lý và tác động thực tế đến sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam?

TS, KTS Lê Thị Bích Thuận: Có một thực tế là, bên cạnh bộ tiêu chí của Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thì hiện tồn tại song song năm bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh của các tổ chức nước ngoài, như: Lotus của Hội đồng Công trình xanh Việt Nam; LEED của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ; EDGE của Tổ chức tài chính Ngân hàng Thế giới (IFC-Worldbank); Green Mark của Hội đồng Công trình xanh Singapore. Thế nhưng chưa có các công cụ đánh giá mang tính pháp lý để phục vụ công tác quản lý của Nhà nước, điều này dẫn đến việc chứng nhận các công trình xanh, hay kiến trúc xanh vẫn đang diễn ra một cách tự phát.

Chúng ta phải tránh việc đánh giá tự phát, dẫn đến phát triển công trình xanh “nửa vời”, “thiếu thực chất”. Bởi điều đó sẽ dễ gây nên nhiều hệ lụy lớn như phát triển kém bền vững, lãng phí nguồn lực xã hội... Nếu phát triển toàn diện, bài bản, thực chất, sẽ là một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên bước đột phá trong phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong thời gian tới đây, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao tiện ích-chất lượng sống cho người dân.

 Tránh nửa vời,thiếu thực chất ảnh 1

Ngôi trường được xây dựng theo tiêu chuẩn xanh LOTUS của Hiệp hội Công trình xanh Việt Nam. Thiết kế của công trình cũng được xếp hạng nhất mục “Tòa nhà carbon thấp và thành phố bền vững” tại Việt Nam năm 2021, do Cơ quan chuyển đổi sinh thái Pháp công bố. Nguồn: GENESIS SCHOOL.

- Như vậy, chúng ta cần nghiên cứu xây dựng một hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp điều kiện Việt Nam để tạo cơ sở phát triển cho loại công trình này?

TS, KTS Lê Thị Bích Thuận: Từ các nghiên cứu, kinh nghiệm của nước ngoài, áp dụng cho Việt Nam, để phù hợp khí hậu, phong tục tập quán cũng như văn hóa Việt, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chúng ta cần có các tiêu chí đánh giá công trình xanh với sáu tiêu chí cơ bản: Sử dụng đất hợp lý và môi trường ngoài nhà; tiết kiệm năng lượng và tận dụng tài nguyên; tiết kiệm nước và tận dụng tài nguyên nước; tiết kiệm vật liệu và lợi dụng tài nguyên vật liệu; chất lượng môi trường trong nhà; quản lý vận hành.

Việc xây dựng các tiêu chí không khó, nhưng việc thực hiện trong thực tế phải thật sự khoa học, nghiêm túc thì mới đạt hiệu quả cao.

- Trong tầm nhìn dài hạn, cần chính sách thúc đẩy phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng ra sao, thưa bà?

TS, KTS Lê Thị Bích Thuận: Thời gian tới, Bộ Xây dựng cần xây dựng tiêu chí chung về đánh giá công trình xanh, ban hành các quy định quản lý công trình xanh trong vòng đời công trình nhằm phục vụ công tác quản lý, giúp các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế có cơ sở để phát triển công trình xanh một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất, chứ không chỉ theo phong trào. Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công thương rà soát và bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình xanh còn thiếu, chỉnh sửa các tiêu chuẩn lỗi thời và không còn phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.

Để triển khai thành công các công trình xanh “thực chất” với các tiêu chí trên, rất cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, trước tiên là hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, trong đó thiết lập đầy đủ các tiêu chí, định mức, lộ trình thực hiện, cũng như áp dụng nhiều chính sách khuyến khích phát triển (thưởng diện tích sàn, giảm thuế với các công trình đạt chứng chỉ xanh) như nhiều quốc gia phát triển đi trước đã triển khai thực hiện rất thành công.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!