Tranh cãi về chất tạo ngọt aspartame

Những ngày gần đây, chất tạo ngọt aspartame có khả năng gây ung thư đang là chủ đề gây tranh cãi trên các kênh truyền thông thế giới. Giới chức một số quốc gia đã tỏ ra dè chừng trong việc sử dụng loại chất tạo ngọt phổ biến trong nhiều loại thực phẩm này.
0:00 / 0:00
0:00
Aspartame có trong nhiều loại đồ uống phổ biến. Ảnh: YONHAP
Aspartame có trong nhiều loại đồ uống phổ biến. Ảnh: YONHAP

Ngày 14/7 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố kết quả nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc WHO và nhóm nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO). Theo đó, chất làm ngọt aspartame bị xếp vào danh mục nhóm 2B cùng khoảng 300 các chất khác “có thể gây ung thư”. Theo quan điểm của chúng tôi, đây là lời kêu gọi giới nghiên cứu cố gắng làm rõ hơn về nguy cơ gây ung thư có thể có hoặc không do tiêu thụ aspartame”, TS Mary Schubauer-Berigan, thành viên cấp cao của IARC cho biết.

Theo The Guardian, aspartame là chất tạo ngọt nhân tạo phổ biến được tìm thấy trong hàng nghìn loại sản phẩm như soda ăn kiêng, các loại sữa, đường ăn kiêng, kem đánh răng và các loại thuốc như thuốc ho, thuốc nhai... Năm 1974, aspartame đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt, với lượng tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được là 50 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Năm 1981, các chuyên gia y tế của LHQ cũng đánh giá mức độ an toàn của aspartame và đặt giới hạn tiêu thụ an toàn hằng ngày thấp hơn một chút, ở mức 40 mg trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Như vậy, với mỗi lon nước ngọt không đường chứa 200-300 mg aspartame, thì một người nặng từ 60 đến 79 kg, uống hơn 9 đến 14 lon nước ngọt mỗi ngày mới gây nguy hiểm, trong trường hợp họ không tiêu thụ aspartame từ các nguồn khác.

Ngay khi thông báo của WHO được công bố, các cuộc tranh luận đã nổ ra trên các trang mạng xã hội. Nhiều nhà khoa học độc lập đánh giá căn cứ của WHO nói rằng khả năng aspartame gây ung thư là khá yếu. FDA bày tỏ phản đối với công bố của WHO, cho biết aspartame là một trong những chất phụ gia thực phẩm được nghiên cứu nhiều nhất trong nguồn cung cấp thực phẩm cho con người và đã được phê duyệt sử dụng. Bộ Y tế Canada và Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu cũng đánh giá chất làm ngọt này an toàn ở mức cho phép hiện tại.

Trước tình hình đó, đại diện WHO nhấn mạnh kết quả công bố mới đây chỉ có nghĩa là việc tiêu thụ thường xuyên có thể gây rủi ro cho người tiêu dùng. Do đó, WHO không khuyến cáo các công ty thu hồi sản phẩm, cũng không khuyến nghị người tiêu dùng ngừng tiêu thụ hoàn toàn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thực phẩm nên xem xét thay đổi thành phần để tạo ra sản phẩm mà không sử dụng chất tạo ngọt.

Dù vậy, trước thông báo về kết quả nghiên cứu của WHO, một số quốc gia đã cảnh giác với chất tạo ngọt phổ biến này. Các quan chức trong ngành thực phẩm của Hàn Quốc cho biết, những ngày qua, các công ty thực phẩm của nước này đang xem xét có nên tiếp tục sử dụng aspartame hay không.

Hai hãng bánh kẹo nổi tiếng của Hàn Quốc là Orion và Crown mới đây thông báo quyết định tìm chất tạo ngọt thay thế. Một quan chức của Orion cho hay: “Mặc dù chúng tôi sử dụng một lượng rất nhỏ aspartame trong 10 sản phẩm đồ ăn nhẹ, nhưng chúng tôi đã quyết định thay thế chất này bằng các chất làm ngọt nhân tạo khác. Có nhiều lựa chọn thay thế, nhưng chúng tôi sẽ tìm những thay thế duy trì tốt nhất chất lượng sản phẩm của chúng tôi”. Crown cũng cho hay công ty đang tìm một chất làm ngọt nhân tạo mới thay cho aspartame, không phải vì chất này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng mà vì công ty không muốn người tiêu dùng phải lo lắng.

Trong khi đó, các nhà sản xuất rượu gạo Hàn Quốc Makgeolli cho biết, họ cần thêm thời gian để quyết định tiếp tục sử dụng aspartame hay tìm giải pháp thay thế. Khoảng 85% sản phẩm Makgeolli bán ở thị trường Hàn Quốc sử dụng aspartame. Chi phí thay thế toàn bộ sản phẩm này bằng chất làm ngọt nhân tạo mới có thể trở thành gánh nặng đáng kể đối với các nhà sản xuất.