Bức tranh tổng thể kết quả mang lại là hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, thực hiện tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, bảo đảm tốt, tạo đà quan trọng để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có chuyển biến tích cực, toàn diện hơn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục nâng lên. Trong năm, tỉnh kết nạp mới 1.773 đảng viên, vượt chỉ tiêu đề ra, nâng tổng số đảng viên toàn tỉnh hiện có 62.917 đồng chí, chiếm 3,6% dân số tỉnh.
Kinh tế tỉnh tăng trưởng 6,79%; quy mô nền kinh tế đạt 129.443 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,74 triệu đồng. Sản lượng lúa cả năm đạt 4,55 triệu tấn; khai thác và nuôi trồng thủy sản được hơn 798.300 tấn. Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội gần 39.800 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD, tăng 7,23% so cùng kỳ. Kiên Giang đón hơn 8,5 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 17.479 tỷ đồng, tăng 65,1% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách hơn 15.120 tỷ đồng, đạt 124,2% dự toán…
Văn hóa, xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm, nâng lên; nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được phát huy. Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đạt kết quả tích cực. Đến cuối năm 2023, tỉnh có 110/116 xã nông thôn mới, 20 xã nông thôn mới nâng cao, 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thăm, tặng quà gia đình chính sách huyện Giang Thành. |
Công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn thường xuyên được quan tâm thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,29%. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác đối ngoại được mở rộng, phát huy hiệu quả.
Có được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ứng phó linh hoạt với diễn biến của tình hình, “biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, tiếp tục khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển. Qua đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025, đưa Kiên Giang phát triển nhanh, hài hòa và bền vững trong giai đoạn tới và phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 2024, là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, là năm rất quan trọng để bứt phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, với dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế chưa đáp ứng cùng lúc nhiều nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh, thiên tai. Với quyết tâm chính trị cao, kinh nghiệm ứng phó linh hoạt với diễn biến tình hình những năm qua, Tỉnh ủy Kiên Giang xác định những mục tiêu trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2024, với chủ đề: “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là các khâu đột phá; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; sắp xếp, bố trí cán bộ, chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030”. Theo đó, tỉnh phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trở lên, thu nhập bình quân đầu người 81,6 triệu đồng. Tổng thu ngân sách hơn 16.900 tỷ đồng. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 45.000 tỷ đồng…
Để đạt các mục tiêu này, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới tăng trưởng, khai thác, phát huy có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh, đột phá trong chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng có hiệu quả hơn với biến đổi khí hậu. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, đóng góp nhiều cho tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huy động có hiệu quả các nguồn lực, nhất là vốn ngoài ngân sách để đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm như: Cảng hành khách Rạch Giá, đường ven Sông Cái Lớn, đường 3/2 nối dài, đường ven biển Hòn Đất-Kiên Lương, đường ven biển kết nối tỉnh Kiên Giang với tỉnh Cà Mau, đường 963 kết nối Kiên Giang-Hậu Giang-Cần Thơ, các tuyến trọng tâm quốc gia đi qua tỉnh, hệ thống giao thông trên đảo Phú Quốc, tượng đài Bác Hồ tại thành phố Phú Quốc…
Tăng cường các giải pháp khơi thông, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Phát triển phong phú, đa dạng các hoạt động thương mại, dịch vụ. Tăng cường quản lý, sử dụng đúng quy định về đất đai, đất rừng, trật tự xây dựng, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ tốt môi trường, kịp thời xử nghiêm các trường hợp vi phạm. Khai thác, quản lý tốt các nguồn thu ngân sách; quản lý chặt chẽ việc chi bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định… Đối với địa bàn thành phố Phú Quốc, thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, tỉnh sẽ đề xuất Trung ương, Chính phủ các cơ chế, chính sách mới phù hợp; từ đó mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư; tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, nước, rác thải, các thiết chế văn hóa, đi đôi với đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội để người dân, doanh nghiệp an tâm, an toàn sinh sống, sản xuất, kinh doanh... Trong đó, phấn đấu để thành phố biển Phú Quốc xinh đẹp sớm trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế theo Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị.
Một góc thành phố Rạch Giá. |
Đối với lĩnh vực văn hóa-xã hội, tiếp tục giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là các lễ hội, sự kiện lớn, trọng điểm; giáo dục đào tạo; phòng chống, kiểm soát dịch bệnh thường xuyên, làm tốt công tác an sinh xã hội; triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp kéo giảm tội phạm và giải quyết tệ nạn xã hội; nâng lên hiệu quả công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác, giao lưu về kinh tế, văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc, tôn giáo.
Năm mới đến, mang theo niềm kỳ vọng cũng như quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Kiên Giang trong xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp. Tin tưởng rằng với tâm thế và lực mới, cùng với truyền thống đoàn kết của cả hệ thống chính trị, ý chí và khát vọng của nhân dân, sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Kiên Giang sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, phấn đấu đưa Kiên Giang trở thành nơi muốn đến và đáng sống trong khu vực.