Mặt trái của hệ thống trường chuyên
Không thể phủ nhận sự thành công của hệ thống trường chuyên trong việc đào tạo, bồi dưỡng tài năng cho các em học sinh (HS) có năng khiếu trong nhiều năm qua.Thế nhưng, hệ thống trường lớp này cũng có mặt trái. Ngay từ cách đầu tư nhân lực, vật lực cho đến lựa chọn phương thức đào tạo cũng như cách tuyển chọn đã dần đi chệch mục tiêu cần có của các trường chuyên. Một số trường chuyên chạy theo số lượng HS mà không cân đối với nguồn lực đào tạo. Việc giảng dạy đặt mục tiêu lấy thành tích trong các kỳ thi làm trọng, nên việc phát triển toàn diện của các em chưa được chú trọng đúng mức. Không những thế, chương trình dạy và học trong các trường chuyên hiện nay khá dàn trải: em nào cũng phải học một chương trình như nhau và vẫn phải kiểm tra thi cử như các bạn khác; chưa có chế độ học cũng như kiểm tra đánh giá theo chương trình riêng cho từng HS; và cũng không dựa trên những tiêu chí khoa học về đánh giá "người tài".
Cuộc chạy đua vào trường chuyên đã và đang làm méo mó bộ mặt của ngành giáo dục khi mà có không ít phụ huynh muốn bằng mọi giá lo cho con mình được vào trường. Họ không chỉ muốn con mình được học tập trong điều kiện thuận lợi mà còn coi đây như sự bảo đảm cho bước tiếp theo là du học, hoặc thi vào các trường đại học danh tiếng trong nước.
Như trên đã nói, mục tiêu của trường chuyên là "đào tạo, bồi dưỡng nhân tài" cho mỗi địa phương, cho đất nước. Bởi vậy, đã đến lúc hệ thống trường chuyên phải được ưu tiên đầu tư không chỉ cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý, giáo viên mà phải thay đổi cả phương thức đào tạo, tuyển chọn và huy động các nguồn lực của xã hội cho việc đổi mới mô hình các trường chuyên. Đặc biệt, việc phân tán quá nhiều trường chuyên như hiện nay cũng là một vấn đề cần cân nhắc.
Trước hết cần đổi mới phương thức
Hầu hết các trường chuyên trên thế giới đều xuất phát từ năng lực, sở trường của từng HS để có cách đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với lứa tuổi, loại chuyên ngành. Thế nhưng, ở Việt Nam, HS được tuyển chọn và đào tạo theo từng phân môn khoa học cơ bản: toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, ngoại ngữ... Việc chia nhỏ theo từng môn để nhồi nhét kiến thức phổ thông thay vì đi theo sự phát triển tích hợp của các ngành khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu phân hóa lao động của xã hội là một sự lạc hậu, đi ngược xu thế chung trong đào tạo. Thậm chí, rất nhiều trường chuyên hiện nay, trong phương thức đào tạo của mình đã vô tình "tách" nhà trường khỏi xã hội, coi trường chuyên như "tháp ngà".
Đã đến lúc cần xác định: việc đào tạo "nhân tài" phải đi theo quy luật phát triển nhân tài. Đó là để HS tự phát hiện năng lực sở trường, nuôi dưỡng các ước mơ, nuôi dưỡng khả năng và nhiệt tình để khám phá, thử nghiệm ứng dụng nhằm giải quyết những vấn đề khoa học mà các em mong muốn tìm hiểu. Đặc biệt, cơ sở vật chất của những môn khoa học tự nhiên mới chỉ đủ để chứng minh các định luật mà các nhà khoa học đã khám phá, còn bản thân HS không được tự làm, tự mày mò, khám phá những quy luật, chân lý khoa học mà các em mong muốn được sáng tạo. Có làm được điều này chúng ta mới thật sự kích thích óc sáng tạo và những ước mơ trở thành những người phát minh, nhà sáng tạo của trẻ em. Ngoài ra, để chống học lệch, HS chuyên còn phải được học thêm các bộ môn bổ trợ để nâng cao sức khỏe; bộ môn phát triển thẩm mỹ, xúc cảm để thúc đẩy sự say mê, sáng tạo.
Học sinh chuyên cũng cần được học "các giá trị sống, kỹ năng sống" để tăng cường khả năng hòa nhập và phát triển toàn diện. Môi trường xã hội mà các em được tham gia phải là nơi đào tạo và khơi nguồn sáng tạo cho những HS theo đuổi những môn khoa học xã hội nhân văn. Chính những chuyến đi thực tế đến vùng sâu, vùng xa, nơi chịu thiên tai sẽ giúp các em không chỉ tích lũy vốn sống mà còn khơi dậy những tình cảm chân thật, những ước vọng cháy bỏng- học thành tài cống hiến cho đất nước mình.
Việc sớm phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho trẻ ngay từ độ tuổi mầm non, sẽ tạo nên thế hệ "nguồn" cho các trường chuyên sau này. Ảnh: VSK
Chú trọng đổi mới các nguồn lực
Vì mục đích cuối cùng của hệ thống trường chuyên là đào tạo nhân tài cho đất nước, vậy nên yếu tố "đầu vào" cần được hết sức chú trọng. Tuyển chọn HS chuyên không chỉ trông chờ vào việc thi những môn cơ bản như hiện nay mà cần kết hợp với chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp để có thể phát hiện đúng năng lực của từng em phù hợp với từng lĩnh vực đào tạo chuyên sâu. Ở điểm này, cần lưu ý thêm, không nên hạn chế độ tuổi của học sinh khi theo học trường chuyên mà nên xét chọn phụ thuộc vào khả năng, sở trường của mỗi cá nhân dựa trên nguyên tắc tôn trọng năng lực phát triển riêng.
Đi đôi với đổi mới trong tuyển chọn HS chính là sự thay đổi cách nhìn nhận về hệ thống giáo viên. Để đứng lớp ở các trường chuyên, giáo viên không chỉ giỏi các môn chuyên mà thật sự phải trở thành những nhà sư phạm có khả năng phát hiện và biết cách tổ chức giúp đỡ cho những tài năng có đất để phát triển, tham gia nghiên cứu khoa học. Cùng đó, những thầy giáo, cô giáo giỏi của mỗi nhà trường phải biết đồng hành cùng với HS, hỗ trợ các em biết nuôi dưỡng ước mơ, chuẩn bị cho các em khao khát khám phá những chân trời khoa học, cũng như biết trăn trở trước bất cập của thực tiễn cuộc sống.
Trường chuyên không thể được hiểu đơn giản là nơi luyện "gà nòi", là "tháp ngà" bó chặt các em, biến các em thành "nô lệ" của những kiến thức lý thuyết suông. Như vậy, thật lãng phí trí tuệ và công sức của tuổi trẻ. Hãy để các em được học đúng sở trường, được sống với những khao khát đam mê và đủ tự chủ để hiểu mọi nỗ lực học tập, rèn luyện là để phục vụ cho một mục đích và lý tưởng sống đầy ý nghĩa. Chỉ có như vậy, những HS tài năng của trường chuyên dù có sải cánh đi đâu cũng biết lối để trở về cống hiến cho đất nước.
■ Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010 -2020 được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn I (2010 -2015) với mục tiêu 100% các trường THPT chuyên đạt chuẩn quốc gia, trong đó 15 trường trọng điểm có chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế... Giai đoạn II (2015 - 2020), phát triển hệ thống trường THPT chuyên một cách vững chắc.
■ Trong gói dự án: Kinh phí cho Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là 1.660,722 tỷ đồng; Phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý là 624,29 tỷ đồng; và 27,746 tỷ đồng dành cho Phát triển chương trình, tài liệu và đánh giá hiệu quả giáo dục.