Nhà báo Nick Út:

“Tôi muốn quảng bá vẻ đẹp Việt Nam qua ảnh”

“Chia sẻ với các bạn sinh viên trong một số cuộc trò chuyện, tôi luôn khuyên các bạn nên dấn thân và tâm huyết với nghề. Tuổi trẻ là lúc mình có sức khỏe, có nhiều hoài bão, dám nghĩ, dám làm. Tôi mong muốn mỗi lần về Việt Nam, những câu chuyện nghề mà tôi kể, ít nhiều giúp các bạn trẻ yêu thích chụp ảnh, yêu thêm nghề báo hơn”. Đó là những chia sẻ của nhiếp ảnh gia Nick Út với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nick Út.
Tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nick Út.
“Tôi muốn quảng bá vẻ đẹp Việt Nam qua ảnh” ảnh 1

Nhiếp ảnh gia Nick Út (bên trái) và nhà báo Đỗ Quảng.

Phóng viên (PV): Thưa ông, cho đến nay bức ảnh “Cô bé Napalm” vẫn được mọi người nhắc đến để khắc họa cho sự khốc liệt của chiến tranh. Điều gì khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất khi chụp bức ảnh này?

Nhà báo Nick Út: Đã hơn 50 năm kể từ khi bức ảnh “Cô bé Napalm” của tôi được mọi người biết đến, một làn sóng dư luận quốc tế đã nổi lên phản đối chiến tranh Việt Nam. Bức ảnh cho đến nay vẫn khiến cho tôi trầm mặc mỗi khi nhớ lại. Nỗi ám ảnh nhất của tôi chính là tiếng khóc lóc và sự trần trụi của những đứa trẻ con ngày đó, trong đó có cô bé Kim Phúc - nhân vật chính của bức ảnh. Trong bom rơi đạn nổ, trên tay cầm chiếc máy ảnh, tôi cố gắng ghi lại những khoảnh khắc diễn ra trước mắt mình, một cảnh tượng hết sức kinh hoàng. Mỗi khi nhìn lại bức ảnh đó, tôi vẫn có cảm giác sợ hãi và không muốn nhắc đến hai từ chiến tranh.

PV: Mỗi lần về Việt Nam, ông đều chụp những bức ảnh phong cảnh, qua đó nhiều bạn bè quốc tế mong muốn được đến thăm Việt Nam. Ông nghĩ sao về việc quảng bá du lịch Việt Nam cho bạn bè quốc tế thông qua những bức ảnh mà mình chụp?

Nhà báo Nick Út: Giờ đây đất nước Việt Nam có quá nhiều điều đẹp đẽ để nhắc đến, tôi muốn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua những bức ảnh. Rất nhiều người bạn sau khi xem xong những bức ảnh này liền mua vé sang thăm Việt Nam, họ nói rằng, Việt Nam thật yên bình. Mỗi lần trở về Việt Nam tôi lại có những cảm xúc mới mẻ, chuyến hồi hương về Việt Nam năm 2022 là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất cuộc đời tôi. Trong chuyến đi đó, tôi đã có dịp ghé thăm vùng Tây Bắc, được chứng kiến nhiều nét đẹp độc đáo của đồng bào. Tôi thích nhất là chụp khoảnh khắc bà con đang hăng say làm việc, trông công việc có vẻ nặng nhọc nhưng họ lúc nào vẫn nở nụ cười trên môi.

PV: Ông còn có rất nhiều bộ ảnh chụp về Hà Nội, phải chăng Hà Nội luôn là điểm đến đầu tiên mỗi khi ông trở về?

Nhà báo Nick Út: Tôi sinh ra ở Sài Gòn nhưng lòng lại yêu Hà Nội, tôi dành nhiều tình cảm cho Hà Nội. Hà Nội đối với tôi mới mẻ và tươi mát từng ngày. Từ con người đến cảnh vật, nói đơn giản chỉ riêng chụp ảnh hồ Gươm, đứng ở những góc độ khác nhau và chụp vào những khoảng thời gian khác nhau cũng đã cho ra những bức ảnh đặc biệt, không lẫn vào đâu được. Tôi thích chụp ảnh hồ Gươm trong những buổi sớm sương mù còn giăng kín. Lúc ấy, đường phố vẫn chưa có nhiều xe cộ, chỉ có những người đi tập thể dục vào sáng sớm. Con người và nếp sống của người Hà Nội xưa vẫn không hề mai một. Hơn hết, tôi tìm thấy sự yên bình trong từng góc nhỏ của đường phố Hà Nội. Dẫu trải qua bom đạn nhưng đất và người nơi đây vẫn hiền hòa, tử tế làm tôi đi xa lại muốn trở về.

PV: Ông có những bí quyết gì để có thể bắt trọn được từng khoảnh khắc của cuộc sống đời thường của người lao động hay không?

Nhà báo Nick Út: Muốn độc đáo thì phải tìm những góc chụp ít người biết, chịu khó đi và tìm tòi. Để chụp được những bức ảnh đẹp miêu tả cuộc sống con người Việt Nam, tôi dành nhiều thời gian quan sát, đi thăm thú những ngôi nhà nằm sâu trong các bản làng heo hút của miền núi cao, đi sâu vào từng con phố nhỏ của Hà Nội, đợi chờ rất lâu để chụp được một bức ảnh bình minh trên biển

Vũng Tàu. Mặc dù chụp ảnh đời sống thường ngày không gặp nhiều nguy hiểm, không chịu nhiều áp lực nhưng để được một bức ảnh đẹp rất khó. Nó còn đòi hỏi rất nhiều vào khả năng quan sát, lựa chọn bối cảnh và nắm bắt khoảnh khắc của người chụp, nhiều khi tôi cũng bỏ lỡ nhiều khoảnh khắc đẹp, thấy tiếc lắm chứ, bảo dễ nhưng cũng chưa chắc là dễ đâu!

PV: Bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian để chia sẻ và truyền cảm hứng cho nhiều bạn sinh viên và nhiều phóng viên trẻ. Đây có phải là một điều ông ấp ủ sau khi về hưu?

Nhà báo Nick Út: Hơn nửa thế kỷ làm việc cho hãng thông tấn AP, nghỉ hưu là khoảng thời gian tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Tôi có nhiều thời gian để đi đây đi đó, làm công việc mà mình thích và gặp gỡ những người mình muốn gặp. Hơn hết, thời gian nghỉ hưu là khoảng thời gian tôi về Việt Nam nhiều nhất. Có nhiều trường đại học ở Mỹ muốn mời tôi về để giảng dạy nhưng tôi từ chối. Khi tôi về Việt Nam, vì thấy gần gũi nên tôi muốn chia sẻ, trao đổi và nói chuyện về nghề phóng viên với các em sinh viên và các bạn nhà báo trẻ. Tôi thấy hình ảnh của tôi trong họ, thời điểm tôi bằng tuổi các bạn ấy tôi cũng luôn hừng hực khí thế làm nghề, một phần nhờ anh trai tôi truyền động lực để tôi theo đuổi nghề phóng viên. Vì thế nên tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của việc truyền động lực đến các thế hệ trẻ.

PV: Chân thành cảm ơn ông!

Nhiếp ảnh gia Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, là phóng viên trẻ đầu tiên nhận được giải thưởng báo chí danh giá Pulizer (Mỹ) năm 1973 với bức ảnh “Em bé Napalm” chụp cô bé Nguyễn Thị Kim Phúc trần trụi, hoảng loạn bỏ chạy giữa làn bom. Bức ảnh đã khiến không ít người quặn thắt khi nghĩ về sự khốc liệt của chiến tranh.