Tính toán biện pháp giảm thuế

Doanh nghiệp, người dân đều đang chịu nhiều khó khăn khi phải vật lộn với cơn “bão giá”, nên họ kỳ vọng cơ quan quản lý sẽ mạnh tay hơn trong đề xuất chính sách thuế để hạ nhiệt giá xăng, dầu. Bởi nếu chậm, mặt bằng giá mới với các loại hàng hóa, dịch vụ sẽ thiết lập theo đà tăng của giá nhiên liệu.

0:00 / 0:00
0:00
Các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: NAM ANH
Các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao. Ảnh: NAM ANH

Tắt ứng dụng, hủy cuốc xe ngắn vì... lỗ

Trước đây, mỗi ngày Nguyễn Văn Tùng (shipper - nhân viên giao hàng của một hãng xe công nghệ) chạy khoảng 30 đơn hàng, giá cước trung bình thu về khoảng 15.000 đồng, trừ tiền xăng còn 10.000 đồng. Tính ra thu nhập của Tùng được 300.000 đồng/ngày. Thế nhưng hiện nay, thu nhập của Tùng chỉ bằng phân nửa - do giá xăng, dầu tăng mạnh; mỗi đơn hàng hiện chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng.

“Đổ đầy bình xăng xe Honda Wave phải tốn 110.000 đồng, cao gần gấp đôi khi giá xăng chưa tăng. Với những cuốc xe ngắn, không có thưởng từ hãng, nhiều người chọn cách hủy cuốc. Bởi có chạy lời lãi không được bao nhiêu, trong khi vẫn mất 27% chiết khấu hoa hồng cho hãng”, anh Tùng nói.

Các lái xe chạy xe ô-tô 4-7 chỗ cũng cho biết, với giá xăng tăng mạnh thời gian qua, nghề chạy xe không còn hấp dẫn, thậm chí bị lỗ nên nhiều người đã tắt ứng dụng (app), rao bán xe để chuyển nghề.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt ước tính, chi phí dầu cho mỗi tuyến xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai, Sa Pa khoảng sáu triệu đồng, chưa kể các chi phí vận hành. Tức là trung bình, tiền nhiên liệu chiếm hơn 50% doanh thu mỗi chuyến xe của hãng.

“Xe tuyến cố định không chạy thì mất “slot” tại bến, nên nếu quá vắng khách, buộc chúng tôi phải dồn chuyến, dồn khách. Công ty càng chạy càng lỗ, giờ lại thêm giá xăng, dầu tăng.

Để các doanh nghiệp vận tải không lỗ khi giá nhiên liệu tăng quá cao hiện nay, doanh nghiệp này tính toán, giá vé phải tăng khoảng 15-20%”, ông nói.

Ông Lê Song Song Ngọc, Giám đốc Công ty CP truyền thông E-Solution Media, đồng sáng lập Cộng đồng Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cho biết, việc giá xăng, dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Xăng, dầu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ. Khi giá xăng, dầu tăng cao, chi phí vận tải cũng tăng “té nước theo mưa”, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giá bán. Nhưng việc điều chỉnh giá bán, theo ông Ngọc “đồng nghĩa bài toán cung - cầu gặp nhiều vấn đề vì có nhiều hợp đồng đã ký kết từ trước khi giá xăng tăng cao”.

Cần nhìn thấy cái lợi trong trung hạn, dài hạn

Trước đà tăng như vũ bão của giá xăng, dầu, hiện nay có hơn 50% số lượng tàu cá đã phải ngừng hoạt động, tương đương khoảng gần 50.000 tàu cá phải neo bến vì không gánh nổi chi phí tăng thêm do dầu tăng giá - đó là thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Thống kê nhẩm tính, hiện mỗi tàu cá có ít nhất năm lao động. Như vậy, chúng ta đang có ít nhất 250.000 ngư dân không có việc làm, tương đương 250.000 hộ gia đình đang bị ảnh hưởng.

Tính trung bình mỗi hộ bình quân có bốn người, nghĩa là có cả triệu người dân gắn với ngư dân đang phải chịu tác động tiêu cực từ xăng tăng giá. Chưa tính các ngành nghề, lĩnh vực khác.

“Do vậy, tôi cho rằng, những người làm chính sách cần nhìn nhận thực tế hơn nữa, sâu sắc hơn nữa, đừng nhìn vào con số giảm “từng này nghìn tỷ” mà quên đi hệ lụy khác. Cần nhìn thấy cái lợi trong trung hạn, dài hạn, đưa ra được một giải pháp tổng thể cho vấn đề tăng giá xăng, dầu”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Trong cơ cấu giá xăng, dầu, ngoài phụ thuộc vào giá thế giới thì giá trong nước còn gánh thêm bốn sắc thuế như: Thuế nhập khẩu, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và các khoản phí như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… Tính chung lại tổng thuế, phí hiện chiếm tới 44% trong giá bán ra của xăng, dầu.

Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, để giảm giá xăng, dầu, cần rà soát lại các chi phí cấu thành giá xăng, dầu. Trong đó, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng, dầu còn chưa hợp lý, cần phải tính toán, cân đối lại. Bên cạnh đó, có thể kiểm soát giá thông qua điều hành chính sách thuế.

“Giảm thuế, phí là giảm ngay nguồn thu ngân sách với những con số rất cụ thể. Ngược lại, nếu giá xăng, dầu vẫn ở mức cao, sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống mọi người dân. Hậu quả của tác động tiêu cực này chưa định lượng ngay được, nhưng chắc chắn là không nhỏ”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Ánh cho rằng, hiện nay, thu ngân sách chiếm từ 30-50% giá bán lẻ xăng, dầu trên mỗi một lít xăng, đây là dư địa rất lớn để nhà chức trách điều hành giá xăng, dầu. Thí dụ, một lít xăng 30.000 đồng, dư địa điều hành còn khoảng 10.000-15.000 đồng, chứ không chỉ 2.000 đồng giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu từ đầu tháng 4 đến hết năm nay.

“Sẽ phải đánh đổi giữa một bên là thu ngân sách và một bên là giảm giá giá xăng, dầu. Tuy nhiên, để phục vụ mục tiêu trong chương trình phát triển, phục hồi kinh tế thì cần giảm thuế với xăng, dầu ngay”, TS Nguyễn Đình Ánh nhận định.

Theo ông Lê Song Song Ngọc, Nhà nước, ngoài hỗ trợ việc giảm các loại chi phí cho doanh nghiệp vận tải như phí kiểm định, phí lăn bánh… thì cần điều chỉnh các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng sử dụng nguồn lực về vận tải. 

Với các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi đà tăng của giá xăng, dầu như ngành logistics, ông Ngọc cho hay, Chính phủ, các bộ, ngành cần đồng hành và tung ra các gói cứu trợ ngắn hạn, để giúp các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng và tìm giải pháp thay thế.