Tiến bộ trong ứng phó thiên tai

Thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã gây ra thiệt hại khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và để lại những ký ức ám ảnh suốt 20 năm. Trong hai thập kỷ qua, giới chức các nước đã nỗ lực để hiểu rõ hơn về sóng thần, chuẩn bị cho các cộng đồng ven biển và đưa ra cảnh báo khi thảm họa xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
Vùng ven biển Aceh bị tàn phá nặng nề sau trận sóng thần. Ảnh: DW
Vùng ven biển Aceh bị tàn phá nặng nề sau trận sóng thần. Ảnh: DW

Ký ức ám ảnh

Ngày 26/12/2024, nhiều buổi lễ tưởng niệm hơn 200.000 nạn nhân trong thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004 đã được tổ chức trên khắp châu Á. Tại Indonesia, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm kịch này, đông đảo người đã tập trung tại tỉnh Aceh để dành một phút mặc niệm và thăm viếng các ngôi mộ tập thể.

Trong khi đó, tại Sri Lanka hay Thailand, nơi có lần lượt 35.322 và hơn 8.000 người thiệt mạng trong thảm họa nói trên, các buổi lễ cầu nguyện diễn ra trên khắp cả nước. Ở Ấn Độ, quốc gia có 16.000 người chết, 20 năm sau hàng nghìn thân nhân các nạn nhân ở bang Tamil Nadu, người dân vẫn tổ chức các đêm cầu nguyện và những cuộc tuần hành kỷ niệm. Những vòng hoa được đặt tại đài tưởng niệm ở Kanyakumari. Trong suốt những ngày đó ngư dân không ra biển.

Cách đây 20 năm, một trận động đất mạnh 9,1 độ richter đã tấn công đảo Sumatra (Indonesia), gây ra những con sóng lớn ập vào các cộng đồng dân cư ven biển. Những con sóng cao đã lan rộng khắp các quốc gia ven Ấn Độ Dương với tốc độ đáng kinh ngạc. Đáng nói, không có bất kỳ cảnh báo sóng thần nào được đưa ra, khiến người dân không có đủ thời gian để sơ tán. Hậu quả, những con sóng thần đã cướp đi mạng sống của tổng cộng 227.899 người tại 15 quốc gia, khiến đây trở thành thảm họa thiên nhiên thảm khốc nhất lịch sử nhân loại.

Theo thống kê từ giới chức tỉnh Aceh (Indonesia), nơi chịu tổn thất nặng nề nhất, hơn 160.000 người đã thiệt mạng, hơn 93.000 người mất tích, 565.000 người mất nhà cửa, gần 200.000 công trình bị hư hại. Ước tính địa phương này thiệt hại hơn 4,5 tỷ USD. Không chỉ vậy, hơn 800 km đường bờ biển trên khắp Indonesia cũng bị phá hủy hoàn toàn.

Cho đến nay, tại tỉnh Aceh vẫn có những người mẹ mòn mỏi đợi chờ tin con mất tích. Bà Saudad Femi Malisa là một người như vậy. Bà cho biết: “Nếu con tôi vẫn còn sống, tôi hy vọng chúng tôi có thể gặp lại nhau trước khi tôi qua đời. Tôi tin nó vẫn còn sống”. Đồng cảnh ngộ, Cut Sylvia, sống tại thành phố ven biển Banda Aceh vẫn đau đớn khi nhớ lại lần cuối ở bên con gái 2 tuổi Siti. “Đó là một buổi sáng bình thường. Tôi và chồng thấy mọi người bắt đầu chạy ra khỏi nhà, hô hào nước biển đang ập đến. Chỉ vài phút sau, sóng đã tràn vào. Tôi không thể diễn tả được khoảnh khắc đó. Tôi vội bế con bé trên tay. Con bé thậm chí không khóc hay nói bất cứ điều gì, chỉ nhìn chằm chằm tôi. Tôi biết rằng chúng tôi sẽ bị chia cắt”, Sylvia nhớ lại.

Sau hai thập kỷ, các quốc gia là nạn nhân trong thảm kịch nói trên đã nỗ lực vượt qua những nỗi đau mất mát để xây dựng và phát triển. Theo CNN, nhờ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ và tổ chức quốc tế, hơn 100.000 ngôi nhà đã được xây mới chỉ riêng ở tỉnh Aceh. Các trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng thiết yếu bị phá hủy bởi thảm họa đã được tái thiết với sức mạnh và độ bền được tăng cường, bảo đảm sự chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức trong tương lai.

Tiến bộ trong ứng phó thiên tai ảnh 1

Một hệ thống cảnh báo sớm sóng thần ở Ấn Độ. Ảnh: SONARDYNE

Tăng cường cảnh báo sớm thảm họa

Kể từ thảm kịch chết chóc này, thế giới đã nhận rõ được tầm quan trọng của những hệ thống cảnh báo sớm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), đã nỗ lực thiết lập các hệ thống cảnh báo sóng thần sớm và tốt hơn. Trong 20 năm qua, hàng triệu USD đã được đầu tư vào các hệ thống cảnh báo, với hơn 1.400 trạm quan sát đã được lập trên toàn cầu.

Theo Người phát ngôn của UNESCO, Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của tổ chức này, hiện có 150 quốc gia thành viên, đã có hành động quyết liệt. Dựa trên kinh nghiệm thành lập hệ thống cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương năm 1965, Ủy ban này đã tạo ra một hệ thống cảnh báo toàn cầu để giảm nguy cơ xảy ra thảm họa tương tự. Hệ thống cảnh báo sóng thần toàn cầu trải dài khắp các khu vực Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải, Caribe và đông bắc Đại Tây Dương. Khi phát hiện ra sự nhiễu loạn mực nước biển đáng kể, hệ thống sẽ gửi cảnh báo nhanh và chính xác đến các cộng đồng ven biển, giúp tăng thời gian phản ứng và cứu sống nhiều người trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, chỉ báo động thôi là chưa đủ. UNESCO cũng đã triển khai chương trình “Sẵn sàng ứng phó sóng thần” dành cho các cộng đồng ven biển. Chương trình này thực hiện dựa trên 12 chỉ số, từ việc lập bản đồ nguy cơ sóng thần đến việc tiến hành các cuộc diễn tập sơ tán thường xuyên... Ngày nay, các cộng đồng ở hơn 30 quốc gia đã tham gia vào chương trình này.

Chuyên gia Bernardo Aliaga của UNESCO cho biết: “Chúng tôi tập trung không chỉ vào việc cung cấp cảnh báo mà còn là chiến lược chuẩn bị toàn diện thông qua giám sát thời gian thực, giáo dục cộng đồng và tăng cường phòng thủ bờ biển. Hiện nay, nếu biết sóng thần sẽ ập vào trong vòng vài phút tới, cộng đồng dân cư đã biết cách ứng phó. Những tiến bộ này đã cứu sống nhiều người”.

Tại Indonesia, hơn 1.000 công trình nghiên cứu về động đất và sóng thần đã được triển khai, bao gồm việc xây dựng các tháp sơ tán cao tầng có khả năng chống chịu nước và được trang bị sân bay trực thăng. Ngoài ra, quy trình cung cấp dịch vụ y tế và thực phẩm trong thảm họa cũng được tối ưu hóa. Lãnh đạo Cơ quan quản lý thảm họa Aceh cho biết, hệ thống cảnh báo sớm sóng thần Indonesia (InaTEWS), do Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý (BMKG) quản lý, đã khuyến khích các hợp tác nghiên cứu địa chấn. Đến nay, hệ thống có 521 trạm địa chấn trải rộng khắp Indonesia, cho phép truyền dữ liệu động đất nhanh hơn đến người dân, đặc biệt là kịp thời cảnh báo sóng thần sau các trận động đất lớn ngoài khơi. Chương trình giáo dục và diễn tập phòng ngừa sóng thần cũng đưa vào chương trình bắt buộc tại các trường học từ năm 2010.

Trong khi đó, tại làng Ban Nam Khem, tỉnh Phang Nga, Thailand, chính quyền và người dân đã thiết lập hệ thống giảm thấp rủi ro gồm các hầm trú ẩn bê-tông, hệ thống báo động kép và các tuyến sơ tán rõ ràng. Ông Banlue Choosin, người giám sát bờ biển tại Phang Nga, cho biết: “Tôi không mong muốn đối mặt sóng thần một lần nữa, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng. Nếu có cảnh báo, đừng tò mò hay do dự, hãy sơ tán đến nơi an toàn ngay lập tức”.

Theo các chuyên gia về thảm họa, trong 20 năm qua, cảnh báo sớm và sơ tán nhanh chóng đã trở thành yếu tố chủ chốt trong các biện pháp phòng ngừa thiên tai, giúp giảm thấp nhất thiệt hại.