Công ước LHQ về chống tội phạm mạng

Ngày 24/12/2024, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Công ước LHQ về chống tội phạm mạng. Đây là văn bản mang tính bước ngoặt nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, Công ước sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước sẽ có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.
0:00 / 0:00
0:00
Đại hội đồng LHQ họp thông qua Công ước. Ảnh: UN
Đại hội đồng LHQ họp thông qua Công ước. Ảnh: UN

Khuôn khổ pháp lý toàn cầu

Theo Bộ Ngoại giao, việc LHQ lựa chọn Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm 2025 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam - LHQ. Lần đầu một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến một lĩnh vực được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Lựa chọn này phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán Công ước.

Công ước tạo khuôn khổ pháp lý đầu tiên ở cấp độ toàn cầu cho không gian mạng, khẳng định yêu cầu phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong phòng, chống tội phạm mạng, góp phần thu hẹp những khác biệt giữa pháp luật các nước, thiết lập cơ chế hợp tác chuyên trách 24/7, qua đó thúc đẩy hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện cho nỗ lực chuyển đổi số của các quốc gia.

“Công ước chống tội phạm mạng thừa nhận những rủi ro đáng kể do việc sử dụng sai mục đích công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), tạo điều kiện cho các hoạt động tội phạm diễn ra ở quy mô, tốc độ và phạm vi chưa từng có. Tài liệu này nêu bật những tác động tiêu cực mà các loại tội phạm này có thể gây ra đối với các quốc gia, doanh nghiệp, cũng như phúc lợi của cá nhân và xã hội, đồng thời tập trung vào việc chống lại những hành động tội phạm như khủng bố, buôn người, buôn lậu ma túy và tội phạm tài chính trực tuyến”, thông cáo báo chí của LHQ cho hay. Công ước thừa nhận tác động ngày càng tăng của tội phạm mạng đối với nạn nhân và ưu tiên công lý, đặc biệt là đối với các nhóm dễ bị tổn thương; nhấn mạnh thêm nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và hợp tác giữa các quốc gia và bên liên quan khác.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hoan nghênh việc thông qua Công ước, coi đây cũng là hiệp ước tư pháp hình sự quốc tế đầu tiên được đàm phán trong hơn 20 năm qua. Tuyên bố của văn phòng Tổng Thư ký LHQ cho biết: “Hiệp ước này là minh chứng cho thấy thành công của chủ nghĩa đa phương trong một giai đoạn nhiều thử thách và phản ánh ý chí chung của các quốc gia thành viên nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế để ngăn ngừa và chống lại tội phạm mạng. Công ước tạo ra một nền tảng hợp tác chưa từng có trong việc trao đổi bằng chứng, bảo vệ nạn nhân và phòng ngừa, đồng thời bảo vệ quyền con người trực tuyến”.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Philemon Yang nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước mới. Ông cho biết: “Chúng ta đang sống trong thế giới số, nơi công nghệ thông tin và truyền thông có tiềm năng to lớn cho sự phát triển của xã hội, nhưng cũng làm gia tăng mối đe dọa tiềm tàng của tội phạm mạng… Với việc thông qua Công ước này, các quốc gia thành viên có trong tay những công cụ và phương tiện để tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm mạng, bảo vệ mọi người và quyền của họ trên mạng”.

Sau gần 5 năm đàm phán, “Công ước Hà Nội” ra đời là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó những mối đe dọa ngày càng tăng trên không gian mạng. Bên cạnh những lợi ích và tiềm năng không giới hạn đối với sự phát triển của nhân loại, công nghệ số cũng đặt ra nhiều rủi ro và nguy cơ về an ninh, đe dọa sự phát triển bền vững của hầu hết các quốc gia.

Vai trò và ý nghĩa của Công ước

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023, khoảng 67,4% dân số thế giới đã được tiếp cận internet. Tỷ lệ dân số thế giới dựa vào kết nối để thực hiện những hoạt động giao tiếp và mua sắm đến nghiên cứu hay đổi mới sáng tạo, ngày càng tăng. Tuy nhiên, kết nối này cũng khiến những người sử dụng internet phải đối mặt nguy cơ tội phạm mạng.

Sự gia tăng đáng báo động của tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên tới 10.500 tỷ USD vào năm 2025, lớn hơn GDP của hầu hết nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tội phạm mạng khai thác các hệ thống kỹ thuật số bằng phần mềm độc hại, phần mềm tống tiền… để đánh cắp tiền, dữ liệu và các thông tin có giá trị khác. Chúng lợi dụng những lỗ hổng ICT tạo điều kiện cho những hoạt động phi pháp như buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn người, rửa tiền và gian lận.

Trong bối cảnh đó, “Công ước Hà Nội” góp phần tạo khuôn khổ pháp lý bao trùm, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy pháp quyền trong không gian mạng; cho phép lực lượng chức năng phản ứng nhanh hơn trước những mối đe dọa nhắm vào cả cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ.

Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC) Ghada Waly đánh giá cao việc thông qua hiệp ước là một “chiến thắng lớn” cho chủ nghĩa đa phương. Bà cho biết: “Đây là bước tiến quan trọng trong nỗ lực giải quyết các tội phạm như xâm hại tình dục trẻ em trực tuyến, lừa đảo trực tuyến tinh vi và rửa tiền”. Bà Waly nhắc lại cam kết của cơ quan LHQ trong việc hỗ trợ tất cả các quốc gia ký kết, phê chuẩn và thực hiện hiệp ước mới, cũng như cung cấp cho họ các công cụ và hỗ trợ cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và bảo vệ lĩnh vực kỹ thuật số khỏi tội phạm mạng.

Công ước khẳng định, vai trò trung tâm của LHQ trong điều phối nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để ứng phó tội phạm mạng, một vấn đề đang gây nhức nhối hiện nay. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược sâu sắc, quan điểm và cách tiếp cận về vấn đề tội phạm mạng khác nhau, việc thông qua Công ước bằng đồng thuận củng cố niềm tin vào vai trò của LHQ và cách tiếp cận đa phương, cũng như thể hiện thiện chí và mong muốn thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa các quốc gia đối với các vấn đề quốc tế. Sự ra đời của Công ước có thể trở thành hình mẫu cho các khuôn khổ quốc tế trong tương lai về công nghệ số như quản trị trí tuệ nhân tạo (AI).

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, ý nghĩa của việc đăng cai lễ ký Công ước của LHQ đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung. Việc Việt Nam chủ động đề xuất đăng cai lễ ký một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa của người dân đối với tội phạm mạng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội…