Chi phí kỷ lục cho bầu cử Tổng thống Mỹ 2024

Theo Open Secrets, nhóm phi đảng phái theo dõi kinh phí cho các chiến dịch tranh cử, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay tiêu tốn gần 16 tỷ USD cho tất cả các cuộc đua liên bang. Con số này đã vượt qua mức 15,1 tỷ USD vào năm 2020, khiến bầu cử tổng thống Mỹ trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trump và bà Harris đã quyên góp được hàng tỷ USD cho các chiến dịch tranh cử. Ảnh: INDIA TODAY
Ông Trump và bà Harris đã quyên góp được hàng tỷ USD cho các chiến dịch tranh cử. Ảnh: INDIA TODAY

Bầu cử kiểu Mỹ

Nước Mỹ bỏ ra tổng cộng 15,9 tỷ USD cho cuộc bầu cử năm nay. Theo CNN, trong 24 giờ đầu tiên khi bà Kamala Harris tuyên bố thay thế ông Joe Biden trở thành ứng viên đảng Dân chủ trên đường đua vào Nhà trắng, 81 triệu USD đã chảy vào quỹ vận động tranh cử của bà. Trong vòng hai tuần sau, bà Harris đã huy động được con số là 300 triệu USD. Từ đó đến khi cuộc bầu cử kết thúc, quỹ tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ đã nhận tổng cộng 1,6 tỷ USD.

Forbes thống kê có ít nhất 80 tỷ phú ủng hộ Kamala Harris. Trong đó, nhà sáng lập Công ty truyền thông Bloomberg L.P, ông Michael Bloomberg là nhà tài trợ lớn nhất, đóng góp khoảng 93 triệu USD thông qua các ủy ban hành động chính trị (PAC). Ngoài ra, chiến dịch tranh cử của bà Harris cũng được các tỷ phú khác như Bill Gates và cựu Tổng Giám đốc điều hành (CEO) Microsoft, Steve Ballmer và CEO của JPMorgan Chase, Jamie Dimon tài trợ.

Đối thủ của bà Harris là ông Donald Trump huy động được tổng cộng 1,1 tỷ USD. Nhà tài trợ lớn nhất cho chiến dịch của ông Trump là ông Timothy Mellon, người thừa kế ngân hàng 82 tuổi với số tiền đóng góp 197 triệu USD. Các nhà tài trợ lớn khác bao gồm vợ chồng Richard và Elizabeth Uihlein (ngành đóng gói); “ông trùm” sòng bạc Miriam Adelson; CEO Tesla và SpaceX, tỷ phú Elon Musk; nhà đầu tư quỹ đầu cơ Kenneth Griffin.

Với 2,7 tỷ USD huy động được, chiến dịch tranh cử Tổng thống của hai ứng cử viên đảng Cộng hòa và Dân chủ năm nay đã vượt qua mức 2 tỷ USD huy động được trong chiến dịch năm 2020 dành cho ông Trump và ông Biden. Con số này cũng gấp hơn hai lần so 1,2 tỷ USD huy động được vào năm 2016 cho chiến dịch tranh cử của ông Trump và bà Clinton. Để so những năm 2000, chi phí cho bầu cử tại Mỹ đã tăng gấp ba lần.

Ngoài số tiền khổng lồ, thời gian dành cho các chiến dịch bầu cử tại Mỹ cũng vượt trội so các nền dân chủ công nghiệp hóa khác. Trên thực tế, các chiến dịch tranh cử đã bắt đầu trước ngày bầu cử tới hai năm, với chi phí lên đến hàng tỷ USD. Các chiến dịch tranh cử không ngừng được quảng bá trên TV, radio, biển hiệu dọc đường phố và cả tin nhắn trên điện thoại.

Để so sánh, toàn bộ các chiến dịch tranh cử tại Anh mùa hè năm nay chỉ kéo dài 6 tuần. Hầu hết các chiến dịch chỉ quảng cáo với tần suất thấp trên các phương tiện truyền thông. Khi cuộc bầu cử kết thúc, người chiến thắng lên nắm quyền vào ngay ngày hôm sau, thay vì chờ nhiều tháng mới nhậm chức. Trong chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tuần của Anh năm nay, số tiền quyên góp nhỏ đến mức đáng kinh ngạc. Thủ tướng Keir Starmer và Công đảng của ông huy động thành công 12,3 triệu USD, trong khi đảng Bảo thủ của cựu thủ tướng Rishi Sunak chỉ quyên được 2,5 triệu USD. Ước tính, các đảng tại Anh huy động được tổng cộng 97 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, nhưng không phải tất cả đều được chi cho chiến dịch.

Sự khác biệt nói trên khiến Madeleine Bialke, một nghệ sĩ người Mỹ, bị sốc khi cô chuyển đến Thủ đô London (Anh) sinh sống. “Thật bất ngờ khi có một cuộc bầu cử diễn ra trong thời gian ngắn như vậy. Nó khiến tôi nhận ra bầu cử ở Mỹ tốn kém thế nào”, Bialke cho biết. Trước đó, trong cuộc bầu cử năm 2019, ước tính tất cả đảng phái của Anh đã chi tổng cộng 80 triệu USD cho chiến dịch của họ.

Trong khi đó, chiến dịch tranh cử tại Canada cũng thường chỉ kéo dài từ 36 đến 50 ngày. Tổng chi phí cho cuộc bầu cử ở Canada năm 2021 là 69 triệu USD. Kỷ lục về số tiền mà một đảng phái chính trị ở Canada huy động được trong một năm chỉ là 25,5 triệu USD, do đảng Bảo thủ gây quỹ vào năm 2023. Con số này chỉ tương đương hai ngày gây quỹ của bà Harris.

Cần có giới hạn

Reuters cho biết, những chi phí kỷ lục cho cuộc bầu cử Mỹ đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến quy mô của cuộc bầu cử. Theo đó, Mỹ là nước có diện tích rất lớn, do đó các ứng cử viên phải tiếp cận cử tri ở nhiều khu vực hơn. Trong khi đó, việc tổ chức các chiến dịch tranh cử ở những thị trường cạnh tranh gay gắt về truyền thông như New York rất đắt đỏ.

Không chỉ vậy, ngay từ các cuộc bầu cử sơ bộ để chọn ra ứng cử viên đại diện đảng cũng tiêu tốn không ít tiền. Nếu như ở hầu hết các nước châu Âu, các đảng phái chính trị thường tự chọn ứng cử viên của họ để ra tranh cử thì tại Mỹ, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể đấu tranh để giành đề cử từ đảng. Dù vậy, bà Elaine Kamarck, chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Brookings, trụ sở tại Thủ đô Washington D.C cho biết, các chiến dịch này cũng mất nhiều chi phí.

Nguyên nhân tiếp theo là do kể từ năm 2010, Tòa án Tối cao Mỹ đã nới lỏng thêm các hạn chế khi quyết định những tập đoàn và công đoàn có cùng quyền tự do ngôn luận như các cá nhân. Dù không thể trực tiếp trao tiền cho các ứng cử viên, song các tập đoàn và công đoàn có thể quyên góp cho các thực thể được gọi là “siêu PAC”. Trong các cuộc bầu cử Mỹ, các PAC và siêu PAC đóng vai trò to lớn.

PAC thường đại diện cho các ngành công nghiệp như dầu mỏ, hàng không vũ trụ hoặc tập trung vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, nhập cư..., tập hợp các khoản đóng góp với giới hạn là 5.000 USD/ứng cử viên mỗi năm. Trong khi đó, các siêu PAC sẽ là các khoản do các cá nhân, công đoàn và tập đoàn đóng góp với số tiền không giới hạn cho các tổ chức độc lập, có liên hệ với ứng cử viên. Chính sự tự do này cho phép những người giàu có “bơm” bao tiền tùy thích để ủng hộ ứng cử viên mà họ ủng hộ. Theo Open Secrets, chi tiêu của các siêu PAC trong hai kỳ bầu cử gần đây đã tăng vọt, từ 847 triệu USD do vài trăm siêu PAC huy động trong cuộc bầu cử năm 2012, lên 5,7 tỷ USD do 2.966 nhóm huy động trong cuộc đua năm nay.

Một lý do lớn khác khiến cuộc bầu cử ở Mỹ tốn kém là vì ít bị áp hạn chế. Ở Anh, mỗi ứng cử viên Quốc hội chỉ có thể chi khoảng 25.000 USD cho chiến dịch tranh cử. Các đảng được phép chi tổng cộng khoảng 40 triệu USD. Dù vậy, rất hiếm khi chi tiêu của các đảng đạt tới con số này. Tại Pháp, mức trần cứng về chi tiêu cho các ứng cử viên Tổng thống là khoảng 25 triệu USD và 50% trong số đó do nhà nước chi trả. Các tập đoàn, thậm chí cả các công đoàn Pháp, đều bị cấm quyên góp. Ông Biden năm 2020 chi nhiều hơn 70 lần so Tổng thống Pháp Emmanuel Macron để giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà trắng, mặc dù dân số Mỹ chỉ lớn hơn 5 lần so Pháp.

Theo các chuyên gia kinh tế, không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng cũng như tác động của bầu cử Mỹ đối với bối cảnh chung của thế giới. Tuy nhiên, ông David Cass, CEO Tổ chức Người Mỹ vì Công bằng thuế (ATF) cảnh báo, các chi phí dành cho bầu cử liên tục lập các kỷ lục mới sẽ dẫn đến “sự sụp đổ của hệ thống quản lý tài chính tranh cử” ở Mỹ. Ông David Cass cho rằng, đã đến lúc cần phải hạn chế ảnh hưởng chính trị của những gia đình giàu nhất nước Mỹ, bằng cách đưa ra các giới hạn về số tiền quyên góp của họ cho các chiến dịch bầu cử.