Mối đe dọa sức khỏe toàn cầu

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kháng thuốc kháng khuẩn (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn phản ứng với thuốc kháng khuẩn. Do đó, thuốc kháng sinh và các loại thuốc kháng khuẩn khác trở nên không hiệu quả, khiến nhiễm trùng khó hoặc không thể điều trị được và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
0:00 / 0:00
0:00
Thảo luận tại Hội nghị cấp cao của UNGA về AMR. Ảnh: UN
Thảo luận tại Hội nghị cấp cao của UNGA về AMR. Ảnh: UN

Vấn đề y tế cộng đồng cấp bách

Kể từ khi được phát hiện cách đây 100 năm, các loại thuốc kháng khuẩn, bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm, thuốc kháng virus và thuốc chống ký sinh trùng đã kéo dài đáng kể tuổi thọ trung bình. Mỗi ngày, những loại thuốc thiết yếu này cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, số trường hợp AMR tăng mạnh, khiến việc điều trị nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.

Theo AP, tháng 8 vừa qua, bệnh nhân Victoria Panzari được đưa vào Viện Y học cấp cứu tại Thủ đô Chisinau (Moldova). Ban đầu, các bác sĩ lạc quan rằng phương pháp điều trị bằng kháng sinh có thể cứu sống cô. Nhưng quá trình điều trị của cô phức tạp hơn dự định, dẫn đến tình trạng hôn mê do thuốc kéo dài 2 tháng và 10 ca phẫu thuật trong suốt quá trình. “Tôi được chẩn đoán mắc một dạng viêm tụy nghiêm trọng. Các bác sĩ đã kê đơn điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không mang lại kết quả như mong đợi và tình trạng của tôi trở nên tồi tệ hơn”, Victoria kể lại trải nghiệm của mình với căn bệnh nhiễm trùng kháng thuốc.

Sức khỏe của cô chỉ dần cải thiện sau khi các chuyên gia tại Cơ quan Y tế công cộng Moldova tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm và tìm ra một loại kháng sinh hiệu quả để bắt đầu áp dụng liệu pháp điều trị mới. Trường hợp của Victoria là một thí dụ điển hình về mối đe dọa đáng kể do tình trạng AMR gây ra đối với cuộc sống và sức khỏe con người. Theo WHO, ở khu vực châu Âu, AMR chịu trách nhiệm trực tiếp cho 133.000 ca tử vong mỗi năm và gián tiếp liên quan 541.000 ca tử vong.

Tại các nước khu vực Thái Bình Dương, dự kiến ​​có tới 32.000 người tử vong trong giai đoạn 2020 - 2030 do tình trạng kháng thuốc. Đến năm 2030, ước tính AMR sẽ gây thiệt hại cho các quốc đảo và khu vực Thái Bình Dương lên tới 500 triệu USD mỗi năm, phần lớn do phát sinh chi phí chăm sóc sức khỏe bổ sung. Trên toàn cầu, AMR là nguyên nhân trực tiếp gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong và góp phần gây ra thêm 5 triệu ca tử vong mỗi năm.

Ngoài ra, AMR cũng đe dọa tương lai của các nền kinh tế, với chi phí hằng năm ước tính trên toàn cầu lên tới 3,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030 và 28 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói vào năm 2050. AMR gây áp lực lên hệ thống y tế do làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị, dẫn đến bệnh tật kéo dài và tăng chi phí chăm sóc sức khỏe… “Tương tự đại dịch Covid-19, các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc không phân biệt biên giới và không một quốc gia hay cá nhân nào có thể đơn độc chống lại AMR”, báo cáo của WHO nêu rõ.

Mối đe dọa sức khỏe toàn cầu ảnh 1

Nghiên cứu thuốc kháng sinh trong phòng thí nghiệm châu Âu. Ảnh: GETTY IMAGES

Kêu gọi hành động đa ngành

Kháng thuốc kháng sinh đang trở thành một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu cấp bách. Việc lạm dụng kháng sinh trong nhiều năm đã khiến vi khuẩn kháng thuốc ngày càng nhiều, khiến việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm. Riêng tại châu Âu, hằng năm có hàng chục nghìn người tử vong vì các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc, tạo ra gánh nặng lớn cho hệ thống y tế.

Điều đáng lo ngại là vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng đang “tiến hóa” để kháng lại tác dụng của thuốc, khiến việc điều trị nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc là sử dụng quá nhiều hoặc sử dụng sai thuốc kháng sinh. Theo một nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) phân tích, mức tiêu thụ kháng sinh tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023 cho thấy những nỗ lực nhằm giảm lượng sử dụng đang không đạt được hiệu quả, khi trong giai đoạn 2019 - 2023, không có quốc gia EU nào có tỷ lệ giảm đáng kể.

Bà Pamela Rendi-Wagner, Giám đốc ECDC, cho biết: “Báo cáo cũng nhấn mạnh sự gia tăng trong việc sử dụng kháng sinh dự trữ tại các bệnh viện, tăng từ 3,4% vào năm 2019 lên 5,4% tổng lượng tiêu thụ vào năm 2023. Trong khi WHO khuyến nghị những loại kháng sinh đó chỉ nên được sử dụng như một biện pháp cuối cùng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn kháng nhiều loại thuốc gây ra”.

Nhằm đối phó tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng trên toàn cầu, ngày 9/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã ký thỏa thuận tài trợ trị giá 20 triệu euro (hơn 21 triệu USD) với Công ty công nghệ sinh học SNIPR Biome của Đan Mạch. Thỏa thuận thể hiện quyết tâm của EU trong việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển y tế, đồng thời thể hiện mong muốn của châu Âu trở thành một trung tâm đổi mới trong lĩnh vực y sinh. Thỏa thuận của EU được kỳ vọng đem lại cho bệnh nhân cơ hội được tiếp cận với các loại thuốc kháng sinh hiệu quả, rút ngắn thời gian điều trị và tăng khả năng hồi phục. Đồng thời, việc giảm các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc cũng sẽ giúp giảm chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 79 của Đại hội đồng LHQ (UNGA) về AMR, các nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố thực hiện một loạt mục tiêu và hành động hợp tác đa ngành toàn cầu, trong đó đặt mục tiêu giảm 10% số ca tử vong ước tính ở người liên quan tình trạng AMR hằng năm vào năm 2030. Tuyên bố cũng thừa nhận rằng AMR là một vấn đề phức tạp, đặt ra yêu cầu phải có phản ứng đa ngành kết hợp các biện pháp can thiệp cụ thể của con người, nông nghiệp, động vật và môi trường.

Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), ông QU Dongyu cho biết: “Thách thức liên ngành của AMR đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống. Chúng ta phải bảo đảm tiếp cận phổ cập với thuốc men, phương pháp điều trị và chẩn đoán, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa và đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới, xây dựng năng lực và các sáng kiến ​​nâng cao nhận thức. Sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào thực phẩm an toàn, bổ dưỡng và an ninh lương thực, các hệ thống nông nghiệp, thực phẩm hiệu quả, toàn diện, kiên cường và bền vững”.

Còn theo Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) Inger Andersen: “Bằng chứng ngày càng tăng cho thấy môi trường đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, lây lan và truyền nhiễm AMR, bao gồm cả việc truyền nhiễm giữa người và động vật sang người. Nếu chúng ta muốn giảm gánh nặng của AMR và các rủi ro của nó thì môi trường phải là một phần của giải pháp”.

Đồng tình với nhận định trên, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh: “Một thế kỷ qua, thuốc kháng sinh đã trở thành trụ cột của y học, biến những căn bệnh nhiễm trùng từng gây tử vong thành tình trạng có thể điều trị và chữa khỏi. Kháng thuốc kháng sinh đe dọa phá vỡ tiến trình đó, khiến nó trở thành một trong những thách thức lớn về sức khỏe của thời đại chúng ta. Chúng tôi kêu gọi nỗ lực mạnh mẽ hơn để đẩy lùi vấn đề y tế cộng đồng cấp bách này”.