Thành phố được xây trên vùng đầm lầy
Cuối thế kỷ 5, khi đế chế La Mã đang đứng trên bờ vực sụp đổ, các tộc người Hungary bắt đầu phát động cuộc tấn công vào miền bắc Italy. Theo Primal Space, một số thành thị đã bị hủy diệt, buộc cư dân miền bắc phải bỏ quê nhà, tìm nơi lánh nạn. Một số người đã hướng tới vùng đầm phá ngoài khơi đông bắc Italy. Họ tin rằng địa hình nơi đây sẽ cản bước kỵ binh Hungary, mở ra cho họ một con đường sống. Lựa chọn ấy quả thật đã cứu mạng họ, đồng thời mở đường cho sự ra đời một thành thị lừng danh trong tương lai.
Venice ban đầu là tập hợp hơn 100 hòn đảo, cồn đất nhỏ, không đường bộ, không đất trồng, không nước ngọt. Khi những người tị nạn đầu tiên tới Venice, họ phải sống trong các túp lều trên nền đất sét lầy lội, mềm, nhiều chỗ thậm chí không chịu nổi sức nặng của bước chân con người. Để tạo nền móng cho xây dựng, người Venice chuyển về đây những cây gỗ lớn từ các khu rừng vùng bắc Italy và Croatia. Họ đóng chúng xuống đất sâu khoảng 5 m cho tới khi mũi cọc chạm phải lớp đất cứng. Từ đó, họ ổn định lớp đất sét mềm, đẩy hết nước ra ngoài, tạo ra một kết cấu móng vững chắc.
Khi lớp cọc đã nằm chắc dưới lòng đất, họ cưa bỏ phần cọc trên mặt đất rồi đóng nhiều lớp ván gỗ, đá lên làm bề mặt, từ đó nâng toàn bộ nền móng nổi trên mặt nước. Thiết kế này đã bịt kín toàn bộ phần cọc gỗ bên dưới, khiến chúng không còn tiếp xúc với không khí và do đó, không bị mục nát sau nhiều thế kỷ.
Nhiều nghiên cứu khảo cổ cho thấy đến tận bây giờ, hầu hết các cọc ban đầu vẫn trong tình trạng tốt và tiếp tục nâng đỡ cả đô thị. Khi nền móng được đặt đúng cách, người Venice bắt đầu dựng nhà. Ban đầu, gỗ là nguyên liệu được lựa chọn. Nhưng sau vài vụ cháy, họ chuyển sang dùng gạch. Để các tòa nhà đứng vững trên cọc gỗ, chúng không được xây quá 3 tầng. Đó là lý do gần như không thể tìm thấy nhà cao tầng ở Venice ngày nay.
Vữa vôi được sử dụng vì chúng mềm dẻo hơn, có thể chịu được các chuyển động nhẹ khi nền móng bị ảnh hưởng. Giữa các mặt sàn là những thanh sắt được đóng vào để cố định. Phương pháp xây dựng này phát huy hiệu quả ở những đảo đầu tiên và nhanh chóng được phần còn lại học theo. Cùng với việc xây dựng các tòa nhà, thành phố cũng tiến hành đào sâu và xây thêm kênh đào mới. Venice hiện nay có khoảng 150 kênh đào, nơi sâu nhất có thể tới 14 m, nông nhất 4 m, thay đổi mỗi ngày theo nhịp điệu thủy triều. Để duy trì hệ thống kênh đào, chính quyền Venice tiến hành nạo vét bùn lầy khoảng 10 năm một lần. Họ đã làm điều đó liên tục trong 1.500 năm qua. Một đô thị mới đã ra đời từ đấy.
Bước tiếp theo của Venice đương nhiên là kết nối những hòn đảo ấy. Theo The Bridges of Venice, trong 500 năm đầu tiên của Venice, không hề có chiếc cầu nào được xây dựng. Một số vùng nước nông có thể cho ngựa đi qua nhưng về cơ bản, thuyền là phương tiện di chuyển chủ yếu suốt thời gian dài. Tình hình chỉ thay đổi do sự gia tăng dân số và phát triển thương mại. Người Venice nhận thấy đã đến lúc cần những kết nối mạnh mẽ hơn, trước nhất là giữa hai phần của thành phố. Cầu Rialto đi qua kênh đào Grand, được xây dựng vào năm 1173.
Công trình biểu tượng ấy ban đầu chỉ là một cầu phao bằng gỗ. Trong 400 năm kế tiếp, nó trải qua vô số biến thiên, được xây lại nhiều lần, bị hỏa hoạn thiêu rụi, được trang trí bởi các nghệ sĩ hàng đầu qua các thế hệ. Nó hiện vẫn tồn tại, vừa với tư cách một thắng cảnh nổi tiếng, vừa là “động mạch chủ” của thành phố. Sau cầu Rialto, gần 500 công trình bằng đá tương tự mọc lên khắp Venice, tạo nên hệ thống kết nối đường bộ giống như ngày hôm nay.
Hai hệ thống giao thông riêng biệt trên cạn và dưới nước mang tới cho Venice một lợi thế độc đáo, cho phép hàng hóa và con người di chuyển thuận lợi mà không ảnh hưởng tới nhau. Venice vì thế có thuận lợi để vừa phát triển thương mại, vừa thu hút du lịch. Từ khoảng thế kỷ 13, Venice đã là thành phố sôi động và giàu có bậc nhất châu Âu.
Bài toán về nước ở Venice
Với một thành phố được xây dựng trên mặt nước như Venice, những vấn đề liên quan tới nước là quan trọng hơn cả. Trước tiên là bài toán về nước sạch. Sự cường thịnh của Venice đi kèm với gia tăng dân số, dẫn tới nhu cầu lớn về nước ngọt. Được xây dựng trên một vùng nước mặn, Venice buộc phải phụ thuộc vào nguồn nước ngọt chuyên chở từ đất liền. Tuy nhiên, với dân số khoảng 170.000 người vào thế kỷ 16, nhu cầu đã trở nên quá lớn, buộc những kỹ sư Venice phải tìm kiếm giải pháp.
Trên những lớp đất sét của thời kỳ sáng lập, người ta chèn lên các lớp cát, đá, xây hệ thống đường dẫn bằng gạch từ mái nhà xuống những con đường trong khắp thành phố. Hệ thống này dẫn nước mưa chảy về hơn 600 giếng nước, biến cả Venice thành một cái phễu khổng lồ, qua đó cung cấp nguồn nước cho cả vùng đất.
Bài toán thứ hai là nước thải. Khi khái niệm về bảo vệ môi trường còn xa lạ, Venice vốn có diện tích chật hẹp, bị cô lập giữa vùng đầm phá, đã sớm phải đối mặt bài toán xử lý nước thải và rác sinh hoạt. Thành phố sau đó phải xây dựng một hệ thống cống ngầm, vai trò tương tự hệ thống lấy nước mưa nhưng theo chiều ngược lại. Hệ thống này sẽ gom rác thải về các cống ngầm đổ ra biển, rồi tận dụng chuyển động lên xuống hai lần một ngày của thủy triều để đưa nước thải, rác sinh hoạt xuống đại dương. Đó rõ ràng chưa phải một hệ thống hoàn hảo theo những tiêu chuẩn “xanh” của thế kỷ 21 nhưng vào thời bấy giờ, Venice là sự khác biệt.
Trong thời kỳ thống trị của giao thông đường biển, vị trí địa lý đặc biệt của Venice đã góp phần giúp nơi đây trở thành một hải cảng sầm uất. Nằm ở điểm trung chuyển giữa phương Tây và phương Đông, trên con đường của những cuộc thập tự chinh, Venice nhanh chóng nâng cao vị thế và vươn lên trở thành hải cảng sầm uất bậc nhất cựu thế giới thời bấy giờ. Sự thịnh vượng của đô thị này bắt đầu từ thế kỷ 13, kéo dài tiếp 3 thế kỷ và chỉ suy yếu dần khi người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha vươn lên cùng các cuộc phát kiến địa lý lớn.
Tuy nhiên, vị thế của một thành phố nghệ thuật thì không hề mất đi. Venice đã sớm đi vào văn thơ, nghệ thuật, truyền cảm hứng, trở đi trở lại trong các tác phẩm sáng tạo ở đủ mọi thể loại từ cổ điển tới hiện đại. William Shakespeare, Giacomo Casanova, Thomas Mann chỉ là một vài trong các nghệ sĩ lừng danh đã phải lòng thành phố nổi trên mặt nước.
Theo Road Genius, lượng khách du lịch tới Venice năm 2023 là 5,5 triệu lượt người, tăng 119,1%, giúp nơi đây tiếp tục là một trong điểm tham quan được ưa thích nhất thế giới. Năm 2022, khách du lịch đóng góp 1,67 tỷ euro cho GDP của thành phố.
Tuy nhiên, vấn đề của Venice thì vẫn không khác sau 1.500 năm. Sự xuất hiện của hàng chục nghìn khách mỗi ngày cũng mang tới áp lực cho môi trường. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã đặt Venice vào danh sách “Di sản thế giới đang bị đe dọa”. Thành phố cũng phải triển khai một loạt biện pháp bảo vệ, kiểm soát số lượng du khách như thu phí vào cửa, cấm các nhóm khách trên 25 người, cấm dùng loa phóng thanh... Tất cả nhằm bảo tồn và duy trì nguyên trạng đô thị lừng danh này.