Về với Tết quê

Có lẽ nhiều năm sau này nữa cái câu “về quê ăn Tết” vẫn vô cùng quen thuộc mỗi khi năm cũ qua. Thật may khi chúng ta vẫn còn có làng, có quê để về. 

 Minh họa: NGÔ XUÂN KHÔI
Minh họa: NGÔ XUÂN KHÔI

Nhà tôi ở thị trấn, chúng tôi cũng đều sinh ra ở thị trấn. Đó là nơi người tứ xứ từ Nam Định, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đến lập nghiệp. Thời tàu xe còn chưa tiện lợi, tiền nong còn thiếu thốn, về quê xa có thể là niềm vui đi kèm với nỗi lo. 

Riêng nhà tôi thì cứ về quê là thích. Quê cách có 17 cây số, trẻ con cũng có thể đạp xe. Mà phải đạp xe hết. Nhà có hai cái xe, mẹ một cái, đèo tôi và chị ba. Anh cả một cái đèo chị hai và vô số thứ như quần áo, đồ đạc mang về dùng Tết. Vì chẳng phải mệt mỏi đạp xe đèo ai, cứ ngồi gật gù mà ngắm nhà, ngắm đồng nên tôi háo hức về quê ăn Tết lắm. Về quê nghĩa là được sổng cẳng, được chạy nhảy khắp nơi. Mà trẻ con thì chỗ nào chả là góc nhớ, chả là nỗi mong chờ được gặp. Từ hàng xóm bốn bề, từ xóm dưới ngõ trên, từ cánh đồng, con mương, bờ sông hay những thửa ruộng cũng như người thân của chúng tôi. Khu vườn hàng xóm cũng chứa nhiều bí mật của riêng mình, con chó, con mèo hàng xóm cũng có tình cảm bởi thường xuyên được ôm ấp mỗi khi chúng tôi về quê và khi trở về nhà chúng tôi vẫn nói chuyện với nhau về nó. Gặp lại tất cả những cảnh vật, con người ấy, cái niềm vui vô bờ cứ len lỏi, phập phồng rồi có lúc vỡ òa trong tâm hồn trẻ con đầy non tơ ấy.

Bao giờ cũng vậy, ngày về quê sẽ là ngày đầu tiên được nghỉ Tết. Khi ấy  mẹ đã kết thúc một năm làm việc, đã nhận quà Tết cơ quan phát cho, chắc chắn là chai rượu cam, chanh và có thể là túi mứt nữa. Mẹ cũng đã có lương hoặc tiền tạm ứng. Mà dù chưa có thì mẹ cũng phải tìm cách vay mượn đâu đó bằng được để sắm Tết. 

Về với Tết quê -0
 

Về quê ăn Tết tôi nhớ nhiều lắm. Nhớ bếp rơm quanh năm ám mùi bồ hóng của bà. Cái bếp ấy bao lần tôi hí húi nướng những bông lúa nếp để hạt thóc nổ xòe như bông hoa. Cũng có khi trong đám rơm mới rút ở cây rơm bên chuồng lợn còn sót lại một vài hạt thóc. Đang đói mà tỉnh cả người, dúi bông lúa sót ấy vào lửa, sau tiếng xèo là tiếng bép, bụp. Bông hoa bỏng đẹp như một đóa hoa trên dé lúa quăn đen. Ăn bông bỏng này thấy cái giòn, cái ngon tăng lên gấp bội bởi bất ngờ có được.

Cái bếp này tôi cũng từng nướng những con châu chấu, muồm muỗm cháy khét thơm lừng, từng được bà luộc cho những quả trứng chim cuổng vào vụ gặt, từng bắc hộ bà nồi cháo khi bà ốm, từng ngồi sưởi mà gật gù muốn ngã vào đống lửa mỗi sáng mùa đông chưa cạy nổi mắt. Cái bếp này bà vẫn bắc ghế lấy mẩu đường phên tít trên cao cắt cho tôi một mẩu mỗi lúc tôi lằng nhằng bám đuôi mà bà phải đi đâu không mang trẻ con theo được. Cái bếp này có lần tôi chưng hửng khóc váng lên vì hai bà cháu vừa rán xong mấy con cá rô ron vàng rộm, lên nhà dọn cơm quay xuống con mèo mướp hỗn xược đã vọc mất từ bao giờ. Cái bếp này tôi cũng từng nì nèo vặt những rìa miếng đậu nướng ăn thèm ăn nhạt để rồi bà chặc lưỡi: “Thôi cứ ăn hết đi, tí bà đi mua làm cỗ giỗ sau”. 

Cái bếp ngày Tết ấm sực mùi thức ăn, cái bếp dúi thanh sắt để hàn lại đôi dép đứt, cái bếp đỏ lửa cho đến Giao thừa, cái bếp lúc nào tôi chui ra mồm mặt cũng đen thui vì món ăn nào đó, toét miệng cười môi nẻ nứt toác chảy máu trong cái rét cuối đông. Nhớ bếp, hình như mùi khói cũng đang cay cay trong mắt.

Tôi cũng nhớ cả cây doi ở góc chuồng lợn gần cây rơm, có năm về Tết bất ngờ tôi dòm thấy chùm quả trái mùa đỏ rực. Cái đứa hay ăn cứ kiếm được cái ăn tình cờ như vậy. Có chùm doi mà cãi nhau hăng lắm, nào thì vặt vào để trên bàn thờ cho đỏ, cho may cả năm, nào thì mang ăn ngay chả héo mất. Cuối cùng, giải quyết được cả hai vấn đề, thắp hương vẫn thắp. Héo không kịp héo vì chiều mồng Một bà đã xin cụ cho để doi chui hết cả vào bụng rồi.