Không còn là “linh vật bên lề”

Trong ngôn ngữ biểu tượng, nghê là thiên sư, là linh sư, là sư tử thiêng. Nghê là vật linh, vừa khỏe mạnh vừa nhanh nhẹn. Hình ảnh nghê trong đời sống văn hóa thể hiện tài hoa của cha ông khi sáng tạo một hình tượng mang đậm bản sắc văn hóa Việt. 

Múa nghê.
Múa nghê.

Nghê có mặt trong những không gian công cộng của làng, của nước và cả những nơi trang trọng ở tư gia. Ai đến với mỗi ngôi làng Việt cũng dễ gặp nghê thân quen trên đỉnh các trụ cổng, hoan hỷ cung nghênh “đón” người từ khi sắp bước chân vào làng. Nghê còn xuất hiện ở nhiều nơi cao quý, thâm nghiêm như cung điện, lăng tẩm của các bậc vua chúa. Nghê phổ biến trong không gian tôn giáo, tín ngưỡng, “phục vụ” cho cõi âm thiêng liêng với nhiều dáng vẻ nghiêm trang, thương cảm... 

Nhưng cũng đã có một thời nghê đáng yêu dường như rơi vào quên lãng. Ở nhiều nơi di tích, nghê bị thay thế bằng những linh vật ngoại lai. Từ năm 2014, Hà Nội và cả nước đã phải nỗ lực dẹp tình trạng này, trả lại không gian văn hóa cho linh vật Việt. Sau nhiều cố gắng của giới chuyên môn, của truyền thông, của các nhà quản lý, nghê Việt đã có lại được sự trân trọng thỏa đáng. 

Tại đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội), hai bên cửa khu đại bái treo hai chiếc đầu nghê được TS Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cùng cộng sự sáng tạo với sự góp sức của các nhà điêu khắc và nghệ nhân. Hai đầu nghê này đã được sử dụng để trình diễn điệu “múa nghê” rộn rã và mạnh mẽ, uyển chuyển và khoáng đạt. Điệu múa nghê tươi vui đã đưa nghê bước ra hiện hữu trong cuộc sống đương đại như là linh vật cầu may, cát tường và mang ý nghĩa chúc phúc.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật và các nghệ sĩ đã tạo hình đầu nghê từ nguyên mẫu đôi sư tử nghê đá ở chùa - đền Bà Tấm (Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội). Đến nay, đôi đầu nghê để múa đã được chế tác đến phiên bản thứ ba. Chất liệu giấy bồi đã thay cho nhiều bộ phận trước kia tạo từ gỗ làm cho đầu nghê nhẹ hơn để các vũ công đưa nghê thăng hoa bay lượn dễ dàng hơn. Vũ đạo múa nghê được NSƯT Nguyễn Đức Mạnh (Nhà hát Tuồng Trung ương) hỗ trợ, có tham khảo những điệu múa linh vật từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Trần Hậu Yên Thế và nhóm của anh còn muốn mang điệu múa nghê tới các lễ hội truyền thống khác như sự nhắc nhớ về một “Nước Đại Việt ta thủa trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi), để nghê Việt được biết, được nhìn thấy nhiều hơn.

Với mong muốn hình tượng nghê hiện diện chuẩn xác hơn, nhiều hơn trong đời sống xã hội hiện tại, TS Trần Hậu Yên Thế chia sẻ: “Chúng ta còn cần xây dựng những chương trình truyền thông để quảng bá hình tượng này. Ở các di tích cần được tư vấn để chọn đúng, bày đúng, phân biệt được chính xác nghê Việt với những vật dị chủng ngoại lai. Một việc cũng rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn cao là kết hợp với phường thợ, nhóm nghệ sĩ để sáng tạo những mẫu ứng dụng của nghê. Có thể nêu một ý tưởng sản phẩm thú vị như con nghê phả khói - một dụng cụ để đốt hương liệu. Trong đại dịch Covid-19, những con nghê phả khói để tiêu trừ virus, vừa phòng, chống dịch, vừa quảng bá văn hóa Việt Nam…”. 

Chúng ta có cơ sở để hy vọng rằng với những ý tưởng sáng tạo mới, “cuộc du hành” từ truyền thống đến hiện đại của nghê vẫn còn đang tiếp tục. Hình tượng nghê thân thuộc và mang nhiều ý nghĩa sẽ ngày càng thịnh phát, tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa Việt hướng đến tương lai.