Thiết lập vòng tuần hoàn

Biến đổi khí hậu, sự ô nhiễm nguồn nước do công nghiệp hóa và khai thác quá mức các dòng sông để phát triển thủy điện…, đang khiến cho an ninh nguồn nước trở thành vấn đề nóng trên toàn cầu. Đang có nhiều nỗ lực, sáng kiến được thực thi để vừa bảo vệ tài nguyên nước vừa phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy xử lý nước thải tại Ai Cập.
Nhà máy xử lý nước thải tại Ai Cập.

1. Nói về trị thủy, không thể không nhắc tới Hà Lan. Sớm đã có rào chắn sóng kiên cố, hay hệ thống đê điều hiện đại, người Hà Lan vẫn không thoát khỏi nước ngập. Theo thời gian, họ nhận ra là không thể chống lại mà phải sống chung với nước.

Năm 2006, chương trình "Room for the River" (tạm dịch: không gian cho dòng sông) được tiến hành hướng đến mục tiêu trả lại không gian đã bị lấy mất của bốn con sông chính ở Hà Lan. Qua đó, giúp giảm nguy cơ nước tràn bờ khi lũ lớn về đe dọa cuộc sống của người dân. Cơ quan quản lý Hà Lan đã chi ra số tiền 2,2 tỷ euro để mở rộng lòng các con sông, di chuyển các tuyến đê ra xa khỏi bờ sông; phá bỏ một số polder (các vùng đất thấp có đê bọc, mỗi polder thường rộng vài km vuông, có một trạm bơm để đẩy nước vào hệ thống kênh và mương dẫn); di dời nhà dân để có không gian cho sông chảy qua và giảm bớt chướng ngại chặn dòng chảy của nước.

Cùng thời điểm, người Hà Lan cũng tư duy về việc để nước tự do tiến vào những khu vực nhất định và xây nhiều công trình lưỡng dụng - khi bình thường phục vụ đời sống, khi khẩn cấp có thể trở thành hồ chứa nước.

Thí dụ như Eendragtspolder - khu vực nằm gần sông Rotte, Rotterdam và làng Zevenhuizen. Polder này vốn là một vùng đất nông nghiệp trước khi được tái cấu trúc lại thành điểm nghỉ dưỡng, giải trí và thi đấu thể thao dưới nước. Trong tình huống nước sông Rotte dâng lên và có nguy cơ gây lụt, nước có thể được dẫn thẳng vào Eendragtspolder và cả khu vực đó sẽ biến thành một hồ chứa khổng lồ.

Các công ty Hà Lan cũng đề xuất nhiều giải pháp sáng tạo để sống chung với nước. Năm 2005, Công ty Kiến trúc Dura Vermeer đã xây 32 ngôi nhà nổi ở Amsterdam. Sau đó họ xây thêm 12 ngôi nhà nổi tương tự ở Maastricht. Công ty nói rằng, các ngôi nhà này có giá hơi đắt hơn nhà bình thường, nhưng không cần bảo trì và có thể di chuyển theo dòng nước.

2. Sông Nile là dòng sông huyền thoại nhưng hiện vẫn phải gánh vác trên mình nhiều gánh nặng từ nhiều quốc gia và dân cư, khiến nó bị xếp vào danh sách các con sông có sức khỏe sinh thái đang suy yếu.

Tháng 9/2021, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, nhấn mạnh: "Ai Cập cần tập trung tối ưu nguồn tài nguyên nước. Các dự án xử lý nước thải và khử mặn của quốc gia sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ m3 nước, phục vụ công tác cải tạo đất và tưới tiêu trong thời gian tới".

Là một phần của Dự án Quốc gia nhằm phát triển khu vực bán đảo Sinai, tăng cường hệ thống tối ưu sử dụng nguồn tài nguyên nước, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và tìm cách cải thiện các dịch vụ cung cấp cho người dân, Nhà máy xử lý nước thải Bahr El-Baqar ở phía nam tỉnh Port Said, được Tổ chức Guinness Thế giới chứng nhận là nhà máy xử lý nước thải có quy mô lớn nhất thế giới.

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Ai Cập - Bassam Rady cho biết, nhà máy này có kinh phí đầu tư 20 tỷ bảng Ai Cập (1,28 tỷ USD), công suất xử lý nước thải lên đến 5,6 triệu m3/ngày. Được trang bị hệ thống vận hành hiện đại để xử lý nguồn nước thải theo quy trình bơm nước, ngưng tụ, gạn lọc và khử trùng.

Nguồn nước sau khi được xử lý sẽ được đưa tới khu vực bắc Sinai thông qua hệ thống đường ống dẫn nước để góp phần phục vụ hoạt động tưới tiêu, khai hoang và canh tác đất nông nghiệp, cải tạo hơn 1.600 km2 đất đai.

3. Ngày 16/8/2022, Ceres, một mạng lưới nhà đầu tư thúc đẩy phát triển bền vững, đã công bố dự án Sáng kiến đánh giá tài chính nước (Valuing Water Finance Initiative) để gây sức ép, buộc các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu phải quản lý tài nguyên nước tốt hơn. Ceres cho biết, đã có 64 tổ chức đầu tư của Mỹ và quốc tế tham gia sáng kiến này.

Sáng kiến trên nhằm khuyến khích 72 công ty lớn nhất thế giới giải quyết các rủi ro tài chính liên quan đến nước và thúc đẩy các cải cách quy mô lớn để bảo vệ các hệ thống cung cấp nước toàn cầu. Với mục đích là nâng cao nhận thức xem nước ngọt là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và làm nổi bật vai trò thiết yếu của nó trong các ngành công nghiệp, cộng đồng và hệ sinh thái.

Theo Liên hợp quốc, 2,3 tỷ người hiện sống ở các nước chịu ảnh hưởng tiêu cực về nguồn nước. Con số đó đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư quan tâm hơn đến các giải pháp quản lý hiệu quả tài nguyên nước. Dữ liệu của Morningstar Direct cho thấy trên toàn cầu, trong 5 năm qua có 23 quỹ đầu tư tập trung vào giải pháp cho cuộc khủng hoảng nước được thành lập, với tổng tài sản 8 tỷ USD, tính đến cuối tháng 8/2022.