“Thế hệ làm thêm” tại châu Á

Lạm phát và tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cơ hội tiếp cận việc làm ổn định bị thu hẹp. Không ít thanh niên đã lựa chọn làm nhiều công việc bán thời vụ cùng lúc để trang trải cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người trẻ làm thêm để trang trải các chi phí. Ảnh: BLOOMBERG
Nhiều người trẻ làm thêm để trang trải các chi phí. Ảnh: BLOOMBERG

Theo SCMP, hiện có hơn 500 triệu người ở độ tuổi 18-26 tự tin, sẵn sàng tâm thế tham gia và thích nghi với thị trường lao động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dù vậy, nhiều người tiết lộ đã gặp thất bại liên tiếp trong quá trình tìm việc. Trước tình hình đó, nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động đã lựa chọn làm những công việc bán thời vụ cùng lúc nhằm có chi phí trang trải cuộc sống, tự tạo cơ hội để học hỏi những kỹ năng mới. Các công việc như sáng tạo nội dung, kinh doanh thương mại điện tử, bán đồ ăn nhanh, khai thác công nghệ… đã trở thành lựa chọn hàng đầu của họ.

Đối với người trẻ hiện nay, không có lựa chọn “công việc hay cuộc sống”. Xã hội già hóa nhanh gây ra nhiều hệ quả, khiến họ phải đối mặt không ít gánh nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như phúc lợi xã hội bị cắt giảm, rủi ro trong cách mạng lao động do trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại. Trong khi nhu cầu tài chính là động lực lớn nhất đối với hầu hết mọi người, đặc biệt là khi lạm phát đẩy giá thực phẩm, viễn thông và nhà ở tăng cao, song tiền không phải là động lực duy nhất khiến thanh niên tìm đến các việc làm thêm. Chiến lược gia nghề nghiệp Singapore Adrian Choo cho biết: “Rất nhiều bạn trẻ giờ đây coi công việc làm thêm gần như là một phần trong con đường sự nghiệp thực tế của mình”.

Một cuộc khảo sát gần đây do Công ty kiểm toán Deloitte thực hiện cho thấy 46% người trẻ cho biết có công việc thứ hai ngoài công việc toàn thời gian. Điều đó một phần là do họ bị cuốn vào một thị trường việc làm đầy biến động trong thời kỳ đại dịch. Nhiều chuyên gia nhận định, nhiều thanh niên đang tốt nghiệp đại học trong thời điểm rất khó khăn, vì lạm phát và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Nhiều người trong số họ đã bắt đầu làm thêm trong thời kỳ đại dịch chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt. Trong số gần 15.000 bạn trẻ tham gia khảo sát của Deloitte trên khắp 44 quốc gia, 35% bày tỏ họ lo lắng nhất về chi phí sinh hoạt, 51% số người được hỏi nói rằng họ sống không dư giả.

Bên cạnh đó, không ít người tìm thêm công việc phụ theo sở thích để thỏa say mê. Joshua Bartholomew (22 tuổi), người Malaysia, hiện làm việc ở cửa hàng nhạc cụ và công việc làm thêm là ca sĩ tự do tại các lễ hội nhỏ, quán rượu và đám cưới. “Nghề tay trái vừa là đam mê, vừa giúp tôi có thêm tiền tiêu vặt, đủ chi trả một vài hóa đơn”, Bartholomew chia sẻ. Tuy nhiên, Bartholomew thừa nhận làm thêm việc thứ hai khiến anh khá mệt mỏi, đặc biệt khi phải tự xoay xở mọi thứ như quảng bá, kiểm tra âm thanh,...

Trên thực tế, nhiều người buộc phải đánh đổi không ít thứ trong cuộc sống vì khó khăn trong việc cân bằng hai công việc. Hai cô gái người Singapore Vanessa Neo (28 tuổi) và Calvina Thenderan (27 tuổi) cảm thấy kiệt sức sau khi chung tay xây dựng công việc kinh doanh online. Cả hai phải vật lộn để cân bằng hoạt động kinh doanh với công việc chính ở văn phòng, hy sinh thời gian cho sở thích cá nhân, gia đình, bạn bè.

SCMP cho hay, nghề tay trái cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như làm việc quá sức và căng thẳng. Ngoài ra, việc làm một lúc nhiều công việc khiến thanh niên thiếu kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực cố định. Không chỉ vậy, trên thực tế, luật pháp tại một số quốc gia không cho phép một người được làm nhiều công việc khác nhau cùng lúc. “Việc các nhà tuyển dụng bổ sung điều lệ không cho phép nhân viên làm việc ở địa điểm khác là khá phổ biến. Do vậy, cần nắm rõ các điều khoản trong hợp đồng để tránh vi phạm lỗi”, Wendy Wong, luật sư tại Công ty luật Simmons & Simmons chi nhánh Hồng Công (Trung Quốc), nhấn mạnh.