Thay đổi then chốt

Bảo tồn đa dạng sinh học hoàn toàn không phải là vấn đề mới được đặt ra. Từ ngày 13/11/2008, khi Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua để bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, Việt Nam đã chính thức đặt một dấu mốc quan trọng trên hành trình thay đổi cách tiếp cận đối với "kho báu" vô giá mà thiên nhiên ưu đãi dành tặng.
0:00 / 0:00
0:00
Hành trình tham quan và trải nghiệm thiên nhiên tại Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê. Ảnh: Save Vietnam’s Wildlife.
Hành trình tham quan và trải nghiệm thiên nhiên tại Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê. Ảnh: Save Vietnam’s Wildlife.

Đến ngày 10/5/2023, khi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta đã thật sự tiến những bước rất dài trên con đường chông gai, với nhận thức chung: Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ cuộc sống của mỗi cá nhân, là yếu tố then chốt hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

"Hiệp ước hòa bình với thiên nhiên"

Ngày 19/12/2022, Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) khép lại tại Montreal (Quebec, Canada) với thỏa thuận mang tên "Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal", bao gồm bốn mục tiêu và 23 chỉ tiêu cần đạt được vào năm 2030.

Đó là kết quả của hơn bốn năm đàm phán không mấy dễ dàng, giữa 196 quốc gia tham gia Công ước của Liên hợp quốc về đa dạng sinh học, nhằm "ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên của con người và bắt đầu khôi phục lại những gì đã mất". Theo số liệu mà Liên hợp quốc công bố tại COP15, ba phần tư diện tích đất đai trên thế giới đã bị thay đổi bởi các hoạt động của con người, và hậu quả là khoảng một triệu loài đang phải đối mặt nguy cơ tuyệt chủng trong thế kỷ này. Nói cách khác, đa dạng sinh học - sự đa dạng của mọi dạng sống trên Trái đất đang bị mất đi với tốc độ đáng báo động. Các hệ sinh thái, từ rừng và sa mạc đến nước ngọt và đại dương, đang suy giảm nghiêm trọng. Điều đó đồng nghĩa, "các hệ thống hỗ trợ sự sống của hành tinh chúng ta đều đang bị đe dọa".

Chính vì vậy, nói như Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, với thỏa thuận chung đạt được ở COP15, "cuối cùng thì chúng ta (nghĩa là loài người) cũng bắt đầu thiết lập một hiệp ước hòa bình với thiên nhiên".

Cân bằng giữa môi trường và phát triển

Cần phải khẳng định: Từ rất lâu trước hội nghị toàn cầu COP15, Đảng và Nhà nước ta đã sớm "nhận diện" được các thách thức cũng như tính thiết yếu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học (mà cách hiểu đơn giản ban đầu là "bảo vệ môi trường"), từ đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường quản lý hiệu quả "kho tàng" vốn đã được khái quát hóa là "biển bạc, rừng vàng".

Nhìn lại hành trình đã qua, có thể thấy, Việt Nam là quốc gia sớm tham gia và trở thành thành viên của nhiều công ước, hiệp ước quốc tế về bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Đặc biệt, từ năm 1994, chúng ta đã chính thức tham gia Công ước Quốc tế về đa dạng sinh học.

Đặc biệt, không thể không nói tới Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường". Tiếp đó, một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các chương trình hành động đã liên tiếp được xây dựng, bồi đắp, để từ đó hình thành Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt, ngày 7/2/2022).

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đã, đang và sẽ còn phải đối diện với rất nhiều lực cản, xuất phát từ áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa nhanh, phát triển thiếu quy hoạch, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều kết cấu hạ tầng cơ sở... Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển, đúc kết: "Đối với Việt Nam, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nhiều nhất do chúng ta bỏ qua các giá trị môi trường để đạt được mục tiêu phát triển".

Đã có những bài học đắt giá xảy ra trong thực tế, về tình trạng mất cân bằng giữa môi trường và phát triển. Đơn cử, năm 2019, tại địa bàn các xã vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) - một địa chỉ chứa đựng nhiều giá trị di sản địa chất được xếp hạng cấp quốc gia, quốc tế - đã bị xâm hại nghiêm trọng bởi hoạt động khai thác đá vôi (làm vật liệu xây dựng) trái phép. Một thí dụ khác: trong những năm 2021-2022, quá trình di dời rừng thông lâu năm theo dự án sân golf Đăk Đoa (huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai), do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, đã khiến hàng nghìn cây thông bị "bức tử". Cả một vùng cảnh quan, sinh quyển vô giá trở nên xơ xác, chỉ còn là một kiểu "nghĩa địa thông". Bên cạnh đó, "Đồi cỏ hồng" nổi tiếng cũng đã không còn tồn tại.

Cốt lõi là nhận thức

Điều đáng mừng là hôm nay, sau khi trải qua không ít tổn hại, Việt Nam vẫn có thể tự hào "được thế giới công nhận là quốc gia có đa dạng sinh học cao, nhiều giống loài mang tính đặc hữu", như Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, chính tính chất đa dạng ấy lại là một lợi thế, một nền tảng quan trọng để Việt Nam phát triển. Đây không chỉ còn là câu chuyện thuần túy về nguồn lương thực-thực phẩm cung ứng cho 100 triệu người dân Việt Nam, cũng không chỉ là vấn đề về lợi nhuận từ các dòng sản phẩm thương mại xuất khẩu. Đây còn là yếu tố then chốt mang lại các giá trị từ du lịch-dịch vụ trong kỷ nguyên thế giới phẳng, mà qua đó, hình ảnh Việt Nam cũng sẽ dễ dàng được quảng bá sâu rộng, nhằm nâng cao vị thế đất nước, bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Khai thác lợi ích kinh tế từ chính thế mạnh đa dạng sinh học, và gắn liền lợi ích ấy của cá nhân mỗi người dân với lợi ích chung của toàn quốc gia, chính là sự thay đổi then chốt được thể hiện trong các chương trình hành động của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Đơn cử, như Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà nêu thí dụ: "Xem xét việc làm đường nối từ Bình Phước đến Vũng Tàu đi qua khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, sau khi nghe khuyến cáo của các nhà khoa học và nhà nghiên cứu trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã quyết định làm đường vòng. Thay vì tiết kiệm 60km đường, chúng ta vẫn giữ được lá phổi của vùng Đông Nam Bộ"…

Và sâu xa hơn, khi xác định "mặt bằng dân trí" là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề gây tổn hại cho môi trường cũng như đa dạng sinh học, việc tác động nhằm thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, cũng như sớm giáo dục về tầm quan trọng của đa dạng sinh học cho các thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước, trở thành yếu tố mang tính then chốt, bên cạnh tiến trình "luật hóa" công tác bảo vệ đa dạng sinh học.

Chỉ khi bắt đầu từ thay đổi nhận thức một cách sâu rộng, chúng ta mới có thể tự tin đặt mục tiêu: "Đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gene quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thật sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước", như đã nêu trong Chiến lược quốc gia.