Thay đổi để bứt phá

Kể từ lần đăng cai SEA Games 2003 với vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng, thể thao Việt Nam đã chính thức trở thành "thế lực" hàng đầu trong khu vực. SEA Games cũng ngày càng đóng vai trò nền tảng quan trọng, cho những giấc mơ chinh phục các "chân trời" Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và Thế vận hội (Olympic), dù còn nhiều phần việc phải kiện toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Hai nữ kỳ thủ Hồng Ân (trái) và Phương Thảo giành huy chương vàng ở bộ môn cờ ốc.
Hai nữ kỳ thủ Hồng Ân (trái) và Phương Thảo giành huy chương vàng ở bộ môn cờ ốc.

Trong 17 kỳ SEA Games kể từ khi hội nhập trở lại (năm 1989), có hai cột mốc mang tính bước ngoặt cho thể thao Việt Nam. Đầu tiên là kỳ SEA Games năm 2003, khi nước ta lần đầu đăng cai thành công, đồng thời giành ngôi vị nhất toàn đoàn. Đây là thành quả của quá trình dài liên tục suốt bảy năm tích cực triển khai "Chương trình mục tiêu quốc gia". Chúng ta đã hình thành nên hệ thống đào tạo bài bản của khoảng 40 môn, cùng phong trào phát triển rộng khắp trên cả nước.

Sau đó, kỳ SEA Games năm 2015 đánh dấu bước chuyển biến vượt bậc về chất của thể thao Việt Nam. 85% tổng số huy chương vàng chúng ta giành được thuộc về các bộ môn Olympic. Trong đó, điền kinh và bơi đạt lần lượt 11 và 10 huy chương vàng. Đặc biệt, màn trình diễn siêu hạng của Ánh Viên với tám huy chương vàng kèm theo tám kỷ lục không chỉ tạo nên cơn "địa chấn" tại Đại hội, mà còn mang tới nguồn cảm hứng, đủ sức thay đổi nhận thức về cách làm mới cho nền thể thao thông qua quá trình nâng tầm ngay từ SEA Games.

Thế rồi, hành trình của thể thao Việt Nam được kết đọng ở chính kỳ Đại hội vừa qua trên sân nhà, nơi chúng ta giành ngôi nhất toàn đoàn với kỷ lục 205 huy chương vàng, cùng sự vượt trội về số môn có thành tích đứng đầu, số huy chương vàng ở nhóm môn Olympic.

Nguyên Vụ trưởng Thể thao Thành tích cao Nguyễn Hồng Minh khẳng định: "Giờ đây, thể thao Việt Nam đã vượt qua được nỗi ám ảnh thành tích đè nặng, cùng nếp quen đầu tư dàn trải, để chuyển sang tập trung cao cho các môn Olympic và những vận động viên xuất sắc".

Chính việc điều chỉnh mục tiêu, cách thức chuẩn bị và dự tranh ở mỗi kỳ SEA Games đã giúp thể thao Việt Nam có những bước đột phá về cả nền tảng và mũi nhọn. Trong đó, tiêu biểu là sự chuyển hướng rõ rệt cho các môn Olympic và ASIAD, có sự phân cấp và liên thông đào tạo giữa các đấu trường. Theo Phó Tổng Cục trưởng Thể dục-Thể thao Trần Đức Phấn, ngã rẽ quan trọng bắt đầu từ sau kỳ Đại hội năm 2015.

Khoảng 15-17 môn với khoảng 60-80 tuyển thủ có năng lực và sự phù hợp cho đích nhắm vươn cao đã được quy hoạch tranh chấp huy chương ASIAD và tham dự Olympic. Các vận động viên trọng điểm được tuyển chọn, tổ chức tập huấn và đào tạo theo cách hoàn toàn khác biệt. Các đội tuyển quốc gia đã có những chuyến tập huấn ở những trung tâm thể thao lớn, được tham dự tối đa các giải đấu quốc tế. Đơn cử, "kình ngư" Ánh Viên từng được tập huấn dài hạn tại Mỹ. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cùng một số vận động viên khác cũng đã được cọ xát thường xuyên với các tên tuổi tầm cỡ thế giới. Ngành thể thao cũng đề xuất để Nhà nước có chế độ ưu tiên riêng cho các gương mặt xuất sắc với mức tiền ăn, tiền công tập luyện mỗi ngày đạt 900 nghìn đồng.

Từ đó, mặt bằng chung trình độ cùng khả năng cạnh tranh tầm cao của thể thao Việt Nam đã được nâng lên, để rồi tạo nên những "trái ngọt". Như ở đấu trường ASIAD, thể thao Việt Nam phát triển cả về lượng lẫn chất với 30-35 huy chương ở hai kỳ Đại hội gần đây. Trong đó, hơn 10 huy chương bạc thuộc về các bộ môn Olympic (như điền kinh, bơi, bắn súng, canoeing, rowing). Đặc biệt, vận động viên nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đã giành tấm huy chương vàng lịch sử ở môn điền kinh tại kỳ ASIAD năm 2018.

Với Olympic, từ chỗ số lượng vận động viên và số môn dự tranh chỉ đếm trên đầu ngón tay (lại chỉ theo diện suất mời hay đặc cách), Việt Nam đã có 15-20 gương mặt (ở những bộ môn cơ bản hàng đầu như điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ, đấu kiếm…) đoạt suất chính thức. Thậm chí, bắn súng và nhất là cử tạ đã có nhiều gương mặt có khả năng tranh chấp sòng phẳng tại các giải đấu tầm cỡ thế giới, như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành tấm huy chương vàng lịch sử tại Olympic 2016, kèm theo một tấm huy chương bạc.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải nhìn nhận thực tế: Chương trình thi đấu ở các kỳ SEA Games vẫn mang tính dàn trải, thời vụ, gắn với mặt bằng chung trình độ còn tương đối thấp. Do đó, nguồn lực vốn hạn chế của ngành thể thao Việt Nam tất yếu cũng bị phân tán.

Việt Nam luôn nằm trong Top 3 những kỳ SEA Games gần đây, song mới chỉ đứng hạng 17 tại kỳ ASIAD năm 2018 với bốn huy chương vàng, và không giành được bất kỳ huy chương nào ở Olympic 2020. Bởi thế, như khẳng định của Tổng cục trưởng Thể dục-Thể thao Đặng Hà Việt: Muốn đột phá, thể thao Việt Nam phải khẩn trương và quyết liệt thực hiện một số yêu cầu căn bản.

Thứ nhất, phải tiếp tục thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận với SEA Games. Không chạy theo số đầu môn hay nội dung của chương trình thi đấu, mà chúng ta phải tập trung tối đa cho các môn Olympic và ASIAD. Ưu tiên SEA Games như sân chơi dành cho thế hệ trẻ để học hỏi, cọ xát và nâng cao trình độ.

Thứ hai, phân cấp rõ ràng giữa các đấu trường, nhóm môn và nhóm vận động viên để đầu tư liên thông sao cho phù hợp, hiệu quả. Sau khi tuyển chọn khoảng 100-200 tài năng trẻ hội đủ các yếu tố, chúng ta cần xây dựng chi tiết chương trình tập huấn quốc tế, lên phương án mời đội ngũ chuyên gia huấn luyện nước ngoài hàng đầu, áp dụng định mức đặc thù về dinh dưỡng, dược phẩm, đãi ngộ, bên cạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị dụng cụ hiện đại đạt chuẩn quốc tế. Với nền móng ấy, ngành thể thao sẽ chọn lọc để tập trung đầu tư trọng điểm cho khoảng 30-50 gương mặt, với mục tiêu giành huy chương vàng tại ASIAD và hướng tới cạnh tranh huy chương ở sân chơi Olympic.

Những nội dung trọng yếu này đã được thể hiện trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục-Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trước khi trình Chính phủ xem xét phê duyệt. Ngoài ra, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á mới đây cũng đi đến thống nhất: Phải đổi mới căn bản chương trình thi đấu, vốn luôn là rào cản lớn nhất khiến các kỳ SEA Games rơi vào sự lạc hậu cùng vòng luẩn quẩn kéo dài. Theo đó, kể từ kỳ Đại hội lần thứ 33, SEA Games sẽ có một chương trình thi đấu "cứng" ổn định giống như Olympic và ASIAD, và nước chủ nhà không thể tùy tiện thêm bớt, cắt giảm nhiều môn, nội dung như hiện tại.

Từ "bệ phóng" này, chắc chắn, những giấc mơ chinh phục sẽ dễ dàng chạm tới các chân trời cao rộng hơn.

Dự thảo Chiến lược phát triển Thể dục-Thể thao đến năm 2030, tầm nhìn 2045, sẽ phân cấp các bộ môn thành ba nhóm chính:

- Nhóm 1 (hướng tới đấu trường Olympic): bắn súng, bắn cung, cử tạ (hạng cân nhỏ), bóng đá, điền kinh (một số nội dung nữ), bơi (một số nội dung), boxing (hạng cân nhỏ).

- Nhóm 2 (chuẩn bị cho ASIAD): judo, karate, taekwondo, thể dục dụng cụ, vật, đấu kiếm, rowing, wushu, cầu lông, kurash, cờ vua, xe đạp (nữ).

- Nhóm 3 (các môn đầu tư cho SEA Games và Đại hội thể thao trẻ...): nhảy cầu, bóng bàn, bóng chuyền, canoeing, golf, bowling, bóng rổ, quần vợt, bi sắt, pencak silat, jujitsu, vovinam, khiêu vũ thể thao, aerobic, cờ tướng, billiards & snooker, bóng ném, cầu mây, kickboxing và các môn thể thao khác.