Tạo dấu ấn từ chuỗi giá trị

Nhiều mô hình doanh nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ kết hợp giữa việc tạo lợi nhuận song hành với đóng góp vào giảm đói nghèo và phát triển bền vững. Người dân bản địa cảm nhận được giá trị của mình trong chuỗi liên kết mang đến giá trị cho các bên.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ tham gia chuỗi giá trị, người nông dân trồng, khai thác tre đã tăng đáng kể thu nhập. Nguồn: OXFAM
Nhờ tham gia chuỗi giá trị, người nông dân trồng, khai thác tre đã tăng đáng kể thu nhập. Nguồn: OXFAM

Gia tăng thu nhập cho nông dân

Là một trong những doanh nghiệp xây dựng được mô hình kinh doanh bao trùm thành công, nhiều năm qua, Traphaco Sapa tạo nên mô hình liên kết bốn nhà bao gồm: nhà nước (chính quyền) - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, tận dụng nguồn lực, khả năng, tri thức cho phát triển những vùng dược liệu sạch chuẩn quốc tế GACP-WHO và góp phần tạo sinh kế cho người dân tộc thiểu số tại Lào Cai.

Điểm mạnh mô hình liên kết này đã giúp các hộ dân tộc thiểu số tăng thu nhập lên gấp ba đến năm lần so canh tác truyền thống. Thông qua việc hỗ trợ các cộng đồng dân tộc thiểu số nghèo ở tỉnh Lào Cai trồng cây Atiso, Traphaco Sapa có được nguồn nguyên liệu từ hơn 100ha tại thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và Bát Xát. Doanh nghiệp chủ trương ký kết, đào tạo với người dân bản địa nhận trồng và chăm sóc cây dược liệu theo đúng quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Kết quả, tháng 10/2019, UBND tỉnh Lào Cai đã công nhận một số sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP từ ba đến bốn sao như: Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà giảo cổ lam Sa Pa; Trà dây leo Sa Pa; Cao mềm Atiso Sa Pa; Cao phun sương Atiso Sa Pa; Chocolate detox. Đây không chỉ là những sản phẩm bổ trợ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn là minh chứng cho chủ trương chế biến sâu dược liệu đã góp phần quan trọng để nâng cao giá trị nông sản.

Ông Đỗ Tiến Sỹ-Giám đốc Traphaco Sapa cho biết: Điều quan trọng là khi đồng hành cùng doanh nghiệp, bà con các dân tộc bản địa thay đổi tư duy làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đã có hơn 300 hộ nông dân được kết nối và dự kiến sẽ tăng lên hơn 500 hộ vào năm 2023 thông qua việc cung cấp cho nông dân giống, dịch vụ tư vấn đào tạo, thu mua nông sản cao hơn 30% giá thị trường. Trong thời gian tới, Traphaco Sapa sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh thảo dược trong cộng đồng bà con dân tộc ít người kết hợp với phát triển du lịch.

Bước chuyển trong tư duy làm kinh tế

Tại Việt Nam, xu hướng kinh doanh bao trùm đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây. Bên cạnh Traphaco, còn có những doanh nghiệp tiêu biểu khác cũng đang triển khai rất tốt các mô hình sản xuất xanh sạch, đưa yếu tố tuần hoàn vào sâu trong chuỗi sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng yếm thế.

Đáng chú ý, Dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre tại Việt Nam (SCBV) đã quy tụ 63 doanh nghiệp tham gia cải thiện sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng tạo ra 4.000 việc làm mới. Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam cho biết: Dự án SCBV trị giá 4,3 triệu euro, do Liên minh châu Âu hỗ trợ triển khai ở năm tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh và Bến Tre từ năm 2018-2023. "Dự án góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở các vùng nông thôn của Việt Nam thông qua hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ nâng cao thu nhập và vị thế của họ; hỗ trợ các nhà sản xuất và chế biến nghêu và tre áp dụng cách thực hành sản xuất bền vững, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tiếp cận thị trường; thúc đẩy hợp tác công tư trong quản trị chuỗi công bằng và trách nhiệm", bà Hoa nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Dự án vào năm 2018, khoảng 1,5 triệu người sản xuất quy mô nhỏ tại Việt Nam có nguồn thu nhập từ sản xuất, chế biến nghêu và tre. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Vùng nguyên liệu tre bị nghèo kiệt do thoái hóa, khai thác quá mức và thiếu chăm sóc. Các bãi nghêu tại ba tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và Bến Tre đang bị thu hẹp và có xu hướng phân bố xa bờ hơn. Các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quy mô, công nghệ, khả năng thu mua nguyên liệu và thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Cấu trúc của chuỗi giá trị ngành nghêu và ngành tre dài, phức tạp trong khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất nghiêm ngặt, chưa tiếp cận được nhiều thị trường, mặc dù thị trường châu Âu và châu Á có nhu cầu cao về tiêu dùng các sản phẩm này. Từ đó, dự án đã tiếp cận cộng đồng nông dân và doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững và đầu tư có trách nhiệm. Kết quả dự án đến hết năm 2022, đã có 34.278 người có thu nhập nâng cao từ sản xuất tre và nghêu.

Phía doanh nghiệp tham gia, ông Thái Đại Phong, Giám đốc Công ty Đức Phong cho biết, sau khi tham gia dự án, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang kinh doanh bao trùm, đồng hành cùng bà con nông dân trồng tre. Thông qua Dự án, công ty đã ký kết hợp đồng thu mua tre nguyên liệu dài hạn với giá cao hơn, giúp bảo đảm vùng nguyên liệu ổn định, với chất lượng cao và đồng nhất, đồng thời tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy kinh doanh bền vững, cần có những giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính, huy động vốn đầu tư, xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, kế hoạch kinh doanh bền vững, truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… Bên cạnh thúc đẩy các giải pháp phát triển mô hình kinh doanh bao trùm, cần hoàn thiện khung pháp lý, các chính sách hỗ trợ, ban hành quy chế mẫu về văn hóa doanh nghiệp, bộ quy tắc mẫu giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt quyền tự do kinh doanh.