Xác định công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch tỉnh nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định đường hướng phát triển, trong quá trình xây dựng các quy hoạch, tỉnh Khánh Hòa tập trung nhận diện những điểm nghẽn, những thách thức để có giải pháp khơi thông nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển bền vững, phù hợp với xu thế mới.
Khát vọng vươn tầm
Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh khẳng định, quy hoạch là cơ hội đánh giá tiềm năng, thế mạnh cũng như điểm nghẽn, thách thức trong phát triển của địa phương. Từ nhận thức đó, căn cứ vào Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Khánh Hòa đã tổ chức xây dựng các quy hoạch, trong đó quan trọng nhất là quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hiện thực hóa mục tiêu được Bộ Chính trị đề ra, đặc biệt là mục tiêu được nêu tại Nghị quyết số 09-NQ/TW.
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TW, đến năm 2030, Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Báo cáo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra quan điểm phát triển bảo đảm tính khả thi và phát triển lâu dài, tạo nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo; bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa các thành phần kinh tế và bảo vệ nền kinh tế khỏi các tác động toàn cầu bất lợi trong tương lai, tập trung vào đổi mới và đa dạng hóa; bảo đảm chuẩn bị sẵn sàng ứng phó biến đổi khí hậu, tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tầm nhìn của Khánh Hòa đến năm 2050 có thể được định hình phát triển bởi ba trụ cột chính gồm dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Quy hoạch Khánh Hòa đưa ra bốn phân vùng quy hoạch chính với những thế mạnh và đặc điểm riêng, bổ trợ nhau, bao gồm: Khu kinh tế Vân Phong, là khu vực chưa phát triển, tiềm năng chưa được khai thác; vùng trọng điểm gồm thành phố Nha Trang, phía nam Ninh Hòa và huyện Diên Khánh là khu vực đô thị và điểm nóng phát triển du lịch và dịch vụ lâu năm; vùng phía nam gồm thành phố Cam Ranh và đô thị Cam Lâm là trung tâm quốc phòng và logistics địa phương; vùng phía tây gồm khu vực nội địa và miền núi - khu vực nông thôn cách biệt và đất chủ yếu là nông nghiệp thuộc các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và phía tây thị xã Ninh Hòa.
Quy hoạch thể hiện khát vọng đến năm 2050, Khánh Hòa trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho biết, mức tăng tốc GRDP đột biến của năm 2022 đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của Khánh Hòa. Tiềm năng, lợi thế phát triển Khánh Hòa không chỉ to lớn, đặc biệt, mà quan trọng hơn, thể hiện ở tính đặc sắc và đẳng cấp. Thực hiện quy hoạch trên các tuyến và các cấp, Khánh Hòa nhận diện lại tiềm năng và lợi thế phát triển, xác định rõ "điều kiện cần và đủ" bảo đảm chuyển hóa "lợi thế so sánh" thành "lợi thế cạnh tranh", trên cơ sở đó, hiện thực hóa tiềm năng-lợi thế thành lợi ích phát triển.
Còn nhiều việc phải làm
Tại phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Khánh Hòa, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiên cứu tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp; bổ sung và làm rõ một số nội dung về quy trình lập quy hoạch; làm rõ hơn việc tích hợp theo quy định của Luật Quy hoạch; phân tích kỹ hơn các điểm nghẽn, các vấn đề có tính chất đột phá, bứt phá nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế; đặc biệt, lưu ý về cơ cấu ngành kinh tế, về thu hút nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược, tạo hiệu ứng lan tỏa; xác định rõ khâu đột phá, trụ cột, động lực mới cho tăng trưởng; lựa chọn các ngành, rà soát phù hợp với quy hoạch cấp trên và luận cứ của thứ tự ưu tiên…
Ngày 10/3/2023 Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa thảo luận, biểu quyết thông qua Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với 10 nội dung chính. Bên cạnh xác định phạm vi, ranh giới quy hoạch; quan điểm, mục tiêu và các nội dung đột phá phát triển; phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng; phát triển hệ thống đô thị, tổ chức lãnh thổ nông thôn và khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển không gian lãnh thổ; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu, các đại biểu bổ sung nhiều nội dung về phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai; danh mục các dự án ưu tiên và các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện.
Hiện tỉnh Khánh Hòa cùng các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện các bước hoàn thiện Quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thời gian qua, song song việc lập Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã khẩn trương triển khai lập các quy hoạch chung xây dựng tại các địa phương trên địa bàn, bao gồm:
Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040, xác định Nha Trang là đô thị du lịch biển quốc gia và quốc tế; là trung tâm hành chính-chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh; là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ-Tây Nguyên; là trung tâm du lịch, thương mại-tài chính, dịch vụ hàng hải của vùng Nam Trung Bộ và cả nước;
Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao;
Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045, định hướng Cam Lâm là đô thị sân bay tầm quốc tế, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cấp quốc gia và là hạt nhân phát triển của khu vực, thế giới.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân, do khối lượng công việc quá lớn, để có thể hoàn thành việc lập các quy hoạch đúng tiến độ, tỉnh Khánh Hòa đã chủ động cách làm nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tỉnh đã đề nghị Bộ Xây dựng thành lập tổ công tác, trao đổi trực tiếp, giải quyết nhanh công việc; cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn sớm hoàn thành các quy hoạch.
Các quy hoạch nêu trên được phê duyệt là cơ sở, tiền đề quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa được Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 09-NQ/TW.