1 Chị Hùy đãi chúng tôi món bánh đa cua Hải Phòng lừng danh. Bát bánh đa có đầy đủ mọi loại nguyên liệu như ở quê nhà: rau muống đã chẻ ngọn, chả lá lốt, gạch cua, tôm, hành phi khô, tóp mỡ.
"Ăn đi không sang bên kia không có mà ăn", thỉnh thoảng gia đình và bạn bè vẫn đùa tôi như vậy, khi thết đãi mỗi lần tôi về Việt Nam chơi. Nhìn bát bánh đa chị Hùy nấu, tôi phì cười nhớ về câu nói đùa kia. Chỉ cần có người thì sẽ có hương vị quê hương, tôi vẫn tin chắc như vậy. Ấy là chưa kể chị Hùy nấu còn ngon hơn cả những tiệm bánh đa cua tôi đã ăn ở Hải Phòng quê mình.
Đợt ấy tôi đang đi lang thang dọc từ Bồ Đào Nha tới vùng Tuscany (Italy), quay lại Berlin vài ngày ngắn ngủi rồi lại tới Thụy Điển. Trước khi đến nhà chị Hùy chiều đó, chúng tôi đi hiking tận khu bảo tồn thiên nhiên Kullabergs, Möller. Tính ra, cả một hành trình dài hai tháng bắt đầu từ món Cataplana de Marisco đặc sản vùng Algarve của Bồ Đào Nha, cho tới món mì mực đen ở Venice, hay thịt lợn rừng hầm rượu vang vùng Tuscany rồi trở lại món tôm ướp lạnh ăn cùng bánh mì kiểu Thụy Điển, để kết thúc bằng bát bánh đa cua Hải Phòng. Hóa ra, đi cả một vòng như vậy, rồi cái duyên vẫn đưa đẩy trở về với hương vị quê hương.
Tác giả, tại Bắc Cực. |
2 Thật ra, từ lâu nay, tôi đã không còn nhớ đồ ăn Việt Nam. Không phải vì tôi cũng vẫn nấu ở nhà cho gia đình, hay vì Berlin có rất nhiều nhà hàng Việt. Mà bởi, nhịp sống với những chuyến đi liên tục rải rác cả năm đến những mảnh đất khác nhau đã tạo cho tôi thói quen thưởng thức và tận hưởng ẩm thực ở mọi nơi.
Ngày mới sang châu Âu thì khác, như rất nhiều người Việt, tôi không nuốt nổi "đồ Tây". Nhớ lần đầu đi Áo, tôi còn mang cả gạo với cái nồi cơm điện nhỏ để tự nấu trong khách sạn. Đi du lịch gì mà stress nặng về chuyện ăn uống! Nhưng có vẻ, nhờ thời gian, và tất nhiên là với một sự cởi mở hơn về tư tưởng, nhằm vượt thoát khỏi những rào cản cố hữu, tôi đã thay đổi khẩu vị lúc nào không hay. Chỉ khi đã đạt đến cái nấc đó, nghĩa là ăn đồ ở nước nào cũng thấy ngon, tôi mới hiểu ra rằng dường như, mọi thứ đều chỉ là thói quen và "chấp niệm".
Dù vậy, bát bánh đa của chị Hùy vẫn có thể khiến tôi nhìn thấy là rưng rưng, trong tâm khảm. Rất nhiều ký ức nằm gối nhau trong đó, từ những buổi chiều đi học về, được bố chở đi ăn bánh đa cua, "bát nhiều nhân nhiều rau". Sau này, bà con các địa phương lân cận bắt đầu lan truyền về Hải Phòng foodtour, bát bánh đa cua truyền thống lại càng trở nên phổ biến hơn, trở thành đề tài "nóng hổi". Song, sự quen thuộc cố hữu đến từ một thời thiếu thốn vẫn khiến ta đau đáu hoài niệm.
Thế nên, hoàng hôn ấy, ngồi giữa băng tuyết Bắc Âu xa xôi, hương vị quê nhà như nâng tôi lên, đặt tôi vào một chuyến tàu hoài cảm.
3 Sẽ là to tát quá, nếu gắn nó vào khái niệm "tinh thần dân tộc". Tôi nghĩ, đầu tiên, đó chỉ đơn giản là sức mạnh của ký ức. Suy cho cùng, có đi xa đến đâu, thì cái căn cước định danh nguồn cội là thứ mà ta sẽ không thể từ bỏ, vì nó chảy từ huyết quản mà ra, sau khi hình thành từ những ký ức sâu đậm của một thời quá vãng.
Trở thành công dân toàn cầu là hành trình đi, va đập, gặp những con người mới ở những miền đất khác, chủng tộc khác và cùng nhau tạo ra những kỷ niệm khác dưới dạng thức mới mẻ hơn. Nhưng thật ra, với tôi, 10 năm rời khỏi Việt Nam là hành trình mở rộng chính tâm trí mình, không phải để "đao to búa lớn" về chủ nghĩa xê dịch hay những gì tương tự, mà chỉ đơn giản để học nhiều hơn về mình. Và đi một vòng, tôi nhận ra: Cái gốc của danh tính sẽ luôn nằm ở đó, ở bát bánh đa cua, ở phương ngữ Hải Phòng chưa từng đổi… (dù tôi ít khi phải dùng đến hay để ý tới cái danh tính này quá nhiều, khi sống ở nước ngoài).
Vậy nên, quá trình này diễn ra rất tự nhiên. Tôi sống với phong cách Berlin, nơi cởi mở chấp nhận nhiều khác biệt văn hóa, giới tính, ngoại hình bậc nhất thế giới nhưng vì trầm tích trong tôi là người Việt Nam (cụ thể hơn, là người Hải Phòng) nên khi tiếp xúc đủ sâu, những bạn bè quốc tế vẫn cảm nhận tôi với nhiều nét mà quá khứ đã tạo ra, chân thật nhất. Tôi sống với những người da trắng cũng tự nhiên như cách tôi sống với những anh em ở ngõ nhà mình 20 năm trước.
Tôi là một giọt nước lăn vào châu Âu, hòa tan vào Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, lăn mãi, nhưng cuối cùng, tôi biết tôi sẽ luôn là tôi…