Tan bao giấc mơ

Truyền thông nước Anh đồng loạt đưa tin, tỷ phú Qatar Sheikh Jassim bin Hamad Al Thani đã từ bỏ thương vụ mua Man United, cùng lúc, Sir Jim Ratcliffe đạt thỏa thuận sở hữu 25% cổ phần CLB này. Như vậy, giấc mơ đổi chủ, tiền đề cho cuộc đại cải tổ đội bóng của hàng triệu CĐV “Quỷ đỏ” chính thức tan vỡ.
0:00 / 0:00
0:00
Dù nhiều cổ động viên phản đối nhưng nhà Glazer kiên quyết không bán CLB.
Dù nhiều cổ động viên phản đối nhưng nhà Glazer kiên quyết không bán CLB.

Giấc mơ ấy đã được nhen nhóm từ tháng 11 năm ngoái, thời điểm nhà Glazer rao bán Man United. Bao viễn cảnh đẹp được vẽ ra khi tỷ phú Qatar tuyên bố muốn sở hữu 100% cổ phần CLB, cùng cam kết sẽ trả hết khoản nợ, mạnh tay đầu tư cho cơ sở hạ tầng và chiến lược đưa đội bóng trở lại vị thế huy hoàng xưa cũ.

Hồi mùa hè, tưởng như thương vụ sẽ được xúc tiến khi phía Qatar nâng mức giá đàm phán từ 4,5 tỷ bảng lên 5,5 tỷ bảng. Nhưng không, đáp lại chỉ là cái lắc đầu của nhà Glazer, những người “hét giá” United tới 6,4 tỷ bảng (gấp hai lần giá trị ước tính của CLB). Vào mùa giải mới, làn sóng phản đối nhà Glazer dâng cao, trong khi “Quỷ đỏ” tiếp tục thi đấu thất vọng với những thành tích bết bát.

Cách đây ít ngày, việc David Beckham (người được cho là sẽ được chọn làm đại sứ hình ảnh của United nếu phía Qatar mua thành công CLB) lên tiếng “đội bóng cần sự thay đổi”, nhiều CĐV lại khấp khởi mừng. Tuy nhiên, đến hôm nay, mọi hy vọng đã sụp đổ. United vẫn nằm trong tay nhà Glazer và chuyện Sir Jim Ratcliffe chi 1,5 tỷ bảng để sở hữu 25% cổ phần không có bất cứ ý nghĩa nào với tham vọng chấn hưng CLB.

Thực tế đã chứng minh, nhà Glazer chỉ coi United như “con gà đẻ trứng vàng”. Họ có thể không tiếc tiền chiêu mộ cầu thủ để bảo vệ thương hiệu lớn của CLB, nhưng bỏ bê cơ sở vật chất và cũng chẳng quan tâm đến việc vận hành hệ thống bóng đá. Những chuyện đã được kiểm chứng như sân tập nghèo nàn, xuống cấp, sân Old Trafford dột mái, không đủ tiêu chuẩn để được chọn tổ chức EURO 2028 cho thấy United đã bị các CLB lớn khác bỏ lại rất xa.

Không chỉ thế, từ sau thời Sir Alex Ferguson, bộ máy thượng tầng của United vô cùng xộc xệch. Những vị trí chủ chốt như Giám đốc điều hành, Giám đốc kỹ thuật, Trưởng bộ phận tuyển trạch, bộ phận đào tạo trẻ… đều hoạt động không hiệu quả, do thiếu sự sâu sát từ các chủ sở hữu người Mỹ.

Tóm lại, nhà Glazer dường như chưa bao giờ thật tâm muốn từ bỏ quyền sở hữu United. Chừng nào Old Trafford vẫn kín chỗ mỗi cuối tuần, giá cổ phiếu vẫn cao, hoạt động kinh doanh vẫn làm ăn phát đạt, “Quỷ đỏ” với họ vẫn là mỏ vàng để khai thác đến cạn kiệt.

Với tình cảnh hiện tại, đừng hy vọng quá nhiều vào những con người cụ thể như HLV Erik Ten Hag. United đã “dột từ mái” quá lâu và hầu như không có cách nào lấy lại hào quang quá khứ trong tương lai gần.