Sức hút mới của nghệ thuật châu Phi

Những năm gần đây, số lượng phòng tranh của các nhà sưu tầm châu Phi đang ngày một tăng. Nhiều nghệ sĩ từng rời châu Phi để theo đuổi thế giới nghệ thuật phương Tây giờ đây cũng đã quay lại với nền nghệ thuật quê nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Daudi Karungi điều hành Phòng trưng bày Afriart ở Uganda. Ảnh: AFRIART
Daudi Karungi điều hành Phòng trưng bày Afriart ở Uganda. Ảnh: AFRIART

Theo The National, nhiều hội chợ nghệ thuật châu Phi đã tổ chức trong khu vực, giúp nhiều nghệ sĩ và phòng tranh vươn ra quy mô quốc tế, trong đó có hội chợ Art Joburg lần đầu ra mắt vào năm 2008, Investec Cape Town Art Fair (2012) hay ART X Lagos (2016). Đáng chú ý nhất phải kể đến hội chợ nghệ thuật châu Phi đương đại 1-54, nơi trưng bày các tác phẩm triển lãm của người châu Phi trong nước và hải ngoại, được tổ chức lần đầu vào năm 2013 tại London (Anh), từ đó mở rộng phạm vi sang Paris (Pháp) và Marrakesh (Morocco).

Bà Touria El Glaoui, Giám đốc sáng lập hội chợ 1-54 cho biết, trước kia, nhiều khách hàng thường trực tiếp mua tranh của những nghệ sĩ có mối quan hệ cá nhân với họ. Giờ đây, các nhà sưu tầm đã nhận thức được rằng, các phòng trưng bày đại diện tại các hội chợ nghệ thuật không chỉ mang lại lợi nhuận cho họ mà còn giúp các tác phẩm trở thành một phần của thị trường nghệ thuật quốc tế. Bà El Glaoui chia sẻ thêm rằng, sau đại dịch Covid-19, đã có một bước chuyển biến tích cực đối với nền nghệ thuật châu Phi. Thậm chí, nhiều người cho rằng số lượng tác phẩm đã không đủ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Phòng tranh Gallery 1957 hiện đã có ba cơ sở ở thành phố Accra (Ghana) và một cơ sở ở quận Kensington của London. Galerie Cecile Fakhoury, được khánh thành vào năm 2012 ở thành phố Abidjan (Bờ Biển Ngà), nay đã mở rộng quy mô sang Dakar (Senegal) và Paris. Giá trị những bức tranh của Amoako Boafo - nghệ sĩ thị giác người Ghana, đã tăng hàng trăm lần sau khi chúng được trưng bày tại bảo tàng Rubell của Mỹ. Từ một nghệ sĩ không mấy tiếng tăm, Boafo giờ đã đứng chung hàng ngũ với Paris Hilton, Joan Smalls và Karolina Kurkova. Năm 2021, bức tranh “Hands Up” đã xác lập kỷ lục khi được trả 3,3 triệu USD tại nhà đấu giá Christie’s ở Hong Kong (Trung Quốc).

Daudi Karungi, người sáng lập phòng tranh Afriart (Uganda) cho rằng, những nghệ sĩ thành công như Boafo có thể truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ phát triển sự nghiệp ngay tại quê hương. Điều này cũng giúp ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”, khi nhiều nghệ sĩ tài năng cho rằng chỉ khi đặt chân đến những trung tâm nghệ thuật của thế giới như London, New York (Mỹ) hay Berlin (Đức) thì mới có sự nghiệp thành công.

Nhiều nghệ sĩ thành danh trên thị trường quốc tế đã quay về để hỗ trợ thiết lập và mở rộng cơ sở cho các nước Tây Phi. Boafo đã thành lập một khu phức hợp studio ở Accra. Ibrahim Mahama, một nghệ sĩ sắp đặt, đã thành lập ba không gian nghệ thuật bao gồm Trung tâm Nghệ thuật đương đại Savannah, studio Red Clay và Nkrumah Volini tại quê nhà Tamale của anh ở phía bắc Ghana. Tại Senegal, nghệ sĩ người Mỹ da mầu Kehinde Wiley đã vẽ chân dung cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, tổ chức chương trình nghệ sĩ lưu trú Black Rock, quy tụ các nghệ sĩ quốc tế làm việc tại Dakar trong vòng từ một đến ba tháng.

Bên cạnh các hoạt động thương mại, nhiều phòng tranh cũng tổ chức những hoạt động phi lợi nhuận như thành lập các khu lưu trú cho nghệ sĩ nước ngoài hay phát hành tạp chí nghệ thuật. Gallery MAM (Cameroon) đã thành lập quỹ Foundation MAM có trụ sở tại một trang trại hữu cơ, đồng thời là nơi ở của các nghệ sĩ. Giải thưởng nghệ thuật Yaa Asantewaa cũng được sáng lập nhằm tôn vinh những nữ nghệ sĩ người Ghana.

Karungi khẳng định, đã có nhiều tài năng, nhiều sự thúc đẩy được khai phá song song với những mặc cảm về chủng tộc, nghèo đói và xung đột thuộc địa. Anh cũng ví sự khởi đầu cho hành trình tiếp cận nghệ thuật của châu Phi với “sự thức tỉnh của người khổng lồ ngủ quên.”