Họa sĩ Trần Nhật Thăng:

Sự cô đơn của trừu tượng

Triển lãm cá nhân lần thứ 13 của họa sĩ Trần Nhật Thăng mang tên “Miền Không” sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 30/4 tại phòng tranh Hakio Let’s Art, 38 Trần Cao Vân, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh. Họa sĩ trò chuyện với Thời Nay về hành trình hội họa mang phong cách riêng biệt, thuần tuý nghệ thuật nhưng cũng đầy khó khăn mà anh lựa chọn.

Sự cô đơn của trừu tượng

Họa sĩ Trần Nhật Thăng (TNT): Sau khi phá chấp chính bản thân mình, tôi có được sự thoải mái khi vẽ. Vẽ ào ạt, có đêm vẽ được sáu, bảy bức. Không câu nệ về mầu, kỹ thuật, đề tài. Cảm gì vẽ nấy. Những ngày dịch bệnh trên xưởng vẽ Lưng đèo, tôi cứ mải miết vẽ. Sau cánh cửa xưởng vẽ, chỉ có hội họa. Dần dần, số tranh mỗi ngày một đầy đặn lên và rồi nhiều thành chật cả xưởng. Như duyên may, vào ngày đẹp trời, tôi nhận được lời mời bày tranh miễn phí từ phòng tranh Hakio Let’s Art. Cứ thuận duyên như thế. “Miền Không” ra đời. Và được ra mắt công chúng tại TP Hồ Chí Minh. Lúc này, cần nhắc về cô chủ của phòng tranh. Khi tôi đang trả lời phỏng vấn của bạn đây, thì cô ấy đang cấp tập sửa phòng triển lãm cho kịp ngày khai mạc. Là một họa sĩ, tôi thấy được sự đồng cảm và được động viên khi được gặp những người trân quý nghệ thuật như cô ấy. 

Phóng viên (PV): Trước “Miền Không”, là cả hành trình mỹ thuật dài của anh với nhiều chặng đường sáng tạo và thử nghiệm?

TNT: Sau triển lãm cá nhân “Alone”, là một loạt triển lãm mang tên “Con đường Mây trắng”. Từ phức tạp về kỹ thuật đến tối giản, đánh dấu bằng triển lãm “Chân dung tự do” năm 2008. Ở triển lãm này, tôi đã đặt mình vào thế khó nhất: Không hình; Không mầu; Không chất liệu tổng hợp và Không phức tạp. Sau đó, tôi dừng 10 năm, không vẽ được gì. Triển lãm “Miền” vào năm 2018, tôi bắt đầu cho sự cởi bỏ, không còn chấp vào việc làm khó cho chính mình.

PV: Anh bắt đầu con đường hội họa như thế nào? Vì sao khi bố là đạo diễn nổi tiếng (NSND Trần Văn Thủy), anh lại theo con đường mỹ thuật?

TNT: Làng hoa Ngọc Hà đã là ký ức, không phải với riêng tôi, mà cả người Hà Nội xưa. Bố tôi đi Liên Xô (trước đây) học sáu năm. Từ nhỏ, tôi sống với mẹ, chờ bố về. Tôi học trường làng gần nhà. Từ lớp vỡ lòng, tôi đã đi bộ quanh quanh từ nhà đến trường. Một lần, tôi bị bắt nạt, nên mẹ nhờ một anh lớp 5 đưa đi học. Tuổi thơ của tôi, thích nhất là đi hái hoa trộm và bắt cua. Có lúc đang hái hoa thì bị ong đốt, bắt cua thì bị cua cắp. Tôi thì hiền và nhát. Nhà thi thoảng có táo tây bố gửi về, tôi chia đều cho các bạn. Mẹ tôi vẫn nhắc kỷ niệm thơ bé của tôi, khi mẹ đưa đi học mẫu giáo ở Trường mầm non A, đối diện Bệnh viện Xanh Pôn, chưa chờ mẹ quay lưng, tôi lúc nào cũng đứng ở cổng trường hét toáng lên: “Mẹ đừng quên con nhé!” (cười).

Khi tôi lớn dần, nghe bố nói: Làm phim khổ lắm! Nghĩ khó, làm khó… Thôi con học vẽ đi. Tôi nghe lời bố. 

PV: Tuổi thơ của anh diễn ra ở Hà Nội xưa, cùng với tình yêu nghệ thuật ra sao?

TNT: Khi tôi còn học lớp 3, lớp 4, bố tôi làm phim “Hà Nội trong mắt ai”, tối tối, các văn nghệ sĩ tới nhà chơi. Tôi nhớ chú Văn Vượng đàn suốt đêm. Lại nghe kể về chủ cũ của căn nhà vẫn đang ở - nhà thơ Phan Vũ tác giả của “Em ơi! Hà Nội phố”. Nhà thơ Phan Vũ và họa sĩ Bùi Xuân Phái hay ngồi ở phòng ngoài uống rượu. Không có toan thì vẽ thẳng lên tường. Hôm khác đến chơi, lại vẽ đè lên...

PV: Vậy còn thời gian anh bước chân vào Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam và những người bạn của mình thì sao?

TNT: Tôi thi hai lần mới đỗ được vào trường. Thi cũng phải hai lần mới tốt nghiệp được (cười). Mà ngày đó đằm thắm lắm! Thích nhất là được đi thực tập về các vùng quê. Năm thứ nhất, tôi được đi thực tập cách Hà Nội 20 cây số, sau dần được đi xa hơn. Năm cuối, tôi được vào Tây Nguyên. Giờ xa hay gần, tôi đều đi thăm lại chốn xưa. Những nơi thực tập gần, gia đình tôi từng ở nhờ đã thành người thân, nhà có giỗ Tết là tôi về. Xa như Tây Nguyên tôi vẫn giữ liên lạc với mọi người tới giờ. Có cu cháu, năm 1995 khi tôi vào, còn nhỏ ngồi khóc nhè mặc chú Thăng chụp ảnh. Giờ đã thành kiến trúc sư có văn phòng riêng. Bạn bè cùng lớp tôi nhiều người thành giáo viên, có người còn là trưởng khoa của một trường...

Sự cô đơn của trừu tượng -0
 Tác phẩm trong triển lãm “Miền Không”. 

PV: Không khí mỹ thuật chung những ngày ấy đã ảnh hưởng đến lựa chọn phong cách biểu đạt sáng tạo của anh theo cách riêng thế nào?

TNT: Từ 1994, tôi bắt đầu vẽ trừu tượng. Ngày đó, trừu tượng còn xa lạ. Có giáo sư trong trường còn nói, trừu tượng là... vẽ linh tinh. Tôi được gặp thầy Đỗ Minh Tâm, thầy Nguyễn Cầm từ Pháp về, mọi thứ xuôi theo như thế. Giờ thì khác, trừu tượng không còn xa lạ nữa. Tôi đã có triển lãm cá nhân năm 1996, lấy tên “Alone” (Một mình), là vì muốn nói đến sự cô đơn khi vẽ trừu tượng ngày ấy.

PV: Trừu tượng không phải là loại hình dễ dàng để có thành tựu, trong khi anh đi vào trừu tượng cùng cách thể hiện rất khác biệt, có khi bút vẽ là chổi tre, chổi đót? 

TNT: Tôi vẽ trừu tượng vẫn ở tư tưởng: chân dung tự do. Chân dung gợi, tranh có hình. Chân dung tự do lại là trừu tượng, vì trừu tượng mang đến sự tự do. Ở đây, tôi vẽ chuyển động, tĩnh lặng, vui buồn... thậm chí, tôi còn vẽ chân dung một cơn gió. Cách đặt vấn đề của tôi qua mỗi tác phẩm là vậy. Còn sử dụng chổi để vẽ, đơn giản thôi, tranh to đến mấy mét, thì tôi phải dùng bút vẽ cũng to cỡ ấy (cười).

PV: Những bức tranh của “Miền Không” đã ra đời thế nào ở xưởng vẽ Lưng đèo của anh?

TNT: Xưởng vẽ Lưng đèo là nơi an trú do duyên mà thành. Ở đó có núi, rừng, có suối, có ruộng lúa, bản làng và những tấm lòng... Chúng tôi thức dậy giữa tiếng cười của hàng xóm. Sống nơi đó, bạn sẽ quay ngược thời gian vào 50 năm trước, khi mà sự hồn hậu trong mỗi con người vẫn vẹn nguyên. Thiên nhiên là một phần, nhưng tinh thần con người còn quan trọng hơn. Ở đây, tôi được yêu quý vô điều kiện từ người dân. Các tác phẩm của “Miền Không” ra đời trong tinh thần như thế. Tôi biết ơn họ!

PV: Với triển lãm các tác phẩm mới sáng tác tại TP Hồ Chí Minh, anh kỳ vọng điều gì?

TNT: Đây là triển lãm cá nhân lần thứ 13 của tôi và là lần đầu tiên tôi triển lãm ở TP Hồ Chí Minh, cũng là đánh dấu chặng đường mỹ thuật dài 28 năm của tôi, kể từ năm 1994. Với tôi, đây là mốc quan trọng trong sự nghiệp. Tôi lúc này đang thanh thản đón chờ niềm vui.

PV: Cảm ơn anh, chúc “Miền Không” thành công!

Họa sĩ Trần Nhật Thăng, sinh năm 1972 tại Hà Nội, các tác phẩm của anh đã được trưng bày tại Philippinnes, Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Thailand, Nhật Bản, Trung Quốc, Italia... Năm 1997, họa sĩ Trần Nhật Thăng nhận giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.