Rèn luyện khả năng bắt sóng

VN Index tăng, thanh khoản tăng và một xu hướng tăng của thị trường chứng khoán (TTCK) đang rõ ràng hơn bao giờ hết là những thuận lợi rất lớn dành cho các nhà đầu tư (NĐT). Nhưng để có thể thu được lợi nhuận, nhà đầu tư (NĐT) cần phải lựa chọn đúng cổ phiếu (CP), mà điều này lại ngày càng nhiều thách thức.
0:00 / 0:00
0:00

Phiên giao dịch ngày 20/6, VN Index lình xình từ sáng đến đầu phiên chiều, thậm chí đã có lúc phát ra tín hiệu giảm về gần ngưỡng 1.100 điểm, nhưng kết phiên, chỉ số này tăng hơn 6 điểm lên gần 1.112 điểm. Kèm theo đó là sự bùng nổ của nhóm ngành đầu tư công khi một loạt CP của ngành này tăng với tỷ lệ từ 3% trở lên. Thực tế này rõ ràng khiến một số NĐT cảm thấy… tâm tư, vì không biết có nên mua đuổi theo nhóm đầu tư công hay tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại của mình. Nhìn lại từ đầu tháng 5 đến giờ, những nhóm ngành CP tăng giá nhanh, ít nhất có vài lần nổi sóng sẽ bao gồm chứng khoán, dầu khí, bất động sản, đầu tư công, ngân hàng… và nếu xem xét rộng hơn thì còn có năng lượng, mía đường, thực phẩm… Số lượng CP tăng giá là rất nhiều nhưng tận dụng để sinh lãi đến đâu lại phụ thuộc vào thực lực của từng NĐT, mà cụ thể ở đây là khả năng bắt sóng ngành.

Một số NĐT dày dạn kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, so với việc giữ 1-2 CP có xu hướng tăng, với việc “nhảy” theo từng đợt sóng thì tỷ lệ sinh lãi cũng chỉ tương đương nhau, nhưng chiến thuật nào cũng đều có ưu nhược và thậm chí là bù trừ cho nhau. Nếu chọn chiến thuật mua và giữ, hạn chế giao dịch “nhảy ra nhảy vào” thì NĐT buộc phải chọn đúng ngành hút tiền, có khả năng tăng giá và chọn đúng cả CP. Nếu thỏa hết các tiêu chí đúng vừa nêu thì NĐT còn phải có khả năng chờ đợi vì có khi một ngành mỗi tháng có thể 3-4 lần nổi sóng, nhưng nổi mỗi tuần một lần và một lần chỉ… một phiên. Tức là nếu đứng ngoài để thống kê sẽ thấy CP có thể sinh lời đến 15-20%/tháng, nhưng nắm giữ CP để hưởng trọn tỷ suất sinh lời là rất khó. Vì thực tế trong phiên, giá CP sẽ dao động lên xuống, có những lúc chao đảo như muốn giảm mạnh, dễ khiến NĐT phải bán cho chắc, người có lãi đôi khi bán non, còn người chưa có lãi phải cắt lỗ nhẹ.

Còn với việc lướt sóng từ ngành này sang ngành khác, NĐT tất nhiên muốn hướng đến việc tối ưu hóa lợi nhuận, chẳng hạn kỳ vọng mỗi tuần “trúng” 1 sóng lãi 5-10%, thì trong vòng 3-4 tuần có thể lãi 30-40%, tức là gấp rưỡi tài khoản trong vòng 1 tháng. Hoặc lập luận mang tính phòng thủ là lướt sóng để… chốt lãi từng nhóm ngành rồi chuyển sang ngành khác. Nhưng thách thức là NĐT có đoán được đúng sóng ngành hay không và tất nhiên cũng cần phải có khả năng chờ đợi. Chẳng hạn, một nhóm ngành nào đó nổi sóng, NĐT mua đuổi CP, thì khả năng đến ngày T+2 chưa chắc có lãi, thậm chí lỗ, nhưng nếu tiếp tục kiên nhẫn thêm vài phiên nữa, tình thế có thể thay đổi. Nhưng trong 4-5 phiên CP đi ngang, tích lũy, cũng đồng thời thử thách tâm lý, kinh nghiệm của NĐT rất nhiều và số đông thường có thể chọn bán ra, cắt lỗ, hay chốt lãi sớm, rồi lại tìm cơ hội khác. Cuối cùng thì dù hướng đến việc tối ưu hóa lợi nhuận, kể cả đoán đúng sóng nhưng thiếu đi sự kiên nhẫn, bản lĩnh, suất sinh lời cũng không thể như kỳ vọng. Thị trường diễn biến thuận lợi, nhưng NĐT cần phải hoàn thiện mình để có thể thu hoạch kết quả tốt.

VN Index tăng, thanh khoản tăng và một xu hướng tăng của thị trường chứng khoán (TTCK) đang rõ ràng hơn bao giờ hết là những thuận lợi rất lớn dành cho các nhà đầu tư (NĐT). Nhưng để có thể thu được lợi nhuận, nhà đầu tư (NĐT) cần phải lựa chọn đúng cổ phiếu (CP), mà điều này lại ngày càng nhiều thách thức.