KTS Phạm Thanh Tùng:

Quan tâm xây dựng văn hóa chung cư

Vấn đề “nóng” trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng, phát triển đô thị đang được dư luận quan tâm là những khó khăn của thị trường bất động sản liên quan đến nguồn vốn, giá cả giao dịch về nhà ở, các quy định về quy hoạch, xây dựng, những bất cập trong việc khai thác các phân khúc khách hàng… Nhìn từ góc độ văn hóa, sự phát triển các khu chung cư, đô thị thời gian qua còn có nhiều điều đáng suy ngẫm. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ với Thời Nay một số ý kiến của ông.
0:00 / 0:00
0:00
Phát triển các khu chung cư cần quan tâm đến điều kiện hưởng thụ văn hóa của cư dân.
Phát triển các khu chung cư cần quan tâm đến điều kiện hưởng thụ văn hóa của cư dân.
Quan tâm xây dựng văn hóa chung cư ảnh 1

Phóng viên (PV): Đang có những luận bàn, đề xuất về thị trường bất động sản, trong đó có các vấn đề về liên quan đến xây dựng, phát triển các tòa chung cư, các khu đô thị mới. Ông có gợi mở thêm vấn đề gì?

KTS Phạm Thanh Tùng: Nhìn từ một số định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, cũng như từ cả góc độ văn hóa về cách làm việc, kinh doanh của doanh nghiệp, tôi thấy bên cạnh những yêu cầu về việc các bộ, ngành rà soát để tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế, trong công tác quản lý; các ngân hàng nghiên cứu các giải pháp giải ngân, tạo vốn; thì chính các đơn vị kinh doanh bất động sản cần có sự sàng lọc trong đội ngũ và trong chính sự phát triển của mình. Cần có sự điều chỉnh, định hướng lại về mục tiêu xã hội, ý nghĩa nhân văn trong việc khai thác, sử dụng nguồn quỹ đất và phát triển hệ thống nhà ở phục vụ người dân.

PV: Theo ông, những bất cập cần điều chỉnh có thể chỉ ra như thế nào?

KTS Phạm Thanh Tùng: Ngoài vấn đề tránh găm giữ đất, không “ôm” lâu các dự án mà không thực hiện được; tránh việc khai thác đất lúa để dần chuyển đổi, xây dựng nhiều khu hoành tráng như thời gian qua đã thấy và đã là một trong những tác nhân tạo nên bức xúc trong xã hội; thì từ khía cạnh văn hóa-xã hội, sự phát triển các khu đô thị, khu chung cư cần được tạo dựng trước nền tảng là các nguồn lực, điều kiện về tạo việc làm, thu hút lao động; có cơ sở hạ tầng và dịch vụ công ích, dịch vụ văn hóa phục vụ đời sống vật chất và tinh thần cư dân như công viên, cây xanh, mặt nước, khu vui chơi, giải trí, trung tâm văn hóa, địa chỉ nghệ thuật…

Như vậy mới bảo đảm cho một tương lai phát triển cân bằng, lành mạnh của các khu chung cư chứ không chỉ là những khối nhà mọc lên trơ trọi, còn những lời hứa về các tiện ích văn hóa-xã hội thì được hiện thực hóa một cách chậm chạp.

PV: Thưa ông, phải chăng yếu tố văn hóa, đời sống văn hóa ở các khu đô thị, khu chung cư còn thiếu được nghiên cứu, tạo dựng với những tính chất đặc thù của hình thức cư trú này?

KTS Phạm Thanh Tùng: Phải thấy rằng, chúng ta phát triển khu đô thị, các tòa chung cư đã lâu, thu hút sự cư trú của lượng dân cư vô cùng đông đảo, nhưng xin hỏi ngành văn hóa, chính quyền đô thị, các đơn vị nghiên cứu đã có hội thảo, tọa đàm nào về xây dựng nếp sống văn hóa mới ở chung cư. Rồi đã có những gì trong các quy định, nội quy ở đó đề cao các yếu tố văn hóa, truyền thống, sự cố kết cộng đồng vốn là nét đẹp trong đời sống nông thôn, đô thị truyền thống của chúng ta. Hay là, đã có được những tiêu chí nào cho xây dựng văn hóa chung cư, như chúng ta đã, đang thực hiện với các tổ dân phố, khu tập thể, các thôn, xóm…

Nhiều chung cư thật sự là những tổ hợp hiện đại, tiện nghi nhưng tổ hợp đó có con người đang sống với rất nhiều đặc trưng văn hóa vùng miền, địa phương khác nhau, ngay cả trong khẩu ngữ. Rất cần có sự tương tác, tìm ra những cái chung tích cực để người ta được hòa vào cộng đồng. Thực tế là các tòa chung cư nói chung đang đối mặt gay gắt với những vấn đề “nóng” về văn hóa-xã hội của đô thị hiện đại như con người cô đơn, con người ích kỷ, thiếu sự quan tâm, kết nối đến cộng đồng hay những người lân cận, mai một cả những yếu tố văn hóa trong lời ăn tiếng nói, ứng xử thông thường…

PV: Liệu các nhà đầu tư có thể quan tâm nhiều hơn ngoài các yếu tố kiến trúc, kỹ thuật và cả lợi nhuận chính đáng… để phải “lo” thêm rất nhiều về yếu tố ở, sống, sinh hoạt văn hóa như ông nói không?

KTS Phạm Thanh Tùng: Tôi cho rằng, khi anh xây ngôi nhà, anh phải quan tâm đến việc người ta sẽ sống trong đó như thế nào. Không chỉ có yếu tố tiện nghi, vật chất, mà còn phải là lối sống, văn hóa sống. Một thí dụ, quan sát kiến trúc nhiều khu chung cư, khu đô thị mới, tôi có cảm giác “Tây” quá, “quốc tế hóa” nhiều quá! Dù rằng ta hội nhập, nhưng nét đặc thù văn hóa, bản sắc của Việt Nam ở mỗi vùng miền với những đặc trưng khí hậu riêng, cần phải được khai thác, thể hiện và phù hợp với người dân bản địa. Chứ tôi thấy nhiều khu nhà cứ như nhân bản, na ná nhau. Đây là câu chuyện rất đáng để các chủ đầu tư, các kiến trúc sư suy ngẫm. Nhà đầu tư có tư duy văn hóa sẽ khác với ông chủ xây dựng chỉ bán và thu tiền.

PV: Theo ông, có xa vời không khi ta đặt ra vấn đề “Khu chung cư văn hóa”?

KTS Phạm Thanh Tùng: Hoàn toàn không xa vời và rất cần thiết, cần xây dựng các khu chung cư văn hóa. Cần người chủ đầu tư có văn hóa, nghĩ đến cộng đồng sinh sống ở đó sau này, người già, trẻ em có chỗ chơi thể thao, tiện lợi về học hành, hưởng thụ văn hóa nghệ thuật. Cần thiết kế các căn hộ khoa học, hài hòa thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các tòa nhà và kiểm soát tốt mật độ dân cư trong tương lai. Rất cần nữa là cư dân phải cùng xây dựng nếp sống mới, coi chung cư là mái nhà chung của cộng đồng. Vấn đề quản trị văn hóa ở đây rất cần được nghiên cứu, xây dựng và phát huy các mô hình phù hợp.

Tôi mong muốn trong thời gian tới các cơ quan hội nghề nghiệp hay báo chí, truyền thông sẽ tổ chức cuộc thi viết về văn hóa ở chung cư; khuyến khích cư dân chung cư viết về nơi họ sống. Từ đó có sự soi chiếu, gợi mở, giúp cư dân có cái nhìn rõ hơn về câu chuyện xây dựng, phát triển chung cư như thế nào.

PV: Chân thành cảm ơn KTS Phạm Thanh Tùng!

KTS Phạm Thanh Tùng: Một vấn đề có mục đích nhân văn lớn lao dường như vẫn còn thiếu câu trả lời tâm huyết, đó là nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là bảo đảm quyền được cư trú cho tất cả mọi người. Nhưng bên cạnh các khu chung cư cao cấp vẫn còn quá ít các khu dành cho người lao động thu nhập thấp với những cơ chế được mua hay thuê phù hợp. Mong sao với vấn đề này, giới kinh doanh bất động sản có sự thay đổi tư duy phù hợp với đường lối, chủ trương và sự phát triển của đất nước.