Nhìn lại chặng đường hợp tác đầu tư
Trong những năm qua, hai quốc gia đã thiết lập được quan hệ mật thiết trong lĩnh vực ODA, thương mại và đầu tư. Trong đó, đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam duy trì được tốc độ tăng đều đặn. Ông Kinoshita Tadahiro, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đánh giá cao những thành tựu của nền kinh tế và tiềm năng phát triển thương mại, đầu tư ở Việt Nam. Theo khảo sát xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản, có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có xu hướng mở rộng kinh doanh trong vòng từ một đến hai năm tới. Xu hướng mở rộng kinh doanh tại Việt Nam đứng số một trong các nước ASEAN và trên toàn thế giới chỉ đứng thứ hai, sau Mỹ. Trong đó có các lĩnh vực chính như xây dựng, thương mại, năng lượng, chế biến thực phẩm…
Chủ tịch JCCI cũng lưu ý thêm, tiêu chí quyết định trong tiến hành đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản thường chú trọng đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt về điện, nước… Do vậy, các lợi thế của địa phương cần được giới thiệu rõ ràng hơn tới nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản. Ông Tadahiro nhận thấy trong hành trình 20 năm trở lại đây, Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều khuôn khổ hợp tác, chính phủ hai nước đã cung cấp các kênh đối thoại chính sách và đầu tư, giúp doanh nghiệp hai nước có thêm nhiều thuận lợi. Khoảng những năm 2000, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhằm tận dụng lao động giá rẻ và chất lượng cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các hoạt động đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, phục vụ nhu cầu trong nước như đầu tư vào bán lẻ, phát triển thành phố thông minh, sản xuất năng lượng tái tạo…
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chia sẻ, năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai nước, là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác địa phương Việt Nam - Nhật Bản sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa. Ông kỳ vọng Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” mở ra cánh cửa cho mối quan hệ giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai nước bước sang giai đoạn mới.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm và thế mạnh địa phương. |
Cơ hội hợp tác của các địa phương
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện đến từ ba địa phương Việt Nam đang có tiềm năng thu hút đầu tư là Bắc Kạn, Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế đã chỉ ra những điểm sáng trong chính sách thu hút doanh nghiệp của các địa phương. Theo ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, nằm trong số 30 tỉnh có diện tích lớn nhất, Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, chiếm khoảng ba phần tư diện tích. “Trong hai năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đã tăng 23 bậc. Tỉnh đang trong quá trình đầu tư phát triển, với quy hoạch tăng diện tích các khu công nghiệp tăng dần từ nay đến năm 2030, trong Quy hoạch điện VIII cũng đã định hướng sản xuất điện gió và điện sinh khối tại Bắc Kạn”, ông Bình cho biết thêm.
Nhìn chung, các địa phương của Việt Nam đã chú trọng đầu tư vào hạ tầng cơ sở, cải cách hành chính, chuyển đổi số… và sẵn sàng tạo mọi điều kiện, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, cam kết nỗ lực cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc để mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư. Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, tỉnh đã có nhiều thay đổi đáp ứng nền kinh tế hiện đại bao gồm nhân lực, đổi mới sáng tạo… Khánh Hòa với lợi thế là khu kinh tế Vân Phong, cũng là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Đại diện lãnh đạo của các tổ chức Nhật Bản đánh giá cao khát vọng cải cách và sự năng động, tâm huyết với câu chuyện phát triển của mỗi địa phương. Theo ông Nakagawa Tetsuichi, Chủ tịch Aeon Mall Việt Nam, buổi tiếp xúc trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Nhật Bản” là rất quan trọng và là dịp kết nối thông tin về thế mạnh, nhu cầu đầu tư giữa hai phía. Đại diện Aeon Mall chia sẻ những ý kiến về sức hấp dẫn của các tỉnh, thành phố Việt Nam nhìn từ góc nhìn phát triển trung tâm thương mại. Ông Nakagawa nhận định, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, các địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thanh niên trẻ năng động... tạo những cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật Bản cũng góp phần quảng bá, giới thiệu hàng hóa Việt Nam thông qua các sự kiện như Tuần lễ hàng Việt Nam tại Nhật Bản, Hội chợ xúc tiến thương mại công nghiệp, sản phẩm OCOP…
Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” năm 2023 do Bộ Ngoại giao phối hợp Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ban tổ chức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam và các đơn vị tổ chức tại Hà Nội. Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra các phiên chuyên đề với những chủ đề được hai bên quan tâm hiện nay, gồm tăng cường thương mại - đầu tư, hợp tác giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực, hợp tác văn hóa, du lịch.
Đại sứ Yamada Takio bày tỏ vui mừng khi sau 5 năm tổ chức, sự kiện năm nay có số lượng đại biểu hai nước tham dự đông đảo nhất, thể hiện sự quan tâm cao của cả hai phía. Từ năm 2017, Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản” được định kỳ tổ chức hằng năm và đã trở thành hoạt động thường niên, đem đến cơ hội tìm kiếm đầu tư, hợp tác cho các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp hai nước.