Chúng tôi gặp ông Kiệt vào một ngày cuối tuần trong cái lạnh căm căm của mùa đông đã về trên những con phố Paris. Đây vốn dĩ là thời điểm mà người Pháp yêu thích việc ngồi trong nhà cùng chiếc lò sưởi, thưởng thức một ly trà nóng và tận hưởng những phút giây thảnh thơi của mình. Người đàn ông đã 80 tuổi ấy vẫn lui tới Hội quán người Việt trên phố Petit Musc, tranh thủ xem qua bài giảng một lần nữa, chuẩn bị cho lớp dạy tiếng Việt của mình sắp diễn ra.
Pháp là một quốc gia phát triển, ngày càng có nhiều người chọn nơi đây để sinh sống, làm việc và học tập, cộng đồng người Việt cũng vì thế mà ngày một lớn mạnh. Thế nhưng, một nghịch lý là số trẻ em gốc Việt thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư ra đời càng nhiều thì số lượng người biết nói tiếng Việt lại càng ít. Từ những năm 1981, ông Kiệt mở ra Nhà văn hóa Việt Nam tại Pháp mặc dù gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó, thế hệ người Việt trẻ tại Pháp có thêm một địa chỉ để lui tới học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa, âm nhạc và hơn cả là tìm về nguồn cội.
Trong mọi loại ngôn ngữ, từ mà con người ta có thể nói ra đầu tiên thường là từ “mẹ”, tiếng Pháp cũng không ngoại lệ. Trong tiếng Pháp, từ “mẹ” được gọi là “maman”, hoàn toàn rất dễ phát âm với bất kể đứa trẻ nào. Nhưng cũng thật vui khi những gia đình Việt Nam vẫn luôn cố gắng gìn giữ cho con mình cái hồn cốt của người Việt qua tiếng gọi “mẹ” thân thương.
Từ “mẹ” khi phát âm ra gợi nhớ cho những người Việt xa xứ về hình ảnh một bà mẹ tảo tần trong khói bếp, về làng quê Việt với con trâu khỏe mạnh, ruộng lúa chín vàng rì rào trong gió, mang đến nhiều cảm xúc thiêng liêng mà không ngôn ngữ bản xứ nào mang đến cho họ được. Cũng chính vì vậy mà nhiều người Việt đã quyết định đưa con tới với lớp học tiếng Việt của ông Kiệt, dù rằng tiếng Pháp mới là ngôn ngữ thành thạo của lũ trẻ.
Ông Kiệt tận tâm chỉ dẫn cho từng học viên phân biệt rõ và đọc thật chuẩn xác các thanh điệu. |
Hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con, ông Kiệt với kinh nghiệm sư phạm của một người thầy, mỗi ngày đều cố gắng học hỏi thêm để có thể đứng lớp với tâm thế tốt nhất. Trong những năm gần đây, số lượng người Việt tại Pháp phát triển nhiều, du học sinh cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng hỗ trợ ông trong công tác dạy học, nhưng ông Kiệt vẫn ưu tiên việc tự mình đứng lớp.
Gác cặp kính lão lên quyển từ điển dày hàng nghìn trang đang nằm gọn trên góc bàn, ông Kiệt giải thích: “Giữ tiếng Việt là giữ văn hóa Việt, thế nên học tiếng Việt cũng là học văn hóa Việt. Người biết nói tiếng Việt chưa hẳn đã hiểu kỹ về văn hóa Việt, kể cả là nhiều bạn sinh viên. Thế nên, trong tâm thế là một người Việt sinh sống tại Pháp lâu năm, thấu hiểu tư duy đã pha nhiều yếu tố “phương Tây” của các bạn nhỏ, tôi nhất định phải đứng lớp để có thể dùng cả tiếng Việt và tiếng Pháp để cắt sẻ từng lớp nghĩa của những con chữ, câu từ, lời hát, ca dao và tục ngữ cho các em hiểu”.
Xác định rõ việc dạy tiếng Việt là dạy văn hóa Việt, ông Kiệt cũng nhận thức rõ ràng hai nhiệm vụ mà mình gánh vác trên vai. Nếu học viên là người Pháp, đây chính là lúc đưa họ từ những người xa lạ trở thành bạn bè của Việt Nam, để cho họ thấy được sự mạnh mẽ của một đất nước đã từng rất khó khăn trong nhiều biến động thăng trầm lịch sử, nay vươn mình lớn dậy với một sức sống mãnh liệt. Còn đối với người gốc Việt, nhiệm vụ của ông Kiệt là giúp họ tìm được về cội nguồn. Vì lẽ, tìm được nguồn cội, tìm được dáng hình núi sông, phong vị quê hương trong từng thanh âm tiếng Việt chính là tìm được bản sắc, mà tìm thấy bản sắc thì mới hình thành nên lòng yêu nước, dân tộc.
Tiếng Việt là một trong những đặc điểm nhận dạng của người Việt. Từ lúc Hội người Việt Nam tại Pháp được thành lập đến nay, các thế hệ học viên đã cùng ông Kiệt “mót chữ” để tìm lại “hồn Việt” của mình ngày càng nhiều. Trong số các thiếu nhi ngày xưa ấy, đến nay không ít người đã trên dưới 50 tuổi. Họ vẫn tiếp tục cùng ông Kiệt gánh vác sứ mệnh quan trọng mà vô hình, thiêng liêng nhưng lại thầm lặng, ở những lớp học khác, ở những thành phố khác trên khắp nước Pháp.