1/Được biết, từ năm 2014, ý tưởng, dự định thực hiện tác phẩm quy mô lớn này được xây dựng, hình thành. Công ty Bảo tồn di sản văn hóa với vai trò thiết kế, trang trí bảo tàng là đơn vị đưa ra đề xuất phác thảo bức tranh này.
Các bộ phận chức năng đã dành hơn một năm để hoàn thiện đề cương, sau đó vẽ phác thảo trên nền vải với chiều cao 2,3 m. Trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng cho tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, tỉnh Điện Biên đã thành lập hội đồng nghệ thuật có sự tham gia của các chuyên gia mỹ thuật uy tín. Cùng với đó là hội thảo với những ý kiến đóng góp của các nhà sử học, đặc biệt là các cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
2/Trong tổng thời gian hơn 1.200 ngày với hơn 500 ngày vẽ phác và hơn 750 ngày vẽ chính thức, hơn 20 họa sĩ trẻ đã làm việc miệt mài, phối hợp và sáng tạo để thể hiện bức tranh bằng nhiều bút pháp hội họa, có sự kết hợp với nghệ thuật sắp đặt, ánh sáng, âm nhạc, tạo nên một công trình nghệ thuật tổng hòa cỡ lớn.
Bức tranh Panorama “Chiến thắng Điện Biên Phủ” được thể hiện tại tầng hai của Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Tác phẩm dài 132 m, cao 20,5 m; diện tích 3.225 m², được vẽ bằng sơn dầu lên tường. Bốn trường đoạn của bức tranh được phân tách theo chủ đề lịch sử gồm: 1.“Toàn dân ra trận”; 2.“Khúc dạo đầu hùng tráng”; 3.“Cuộc đối đầu lịch sử”; 4.“Chiến thắng Điện Biên”. Theo đó, các mặt trận, các cuộc chiến đấu trong lòng chảo Điện Biên, khí thế chiến đấu, tinh thần quyết thắng và những chiến công vang dội của quân ta được thể hiện rõ. Cùng với đó là nhiều hình ảnh thể hiện các hoạt động hướng về tiền tuyến, tiếp lương, chuyển pháo, và các công tác của lực lượng quân y, hậu cần… góp sức cho chiến thắng trên chiến trường.
3/Tác phẩm đã được hội đồng nghệ thuật đánh giá rất cao. Trong một năm qua, vừa phục vụ công chúng, vừa tiếp tục hoàn thiện một số hạng mục, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đón nhận đông đảo công chúng, du khách khắp nơi đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh bức tranh, lưu lại những ký ức đẹp về một sáng tạo mới mẻ trong công tác bảo tàng. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam từng đánh giá, việc triển khai thực hiện bức tranh quy mô này cho thấy mối quan tâm lớn, tấm lòng và tâm huyết của nhiều họa sĩ hôm nay đối với lịch sử. Đặc biệt, giai đoạn hoàn thành, đưa bức tranh vào sử dụng dịp Kỷ niệm 67 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2021) và sau đó nữa, cũng là thời gian nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật của cả nước nói chung, chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Tác phẩm Panorama “Chiến thắng Điện Biên Phủ” là một trong những thí dụ tiêu biểu của việc dùng nghệ thuật để du khách, công chúng trong và ngoài nước có thể cảm nhận về chiến thắng oai hùng của dân tộc từ gần 70 năm trước. Ngoài những bút pháp về hội họa, còn có sự phối hợp tổng quan giữa hội họa, kiến trúc, sắp đặt ánh sáng, âm thanh... Những tác phẩm nghệ thuật như thế trở thành “phim trường thu nhỏ” trong một không gian rộng rãi và thú vị!