Phim tác giả, dòng chảy ngầm mạnh mẽ

NDO - Những cái tên "nổi đình đám" trong đời sống điện ảnh nước nhà gần đây từng ghi dấu ấn Việt đầu tiên lên bản đồ điện ảnh khu vực cũng như thế giới, như: Dòng máu anh hùng, Chơi vơi, Bi đừng sợ, Cánh đồng bất tận, Trăng nơi đáy giếng, Hot boy nổi loạn... đã góp phần không nhỏ hình thành nên một dòng chảy âm thầm nhưng không kém phần mạnh mẽ của dòng phim tác giả.

Những khởi đầu mạnh dạn

Dù không chính thức, song khái niệm phim tác giả đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá lâu và thật sự rõ rệt khoảng gần chục năm trở lại đây, khi Luật Ðiện ảnh Việt Nam được sửa đổi phù hợp xu thế phát triển chung. Những phim mang dấu ấn tác giả, gây nhiều chú ý và cũng như một cách tiếp cận cuộc sống thông qua ngôn ngữ điện ảnh của các đạo diễn Việt kiều như một luồng gió lạ cho đời sống nghệ thuật. Như: Thời xa vắng, Mùa hè chiều thẳng đứng, Mê thảo, thời vang bóng, Áo lụa Hà Ðông, Mùa len trâu, Hạt mưa rơi bao lâu...

Phim tác giả ngoài sự thể nghiệm nghệ thuật, mang dấu ấn đậm nét của tác giả, còn phải gọn nhẹ về nhân sự, đơn giản về phương tiện kỹ thuật, kinh phí thấp. Nếu xét theo "chuẩn" này thì điện ảnh Việt Nam hiện nay chưa có dòng phim tác giả một cách rõ ràng. Tuy nhiên, những dấu hiệu cho dòng phim này đã bắt đầu có, từ một số đạo diễn thật sự có đủ cả tâm lẫn tài như: Nguyễn Vinh Sơn (Trăng nơi đáy giếng); Bùi Thạc Chuyên (Sống trong sợ hãi, Chơi vơi); Phan Ðăng Di (Sen; Khi ta 20; Bi, đừng sợ); Ngô Quang Hải (Chuyện của Pao), Thanh Vân (Ðời cát, Người đàn bà mộng du, Trái tim bé bỏng), Nhuệ Giang (Thung lũng hoang vắng, Tâm hồn mẹ)... Trong đó rõ rệt nhất là Phan Ðăng Di, với sự nhất quán đi theo một con đường riêng - tự viết kịch bản, tự đôn đáo huy động rất nhiều nguồn tài trợ từ các quỹ nước ngoài, khi có đủ tiền thì bắt tay vào làm phim và khi hoàn thành thì tuân thủ một chiến lược quảng bá, PR, ra mắt tại một liên hoan phim quốc tế "đình đám" nào đó để làm bệ phóng (theo cách thức mà các nhà điện ảnh chuyên nghiệp thế giới đang thực hiện).

Ngoài ra, còn có "phim underground"- dòng phim nằm ngoài những dự án điện ảnh của các nhà sản xuất chuyên nghiệp (mainstream - phim chính thống). Từ vài năm nay, dòng phim underground với các dự án nghiệp dư nhỏ lẻ tạo nên một sự chú ý, như các dự án phim ngắn cho sinh viên, hay một số cuộc thi phim của các diễn đàn phim ảnh, điển hình như: Trung tâm phát triển đạo diễn trẻ - TPD, Yxine, dự án làm phim "Hà Nội, em yêu anh- Sài Gòn, anh yêu em", Giải "Ong vàng" - LHP dành riêng cho đối tượng sinh viên, Giải Cánh diều cho phim ngắn được Hội Ðiện ảnh Việt Nam tổ chức thường niên...

Trong bốn tháng cuối năm, giới làm phim độc lập tại Việt Nam cũng có cơ hội tham dự nhiều cuộc thi phim ngắn, trong đó nổi bật là Làm phim 48 giờ và Tiệc phim trực tuyến Yxine. Nhiều con suối nhỏ dồn lại thành sông, và dòng chảy êm đềm của nó đã hàm chứa trong mình khá nhiều nội lực.

Hướng phát triển tất yếu

Ở Việt Nam đã từng có quan niệm phim tác giả là phim vừa tốn tiền, tốn công, chiếu trong nước không ai xem, làm chỉ để mang ra nước ngoài công chiếu và thi thố lấy danh. Thực tế cũng đã chứng minh, nhiều phim tác giả của Việt Nam khi ra rạp, công chúng rất khó đón nhận như trường hợp Bi, đừng sợ chẳng hạn.

Bản thân các nhà làm phim Việt Nam, nhất là các đạo diễn hầu như chưa có nhiều sự "dấn thân" cho nghệ thuật, bởi xác suất "rủi ro" cao, khi làm phim thường bị nhiều yếu tố ngoài nghệ thuật chi phối như về kinh phí, về kiểm duyệt, về phát hành phim... Sức ép thị trường chi phối khá mạnh vào tư duy làm phim, phần khác, việc hỗ trợ để làm phim tác giả từ phía Nhà nước lại chưa được quan tâm. Vì thế, dòng phim này phần lớn phải "dựa" vào tài trợ của nước ngoài hay của tư nhân để làm phim. Ðó cũng là vấn đề khó khiến các nhà làm phim ham thích tìm tòi và phiêu lưu dễ nản lòng.

Về lý thuyết, một nền điện ảnh quốc gia không thể thiếu dòng phim tác giả. Ðể có một vị trí trên bản đồ điện ảnh thế giới thì con đường ngắn nhất là sự có mặt ở các LHP quốc tế danh giá, uy tín và được ghi nhận ở một giải thưởng nào đó. Ðể đạt được điều này, không gì nhanh hơn bằng chính dòng phim tác giả. Với điện ảnh Việt Nam, những phim mang dấu ấn "tác giả" đã có một số thành công ở các LHP quốc tế, đặc biệt hai năm gần đây, phim Việt đã hiện diện chính thức trong hai LHP danh giá nhất thế giới là Venice - Chơi vơi (với giải thưởng của Fipresi); Cannes - Bi, đừng sợ (giải thưởng SCAD và ACID/CCAS).

Dòng phim tác giả giống như "sứ giả đắc lực" của ngoại giao văn hóa Việt Nam, là công cụ hữu hiệu mang những hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Ðồng thời dòng phim này còn mang lại nhiều giá trị nhân văn, nhiều thể nghiệm sáng tạo nghệ thuật, góp phần cho điện ảnh nước nhà cơ hội phát triển, có diện mạo đa dạng, nhiều màu sắc, hòa nhập với xu thế chung của nghệ thuật điện ảnh thế giới.

Vì vậy, cần có chiến lược hỗ trợ dòng phim này phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ được sáng tạo nghệ thuật hết khả năng của mình. Cũng như, khuyến khích các hệ thống phát hành phim cả tư nhân và Nhà nước, nên dành một không gian riêng cho việc phổ biến phim tác giả đến với công chúng. Giới truyền thông, các nhà phê bình lý luận điện ảnh nên tạo luồng dư luận xã hội ủng hộ, khích lệ dòng phim tác giả, như một thể nghiệm sáng tạo nghệ thuật, tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật điện ảnh.