Nuôi chó phải có trách nhiệm

Chó là vật nuôi được nhiều gia đình yêu thích. Tuy nhiên, việc nuôi chó thả rông không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn gây ra nhiều vấn đề khác như ô nhiễm môi trường, gây rối trật tự công cộng và nguy cơ lây nhiễm bệnh cho chính chó cũng như cho người dân. Vì vậy, rất cần những cam kết rõ ràng giữa người nuôi và cơ quan quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Người nuôi khi đưa chó ra các nơi công cộng cần tuân thủ những quy định chung.
Người nuôi khi đưa chó ra các nơi công cộng cần tuân thủ những quy định chung.

“Khế ước” nuôi chó

Buổi sáng, chị Nguyễn Thùy Vân, một hướng dẫn viên du lịch đạp xe ra cánh đồng phường Cẩm Châu (Hội An, Quảng Nam) tập thể dục, thấy cảnh con chó chạy trước, một xe máy chạy sau, đến một quãng đồng xa dân cư, con chó mệt nhoài nằm bên xe máy còn người đàn ông tiếp tục tập thể dục.

Là người nuôi nhốt chó trong nhà, chị Vân bắt chuyện: “Tôi cũng muốn đưa con chó cùng đi dạo, tập thể dục nhưng sợ trên đường nhiều chó thả rông, chó của tôi lao theo đám chó đó vừa khó bắt lại còn cắn nhau nữa thì thật buồn. Việc chó phản ứng, nhảy xuống xe để đuổi theo các con khác không chỉ gây ra nguy cơ mất an toàn cho chính nó mà còn ảnh hưởng đến an toàn của người lái và những người tham gia giao thông chung quanh. Đi ra nước ngoài thì biết, hoặc người nước ngoài nuôi chó ở đây thì hay. Họ có trách nhiệm đối với việc giữ chó trong khuôn viên nhà và giữ chúng dưới sự kiểm soát khi ra ngoài”, chị Vân bày tỏ.

Nhiều người nước ngoài sống ở Hội An nuôi chó làm bạn. Khi đưa ra ngoài, họ sử dụng dây dắt hoặc xích, rọ mõm để kiểm soát chó, tránh việc chúng chạy rông, cắn nhau. Ngoài ra, họ còn dành thời gian huấn luyện chó từ nhỏ về việc đi vệ sinh đúng chỗ, nghe theo lệnh nơi công cộng không sủa toáng lên, không gầm gừ với những con chó khác. Một vài người Việt cũng học theo cách này, họ dạy chó không những biết nghe lời chủ mà còn tiêm phòng đầy đủ và thường xuyên được đi chăm sóc lông, móng cũng như sức khỏe. “Tôi cũng theo đó mà học. Nuôi chó trong khuôn viên nhà với hàng rào an toàn giúp giảm nguy cơ chó chạy ra đường gây rối và gặp các tai nạn giao thông”, chị Vân cho hay.

Tuy nhiên, những gia đình làm được điều này chưa thật sự nhiều.

Cần có cam kết rõ ràng

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố xây dựng quy định tạm thời về quản lý nuôi chó, mèo nhằm thể chế hóa các chính sách về hoạt động chăn nuôi cũng như đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe người dân. Quy định này khi ban hành sẽ điều chỉnh hoạt động nuôi chó, mèo làm cảnh trên địa bàn một cách quy củ.

Đây là quy định mà nhiều người sống ở nhiều tỉnh, thành phố khác cũng mong có. Anh Nguyễn Văn Thắng, hộ nuôi chó ở Đà Nẵng, cho biết: “Tôi mong ở đây cũng thực hiện như vậy. Cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền và cộng đồng để thúc đẩy việc thực hiện các biện pháp kiểm soát vật nuôi, quản lý việc nuôi chó nói riêng và xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, việc tăng cường thông tin và giáo dục cộng đồng về ý nghĩa và trách nhiệm trong việc chăm nuôi. Việc có luật lệ hoặc khế ước cho người nuôi chó là một phương tiện hữu ích để quản lý vấn đề vật nuôi thả rông và vệ sinh môi trường”.

Trên nhiều cung đường trong phố, nhiều người vẫn hay đưa chó đi cùng và họ luôn có đồ bảo hộ cho chó như dây đai hoặc túi vận chuyển để giữ chúng an toàn và thoải mái trên xe. Nhưng làm thế nào để chó của mình biết sợ mỗi khi ra đường? Anh Thắng cho lời khuyên: “Để bảo đảm rằng chó của bạn luôn biết cách hành xử đúng khi đi xe máy, hãy huấn luyện thường xuyên và duy trì sự kiên nhẫn trong quá trình này. Chỉ chở chó lưu thông trên đường phố khi chúng đã được huấn luyện tốt và nghe lệnh của bạn. Khi lái xe, hãy chú ý quan sát và kiểm soát tình huống. Nếu phát hiện chó của mình có dấu hiệu muốn nhảy xuống, hãy dừng xe và kiểm soát chúng lại trước khi tiếp tục hành trình”, anh Thắng cho biết.

“Bằng cách thực hiện các biện pháp an toàn và huấn luyện cho chó, người nuôi có thể giảm thiểu nỗi e ngại và tạo điều kiện an toàn hơn cho việc đi lại cùng chúng khi lưu thông trên đường phố. Tuy nhiên, để thành công, việc thiết lập và thực thi luật lệ hoặc khế ước đòi hỏi sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội và cộng đồng. Đồng thời, cần có các biện pháp giáo dục và tuyên truyền hiệu quả để nâng cao ý thức của người dân về vấn đề này”, anh Thắng kết luận.