Đô thị có vỉa hè làm đường cho xe đạp

Những vỉa hè ở các tuyến đường thuộc một khu đô thị mới ở TP Huế đã được sơn kẻ vạch xanh dành riêng cho người điều khiển xe đạp. Đó là những vỉa hè thuộc các tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp, nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế vừa chuyển về. Tuyến đường này cách cầu Trường Tiền tầm 2 km về hướng nam.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân đang sơn hoàn thiện phần làn đường dành cho xe đạp.
Công nhân đang sơn hoàn thiện phần làn đường dành cho xe đạp.

Làn riêng và sơn xanh ký hiệu

Giữa cái nắng oi bức mùa hè, nhiều người đi trên những tuyến đường lớn của khu đô thị An Vân Dương thoáng chút tò mò khi chứng kiến các công nhân kẻ vạch chạy dọc theo vỉa hè, sau đó quét lớp sơn xanh lá, viền mầu vàng. Anh Nguyễn Thọ, một người dân ở khu chung cư Xuân Phú, khu vực tiếp giáp với các tuyến đường bất ngờ chưa hiểu vì sao người ta lại sơn xanh kéo dài cả tuyến vỉa hè. Sau một hồi dò hỏi anh được biết đây là một trong những thiết kế dành riêng cho xe đạp.

Theo quan sát, việc kẻ vạch này được tiến hành trên bề rộng nối từ vỉa hè tuyến đường này sang vỉa hè tuyến đường khác. Những tuyến đường ở khu đô thị mới này tập trung đông cư dân bởi có nhiều tòa nhà chung cư, công sở, trường học. Vì thế mật độ lưu lượng các phương tiện di chuyển qua đây dày đặc, đặc biệt vào giờ cao điểm.

“Dọc đôi bờ sông Hương cũng có tuyến đường đi bộ và đi xe đạp cho mọi người. Thay vì họ vẽ ký hiệu xe đạp và người đi bộ để phân biệt thì ở tuyến đường này người ta sơn xanh để phân biệt một cách rõ ràng, thế cũng hay”, anh Thọ nói. Cũng theo anh Thọ, tuyến đường này tập trung đông người, trong đó có các em nhỏ di chuyển bằng xe đạp nên việc thiết kế tuyến đường dành riêng cho loại phương tiện này rất hợp lý.

Sự hợp lý này còn thể hiện ở việc phương tiện xe đạp đã phát triển nhiều trong thời gian qua ở Huế. Ngoài nhu cầu đạp xe tập thể dục vào sáng sớm hoặc chiều tối của người dân, những năm trở lại đây TP Huế cũng đã đưa vào sử dụng mô hình cho thuê xe đạp công cộng ở nhiều tuyến đường chính, các khu du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài nước và bước đầu ghi nhận được kết quả khả quan.

Hướng đến thành phố thân thiện môi trường

Thế nhưng vài ý kiến cho rằng, đã là vỉa hè thì chỉ nên dành riêng cho người đi bộ. Nếu xe đạp được bố trí làn trên vỉa hè cũng sẽ gây trở ngại, thậm chí nguy hiểm. “Một số người đi xe đạp với tốc độ cao trong khi đường đi bộ cũng có nhiều người lớn tuổi, trẻ nhỏ vậy có hợp lý không?”, chị Quỳnh Như, một người dân trú tại chung cư Nera Garden (phường An Đông), lo ngại.

Cũng có ý kiến khác cho rằng, vỉa hè là nơi người đi xe máy làm nơi đỗ xe vậy nên cần có những tính toán sao cho phù hợp. Ngoài ra, không nhất thiết sơn xanh kéo dài cả tuyến sẽ tốn kém và làm chói mắt người tham gia điều khiển phương tiện giao thông khi trời nắng. Thay vào đó, chỉ cần kẻ vạch cũng như ký hiệu là đủ.

Ông Lê Thành Bắc, Phó Trưởng ban quản lý Dự án đô thị xanh TP Huế cho biết, việc dành một phần vỉa hè cho xe đạp đã được nhiều thành phố lớn trên thế giới thực hiện nhằm khuyến khích người dân đi xe đạp, tạo nên một thành phố xanh, thân thiện với môi trường. Hiện các đơn vị thi công đã sơn kẻ vỉa hè dành riêng cho xe đạp với chiều dài gần 8 km ở vài tuyến đường chính. Nói thêm về hạ tầng ở phần được sơn kẻ này, ông Bắc cho biết, đó là tuyến đường được trải bê-tông, không thiết kế theo kiểu lát đá như vỉa hè cho người đi bộ. Cụ thể, vạch đường được sơn mầu xanh lá cây, viền đường mầu vàng, nằm phía bên trong vỉa hè. Chiều rộng 1 làn đường là 1,45 m, đoạn 2 làn là 2,9 m. Khi đưa vào vận hành, những tuyến đường này sẽ bảo đảm an toàn cho người đi xe đạp. Đây cũng nằm trong kế hoạch của địa phương với mong muốn biến Huế trở thành thành phố xanh, thân thiện với môi trường. “Dự án đô thị xanh được triển khai tại 3 địa phương là Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, Hà Giang và Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam thực hiện việc dành một phần vỉa hè để làm đường cho xe đạp. Vì mới áp dụng nên việc vận hành cần thí điểm một thời gian nhất định và cơ quan chuyên môn theo dõi kỹ để đưa ra những phân tích, có biện pháp điều chỉnh, điều tiết sao cho khoa học, hợp lý”, ông Bắc thông tin.

Dự án “đô thị xanh” được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt năm 2016 (có điều chỉnh) gồm 10 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư gần 1.700 tỷ đồng. Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm ngập lụt, vệ sinh môi trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mỹ quan đô thị cho TP Huế, từ đó nâng cao đời sống của người dân.