Vị ngọt của cây rừng

Hợp tác xã Nông nghiệp tại xã Gari đã trồng cây Tr’đin, tạo ra chuỗi giá trị từ giống cây này, giúp người dân có thu nhập ổn định và tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời dự án sản xuất siro từ cây Tr’đin không xả thải, góp phần vào nền nông nghiệp không phát thải và phát triển bền vững, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch nước của cây Tr’đin.
Thu hoạch nước của cây Tr’đin.

Nhìn ra giá trị

Những cây này không chỉ nâng cao giá trị về kinh tế mà còn giúp bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện môi trường và tăng cường sinh kế cho người dân. Việc này biến mỗi người dân thành một người bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng bản địa.

Tại xã Gari, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái rừng xanh rau sạch đã trồng khoảng 500 ha cây Tr’đin. Cây Tr’đin còn có tên gọi khác là cây đủng đỉnh hoặc móc-rượu là cây mọc hoang ở rừng thuộc họ cau. Đây là loài cây phổ biến ở núi rừng Tây Giang. Ban đầu, cây Tr’đin nằm rải rác dưới tán rừng dọc biên giới Việt-Lào và được người đồng bào Cơ Tu coi là cây quý. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, loài cây này ngày càng trở nên hiếm.

Anh Phạm Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm vườn rừng Tây Giang, nhận thấy giá trị của cây Tr’đin. Năm 2015, anh đã vận động nhiều hộ dân liên kết với HTX để trồng và phát triển vùng nguyên liệu. Đến nay, diện tích trồng cây Tr’đin đã mở rộng lên hàng nghìn ha, lan ra cả xã Gari, Ch’Ơm huyện Tây Giang và huyện Kà Lừm bên Lào.

Cây Tr’đin phát triển tốt ở độ cao trên 1.200 m so mực nước biển. Sau nhiều năm khảo sát, anh Hoàng đã phát hiện ra cây Tr’đin có nhiều ở vùng biên giới Việt-Lào và bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm siro Tr’đin. Theo anh Pơloong Hon, từ ngày tham gia HTX để trồng và thu hoạch nước cây Tr’đin, gia đình anh đã có thu nhập ổn định. Người dân Cơ Tu, từ chỗ chỉ lấy nước cây về làm đồ uống, nay đã biết đem buôn bán để có thêm thu nhập, tham gia vào chuỗi sản xuất của HTX.

Anh Phạm Thanh Hoàng chia sẻ rằng trước đây, cây Tr’đin không có giá trị kinh tế lớn, chỉ được người dân sử dụng để lên men làm đồ uống. Hiện nay, cây này có giá trị kinh tế cao nhờ vào khả năng sản xuất chất tạo ngọt tự nhiên, đặc biệt quý hiếm trong bối cảnh biến đổi khí hậu. “Nước từ cây Tr’đin có mầu trắng đục, vị ngọt như đường. Trung bình, mỗi ngày cây Tr’đin to thường cho khoảng 5 - 10 lít/ngày, đêm. Sản phẩm siro Tr’đin đang góp phần vào việc tạo việc làm ổn định cho người dân cũng như bảo tồn cây Tr’đin và giữ rừng”.

Dự án khởi nguồn từ cây Tr’đin

Theo người dân Cơ Tu, một cây Tr’đin có vòng đời 40 năm và trước khi chết sẽ ra hạt. Người có kinh nghiệm thường chọn lấy giống từ những cây to, cao để lấy hạt dẹt (hạt cái). Mỗi một cây Tr’đin thường ra mỗi năm 1 buồng, mỗi buồng có hàng vạn trái, mỗi trái thường 1 - 2 hạt. Đồng bào thường lấy hạt ở buồng ra thứ nhất, thứ nhì thì cây giống tốt hơn, về sau cho thu hoạch nhiều nước hơn. Từ những hạt này, người dân ươm giống và trồng lại. Cây Tr’đin có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt, giúp hạn chế xói mòn và sạt lở ở vùng cao. Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ông Nguyễn Văn Lượm cho biết, huyện đã chủ trì hướng dẫn doanh nghiệp và HTX xây dựng đề tài khởi nghiệp sáng tạo để phát triển cây Tr’đin, đồng thời hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật và các điều kiện cần thiết để tăng lượng cây trồng.

Giá trị kinh tế của chất tạo ngọt tự nhiên từ cây Tr’đin được định giá khoảng từ 15-16 USD lít. Mục tiêu của dự án là tạo việc làm bền vững cho bà con dân tộc thiểu số và bảo đảm đời sống an sinh xã hội, đồng thời góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp không phát thải. Anh Phạm Thanh Hoàng nhấn mạnh, lợi nhuận từ dự án sẽ được chia sẻ công bằng giữa doanh nghiệp và người dân, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững.

Việc ươm và trồng cây Tr’đin không chỉ góp phần phủ xanh rừng mà còn giúp tái tạo và giữ nguồn nước. Dự án hướng tới mở rộng liên kết sản xuất với gần 1.000 hộ gia đình và tạo ra hơn 3.000 cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là trong việc bảo vệ và phát triển rừng, vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, không phát thải.

Tháng 5/2023, Dự án “Forest Foods - đường tự nhiên hữu cơ” sản xuất siro Tr’đin đã tham gia cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội (SBC) và lọt vào vòng chung kết tổ chức tại Canada. Dự án này góp phần thực hiện 8 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ. Quy trình sản xuất siro Tr’đin không xả thải vào nguồn nước, giảm thiểu khí thải carbon, bảo vệ môi trường và không gây hại cho con người.