Theo Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS), thành viên Ban tổ chức cuộc thi, việc nước ta quyết tâm thực hiện cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2021 (COP26) sẽ có nhiều thách thức, đồng thời mang đến nhiều cơ hội để phát triển, hứa hẹn là động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt trong bối cảnh đang có xu hướng dịch chuyển xanh trên thế giới và Việt Nam. Cuộc thi là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế xanh đã có sản phẩm khả dụng tham gia, nhằm giải quyết các vấn đề và giảm tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. Đồng thời, thông qua đây sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thí điểm triển khai giải pháp tại Việt Nam, quảng bá tới thế giới và kết nối với các nhà đầu tư.
Cuộc thi tập trung vào ba lĩnh vực chính là Năng lượng tái tạo và Trung hòa carbon, Hệ thống lương thực và Nông nghiệp bền vững và Kinh tế tuần hoàn và Quản lý rác thải. Theo thể lệ, các đội cần phát triển một sản phẩm thử nghiệm (Minimal Viable Product, MVP) có tiềm năng nhân rộng hoặc thương mại hóa thành công và sẵn sàng triển khai thí điểm tại Việt Nam. Các đội có thể là công ty khởi nghiệp, đội ngũ nghiên cứu, dự án của doanh nghiệp, hoặc tổ chức phi lợi nhuận sẵn sàng cho một dự án thử nghiệm quy mô lớn. Các giải pháp đã thương mại hóa tại nước ngoài nhưng muốn thí điểm tại Việt Nam cũng có thể tham gia.
Thông qua yêu cầu chung, cuộc thi cũng hướng tới việc thiết lập nền tảng mở cho khởi nghiệp xanh (open innovation platform), giúp các bên liên quan trong lĩnh vực công nghệ chống biến đổi khí hậu có thể hỗ trợ và hợp tác hiệu quả. Nền tảng này cũng đồng thời kết nối các tập đoàn với các công nghệ xanh, hỗ trợ các nhà sáng lập huy động thêm nguồn vốn xanh, nhằm hỗ trợ công nghệ khí hậu giai đoạn đầu tại Việt Nam có thể nhanh chóng phát triển ở quy mô lớn.
Từ trước đến nay, các giải pháp về chống biến đổi khí hậu thường thu hút ít vốn đầu tư hơn so các lĩnh vực công nghệ khác. Ngoài ra, để các sáng kiến xanh đạt được tác động lớn và có thể thương mại hóa nhanh chóng hơn cần có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ và các tập đoàn. Với sự hỗ trợ “mạnh tay” từ các quỹ đầu tư, hy vọng các startup công nghệ khí hậu có thể phát triển nhanh chóng hơn để giải quyết các vấn đề lớn về biến đổi khí hậu ở Việt Nam.