Ẩn họa từ những “thẩm mỹ viện” chui

Một bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ phải học gần 10 năm để có thể thực hiện các thủ thuật như tiêm filler, botox, hay căng chỉ. Trong khi đó, một thợ cắt tóc chỉ cần học chưa đến 1 tuần là đã có thể tiêm trực tiếp luôn cho hàng chục khách hàng. Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở chăm sóc sắc đẹp chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Vì ham rẻ, nhiều người vẫn mạo hiểm làm đẹp tại các cơ sở chưa được cấp phép.
Vì ham rẻ, nhiều người vẫn mạo hiểm làm đẹp tại các cơ sở chưa được cấp phép.

Tiêm filler trong tiệm gội đầu

Đi gội đầu ở hàng cắt tóc trong ngõ Trung Kính đến lần thứ hai, chị Ngô Thị Hoài (Trung Kính, Cầu Giấy), được nhân viên gội đầu tư vấn và mời gọi tiêm filler (chất làm đầy) để giúp xóa nếp nhăn, giảm các dấu hiệu lão hóa, cải thiện khuyết điểm trên khuôn mặt. Hỏi kỹ về bằng cấp, cô gái vô tư nói đã có chứng chỉ hành nghề do một trung tâm thẩm mỹ có tiếng ở Hà Nội cấp. Cô được một “CEO kiêm bác sĩ”, trực tiếp hướng dẫn dạy trong 2 ngày với học phí hơn 8 triệu đồng. “Chuyên gia thẩm mỹ” tự xưng này cho biết, đã tiêm cho khá nhiều người trong khu phố. Đang nói chuyện, chị Hoài ngay lập tức bỏ luôn ý định khi thấy một bác gái bước vào tiệm, yêu cầu “tiêm thêm cho bác một lần nữa” vì chỗ cằm đang chảy xệ (?).

Thực tế khách hàng rất khó phân biệt được giữa các phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép với các “viện thẩm mỹ” chỉ có chức năng chăm sóc da, tóc, móng tay. Theo dõi trang mạng của một thẩm mỹ viện luôn tung ra những mời chào làm đẹp và hình ảnh đẹp long lanh, chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) thử liên hệ và sau đó liên tục nhận được những cuộc gọi tư vấn dịch vụ tiêm filler với “ưu đãi”. Đến tận nơi, đó chỉ là một tiệm spa trong một con ngõ nhỏ. Chị Hoa được tư vấn tiêm môi, cằm và hàm, với mức giá 900 nghìn đồng cho 1cc, thay vì giá gần 2 triệu đồng cho 1cc như trên thị trường. Nếu tiêm cả môi, cằm hàm, sẽ được miễn phí 3cc đầu tiên. Tiệm gội đầu này cam kết bảo đảm thuốc xịn, cam kết bảo hành. Khi được hỏi về rủi ro, chủ tiệm cam đoan rằng “đã được đào tạo xử lý các biến chứng và có nhóm hỗ trợ nếu có xảy ra biến chứng”.

Luật pháp quy định, các phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện. Đây là dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật cao, phải là các bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật tạo hình-thẩm mỹ, bác sĩ chuyên khoa da liễu có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ hành nghề theo quy định mới được thực hiện.

Quy định là vậy, nhưng hiện nay, nhiều cơ sở như spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng tự mua, mượn máy móc thực hiện cho người tiêu dùng ham rẻ. Không có con số thống kê nào chính xác về những tai nạn trong can thiệp thẩm mỹ hiện nay. Đầu năm 2024, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ tại Đồng Nai gặp biến chứng mất thị lực mắt trái sau khi tiêm filler vào môi, cằm, mũi. Cách đó không lâu, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cũng đã tiếp nhận trường hợp người phụ nữ ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng hoa mắt, chóng mặt, co giật, mắt bên trái không còn nhìn thấy do tiêm filler tại spa của người quen. Còn đa số những phẫu thuật thẩm mỹ hỏng khác, nạn nhân sẽ tiếp tục tìm đến các spa để “sửa”, hoặc âm thầm tìm đến bệnh viện để các bác sĩ xử lý.

Khóa đào tạo trong... 3 ngày

Nhiều thẩm mỹ viện hiện nay liên tục mở các “khóa đào tạo chuyên viên thẩm mỹ”, chạy quảng cáo để thu hút học viên. Theo quảng cáo, một khóa học để trở thành chuyên viên thẩm mỹ có từ 4-5 học viên, được hướng dẫn cách tiêm botox, filler, căng mí và được cấp bằng chỉ sau vài ngày. Với mức học phí từ 10 đến 30 triệu đồng, điều đáng nói là ai cũng có thể theo học, không yêu cầu bằng cấp, không yêu cầu kinh nghiệm với cam kết được “cầm tay chỉ việc”, “được thực hành luôn tại các cơ sở chăm sóc sắc đẹp”.

Thử liên hệ với một spa tại Hà Nội liên tục mở các khóa “đào tạo chuyên gia thẩm mỹ”, PV được đề nghị luôn mức khuyến mại 30% cho một khóa học tiêm filler cơ bản có giá 13 triệu đồng, tặng kèm khóa học nối mi. Học viên được cam kết sẽ được học lý thuyết 3 ngày sau đó là thực hành trên người mẫu thật. Ngoài ra còn có khóa VIP 30 triệu đồng/tháng kèm theo quyền lợi “học trọn đời”, tặng kèm khóa nâng chỉ mũi, tiêm bắp, tiêm meso, thiết kế môi… Học viên không yêu cầu bằng cấp, lịch học tùy chỉnh theo nhu cầu và do chủ spa trực tiếp hướng dẫn. Sau khi học xong, học viên sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề thậm chí được tư vấn, hỗ trợ thủ tục trong trường hợp “nếu có nhu cầu mở spa”.

Những khóa học này thường được gắn với những cụm từ “đóng học phí một lần học trọn đời”, “kiếm tiền khủng vừa học vừa kiếm tiền”, “thời gian thực hành không giới hạn”. Từ những người không biết gì về y tế, thẩm mỹ, chỉ sau vài buổi học họ có thể trở thành chuyên gia, thực hiện các thủ thuật vốn chỉ dành cho bác sĩ nhiều kinh nghiệm.

Theo các chuyên gia, đa phần các trường hợp gặp biến chứng khi tiêm filler đều do thực hiện ở các cơ sở không phép; người thực hiện không phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ hoặc da liễu, không được đào tạo một cách bài bản về filler. Điều này rất nguy hiểm, vì tiêm filler là một thủ thuật ngoại khoa. Biến chứng tắc mạch mắt là biến chứng nặng nề nhất của tiêm filler. Ngoài việc gây mù mắt, mất/giảm thị lực, còn đe dọa tắc các động mạch nuôi da, cơ thần kinh quanh ổ mắt, tắc mạch máu não thậm chí gây tử vong.