Nghiệp đoàn - Điểm tựa cho lái xe công nghệ

TP Đà Nẵng vừa thành lập Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab. Đây là bước tiến bộ nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở khu vực phi chính thức.
0:00 / 0:00
0:00
Chị Sương (giữa) cùng đồng nghiệp trong ngày nhận quyết định thành lập nghiệp đoàn.
Chị Sương (giữa) cùng đồng nghiệp trong ngày nhận quyết định thành lập nghiệp đoàn.

Nữ lái xe Grab đầu tiên của thành phố

Chị Võ Thị Thu Sương (SN 1966), từng công tác tại khoa Dược, Bệnh viện Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong nhiều câu chuyện đã xảy ra, chị bảo mình cũng không còn nhớ lý do gì, sau đó chị đã nghỉ việc. Năm 2017, về Đà Nẵng, chị Sương bắt đầu chạy xe ôm công nghệ và là một trong những nữ lái xe Grab đầu tiên của thành phố biển.

Chị Sương kể: “Là nữ giới, những chuyện không may xảy ra trong chừng ấy năm chạy xe tôi đều trải qua. Từ những cuốc xe không kể mưa nắng hay ngày đêm, hay gặp khách hàng khó tính, hoặc gặp khách say xỉn, cũng có những cuốc xe đi vào đoạn đường vắng, nguy hiểm”.

Tuy vất vả nhưng chị Sương bám trụ với nghề đến nay đã 7 năm, hàng nghìn chuyến xe, đơn hàng đã được chị thực hiện. Bên cạnh đó, chị có mối quan hệ gắn kết với anh em lái xe công nghệ. Là “chị cả” của cộng đồng Grab Đà Nẵng, chị nắm rõ nhiều trường hợp khó khăn, ai gặp hoàn cảnh gì chị cũng kêu gọi mọi người ủng hộ, rồi ai gặp các tình huống khó khăn trong lúc hành nghề cũng được chị tư vấn, gỡ rối. Chị Sương được mọi người tin tưởng bầu là Đội trưởng đội Grab.

Bản thân lại từng là lao động trí thức, chị càng thấy rõ hơn những thiệt thòi mà những lao động ở khu vực phi chính thức phải chịu. Đó là không có phúc lợi, chế độ chăm sóc, mỗi người tự lao động, không có sân chơi hay đoàn thể để gắn kết, nhất là nghề này luôn có nhiều rủi ro.

“Tôi thấy ở nhiều nơi đã có các nghiệp đoàn lái xe công nghệ gắn kết các lái xe lại với nhau. Tôi cũng thấy Đà Nẵng có nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo cho đời sống người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, tôi mong muốn những lái xe Grab như chúng tôi cũng được quan tâm, chăm lo đời sống hơn”, chị Sương chia sẻ.

Những trăn trở của chị Sương đã được Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng lắng nghe. Chỉ trong 2 tuần, Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng ra đời.

Theo Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 300 nghìn lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức. Phần nhiều trong số này có việc làm chưa ổn định, thu nhập bấp bênh, không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các phúc lợi xã hội khác. Đây là một con số không nhỏ và là trăn trở của Liên đoàn làm sao để tập hợp, quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ, chăm lo và đại diện bảo vệ.

Cầu nối tin cậy của đoàn viên công đoàn mới

Nghiệp đoàn lái xe công nghệ Grab Đà Nẵng gồm 184 đoàn viên, trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố. Nghiệp đoàn có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản ngân hàng. Chị Võ Thị Thu Sương được tín nhiệm của tất cả các đoàn viên trở thành Chủ tịch Nghiệp đoàn cùng 6 anh chị khác được bầu vào Ban chấp hành.

Ngày nhận “nhiệm vụ” mới, chị Sương chia sẻ: “Chúng tôi sẽ làm việc hết sức mình để cùng với công đoàn các cấp chăm lo, đại diện, bảo vệ cho anh chị em lái xe công nghệ trên địa bàn thành phố, giúp các anh chị em yên tâm làm việc, góp phần cải thiện thu nhập, có trách nhiệm với bản thân, đồng nghiệp và tổ chức”.

Chị Mai Thị Thu Tuyết (SN 1988, quê Thanh Hóa) vào Đà Nẵng mưu sinh đã nhiều năm nay. Hai vợ chồng đều lựa chọn chạy xe công nghệ để có thể phân chia thời gian chăm sóc hai con nhỏ. Khi nghe chị Sương tuyên truyền về việc thành lập nghiệp đoàn, tin tưởng vào người “chị cả”, chị Tuyết đã làm đơn tham gia ngay.

Ngày đến dự lễ thành lập, chị Tuyết được hỗ trợ thẻ bảo hiểm tai nạn, là một trong 50 đoàn viên của nghiệp đoàn nhận được quà hỗ trợ đoàn viên khó khăn. Chỉ điều này đã làm cho chị vui cả ngày hôm đó. “Mình từng là công nhân nên cũng hiểu tham gia công đoàn sẽ có những sự chăm lo đến những người lao động. Hôm nay, có nghiệp đoàn, tôi cảm giác như có một điểm tựa để những lái xe như chúng tôi yên tâm hơn, được quan tâm như những lao động bình thường khác”, chị Thu Tuyết tâm sự.

Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng nghiệp đoàn để xây dựng cơ chế hoạt động cũng như ban hành các quy định, phân công nhiệm vụ trong Ban chấp hành.

Ông Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho biết, nhân dịp công bố các quyết định, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 5 triệu đồng kinh phí ban đầu để nghiệp đoàn thuận lợi tổ chức hoạt động. Đồng thời, tặng 50 suất quà trị giá 500 nghìn đồng/suất để động viên 50 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, tặng 184 thẻ Bảo hiểm tai nạn cho 184 đoàn viên tiên phong tham gia nghiệp đoàn (mỗi hợp đồng bảo hiểm tai nạn trị giá 50 triệu đồng).