Nuôi chó ngao, hết thời nhưng còn ẩn họa

Chó ngao Tây Tạng được ví như sư tử của vùng núi tuyết hay chúa tể miền thảo nguyên dưới chân núi Hymalaya. Khoảng 10 năm nay, ở Việt Nam nuôi chó ngao được xem là thú chơi vô cùng tốn kém. Việc nuôi và thả rông loài chó này trong gia đình đang là ẩn họa nguy hiểm và cũng dần hết thời.

Chó ngao được trẻ em và người lớn dắt ra ngoài đường mà không đeo rọ mõm, rất nguy hiểm.
Chó ngao được trẻ em và người lớn dắt ra ngoài đường mà không đeo rọ mõm, rất nguy hiểm.

Thú nuôi tốn kém, không còn hợp thời

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2008 chú chó ngao Tây Tạng đầu tiên được nhập về tỉnh Quảng Ninh. Ngao Tây Tạng nhanh chóng trở thành con vật được nhiều người săn đón.

Anh Kiều Hoàng, một người nuôi ngao Tây Tạng lâu năm và hiện là chủ trại chó ngao Phương Hoàng (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết, trước đây nhiều bạn trẻ ở Việt Nam đam mê ngao đã từng sang tận Tây Tạng để săn chó về nuôi. Nhiều con chó ngao trưởng thành mua tại Trung Quốc có giá lên đến vài trăm triệu đồng. Chó đắt hay rẻ không chỉ phụ thuộc vào trọng lượng mà người ta cũng để ý đến bộ lông, nét mặt, tâm tính và sự công phu của chủ nuôi.

Anh Hoàng cũng cho biết trang trại của mình hiện là nơi cung cấp ngao Tây Tạng lớn nhất miền bắc với số lượng có lúc tới cả trăm con. Ngao Tây Tạng từ 2-6 tháng tuổi với trọng lượng 5-30 kg được trại bán ra với giá từ 25-40 triệu đồng/con. Ngao Tây Tạng là loài chó to lớn và theo anh Hoàng thì nếu được nuôi trong điều kiện tốt, có chế độ dinh dưỡng phù hợp thì chúng có thể đạt trọng lượng khoảng 60-70 kg.

Nhưng anh Hoàng thừa nhận rằng số lượng ngao Tây Tạng mà trại bán ra ngày càng sụt giảm do ngao Tây Tạng không phù hợp với điều kiên thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam và việc chăm sóc vô cùng tốn kém, công phu, mất nhiều thời gian.

Theo anh Nguyễn Phương, một người vẫn đang nuôi chó ngao ở quận Tây Hồ, Hà Nội, giống chó này rất trung thành với chủ, có thể nuôi làm cảnh hoặc giữ nhà. Tuy nhiên để có được một chú chó đẹp là chuyện không dễ chút nào. Nuôi ngao Tây Tạng thì chủ phải có niềm đam mê mãnh liệt và dành nhiều thời gian để ở bên chúng. Ngoài ra cần phải có kinh nghiệm nuôi và sân vườn rộng để cho chó chơi, chạy nhảy… Chính vì thế hầu hết người nuôi chó ở Hà Nội do điều kiện nhà cửa chật chội, sau một thời gian đã phải bỏ cuộc.

Anh Phương cho biết, nuôi loại chó này cũng rất tốn kém. Khi chúng đạt đến trọng lượng khoảng 40-70 kg thì hằng tháng có thể ngốn hết vài triệu tiền thức ăn và phụ phí khác, cũng chẳng kém gì chi phí nuôi một đứa trẻ. Các bữa ăn cho chó trong ngày phải thay đổi phong phú từ cám, cháo, thịt lợn, thịt gà, thịt bò cho đến thức ăn chuyên dụng như Fitmin, rồi bồi bổ thêm trứng gà, dầu cá… Ngoài ra hằng ngày chó ngao còn được vệ sinh, tắm rửa và chải chuốt bộ lông cho mượt mà.

Cũng vì tốn kém, không có thời gian chăm sóc… mà anh Minh Tuấn (TP Hải Dương) mới đây phải rao bán đôi chó ngao. Anh Tuấn tâm sự, vợ chồng anh đều thích chó ngao từ nhiều năm nay. Sau khi mua được một đôi ở trại chó Mỹ Hào, Hưng Yên nuôi cho thỏa đam mê, anh phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức để chăm sóc. Sau khi có con nhỏ và bận rộn với công việc nên không còn thời gian để chăm sóc đôi con chó nữa.

Anh Xuân Lộc hiện đang là giám đốc điều hành của trang web thukieng.com, một trong số các nơi cung cấp chó - mèo cảnh lớn nhất Việt Nam. Nói về ngao Tây Tạng, anh Lộc cho biết ngay, bên thukieng.com không bán giống cho này nữa. Bởi loài chó này không phù hợp với điều kiện thời tiết Việt Nam (ở bắc chỉ có hai, ba tháng mùa đông lạnh giá là tương đối phù hợp với đặc điểm sinh học của ngao Tây Tạng, còn lại các vùng phía nam và những mùa khác trong năm đều không thích hợp). Loài chó này chỉ đẹp khi có bộ lông xù mượt mà trong điều kiện thời tiết lạnh giá, nhiều lúc dưới âm độ như bên Trung Quốc.

Chính vì đặc điểm khí hậu nóng, ẩm nên chó ngao nuôi ở Việt Nam hay mắc phải bệnh, dịch dẫn đến chết. Nhiều người bỏ đống tiền ra nuôi rồi mất, còn những con sống sót thì cũng không đẹp như bên Tây Tạng, bởi khi thời tiết nóng ẩm, lông chó sẽ dụng tả tơi. Hơn nữa, anh Lộc cũng cho biết thêm, người chơi hiện nay thường tìm đến những giống chó thông minh, phục vụ nhu cầu giao lưu tình cảm, chứ không mua chó bằng cảm xúc, adua như trước đây. Trại chó Sơn Tây cũng đã bỏ nhập và bán loài chó ngao.

Những ẩn họa khôn lường

Loài chó ngao Tây Tạng được gọi là mãnh cẩu, mệnh danh sư tử vùng núi tuyết hay chúa tể nơi thảo nguyên… cũng bởi đặc tính hung dữ, lì lợm của nó. Hiện nay ngao được nuôi và huấn luyện ở Tây Tạng để bảo vệ đàn gia súc, mùa màng và cuộc sống người dân khỏi các loài thú hoang như chó sói, hổ, báo. Chính vì thế mục đích nuôi làm cảnh trong nhà của giống chó này chưa bao giờ được đề cao.

Đặc biệt, loài chó này có một tính cách độc đáo là chỉ trung thành với một chủ (người trực tiếp nuôi chúng). Còn những người khác sẽ rất khó gần, làm quen với chó. Khi về Việt Nam, ngao Tây Tạng bị biến thành giống chó cảnh thuần túy để vui chơi, đùa nghịch trong nhà. Chính vì vậy những mối nguy hiểm sẽ luôn luôn rình rập với các thành viên trong nhà, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Vụ việc đau lòng xảy ra mới đây ở Hà Nội, khi bé gái 8 tháng tuổi bị con chó ngao 40 kg cắn tử vong như một hồi chuông cảnh báo thật sự cho những ai đã và đang nuôi loài chó được xem là nguy hiểm nhất thế giới này. Đây là vụ tử vong đầu tiên liên quan đến chó ngao được biết tại Việt Nam, còn trên thế giới (chủ yếu là Trung Quốc - thủ phủ chó ngao) thì đã không ít lần chúng làm bị thương và cướp đi mạng người.

Theo các chuyên gia huấn luyện chó chuyên nghiệp ở Việt Nam thì có rất nhiều lý do loài chó nói chung và ngao cảnh nói riêng tiến công người, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Đó là trẻ em thường hay ôm ấp, hôn hít, cấu véo hay có những hành động bất ngờ, khiến chó bị hoảng loạn và phản kháng lại.

Chúng tôi đã được xem hình ảnh một ông bố ở Hải Dương nuôi chó ngao và thường xuyên cho cô con gái của mình ôm ấp, thậm chí cưỡi lên lưng chó. Hay như ở Hưng Yên có gia đình luôn cho cậu con trai bế, ôm con chó ngao gần 30 kg như món đồ chơi hằng ngày… Dường như những ông bố, bà mẹ này không lường trước được hết các mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn sau những hành động trên.

Hầu hết chó ngao ở Việt Nam đang được thả rông, lại không có các biện pháp cách ly và bảo vệ an toàn cho người như: rọ mõm, xích chuyên dụng, chuồng nhốt… Chúng ta có thể bắt gặp những con chó ngao to tớn, hung tợn ngay trên đường đi, trong công viên hay chúng đùa nghịch với trẻ nhỏ ở sân nhà người dân. Trong khi đó, theo Cục Thú y, chó cảnh cũng thuộc danh mục phải kiểm dịch, nhưng việc quản lý, kiểm dịch gặp nhiều khó khăn do chó được phân tán nhỏ lẻ trong các gia đình và vận chuyển về Việt Nam theo đường đi du lịch cá nhân… Đây thật sự là vấn đề đáng ngại và cần có những biện pháp tuyên truyền, ràng buộc mang tính pháp lý đối với người nuôi chó cảnh, trong đó có chó ngao Tây Tạng hiện nay.

NHỮNG LƯU Ý: Khi nuôi chó ngao, đặc biệt nhà có trẻ nhỏ càng cần phải cảnh giác cao độ. Phải có biện pháp bảo vệ, cách ly chó với trẻ nhỏ; Nhận biết những dấu hiệu chó đang khó chịu với trẻ nhỏ như: Chó quay mặt đi, chó ngáp khi trẻ đến gần, chó cào và liếm người nó…; Người lớn không được cho trẻ nhỏ lại gần chó lạ dù đang được nhốt, xích; Phải có người giám sát khi trẻ con chơi với chó cảnh; Không cho trẻ nhỏ lấy đồ ăn, đồ uống khi chó đang sử dụng…