“Núi nợ” của giới trẻ châu Á

Squid Game (tạm dịch: Trò chơi con mực), là bộ phim Hàn Quốc về các nhân vật vì đối mặt khoản nợ chồng chất mà sẵn sàng tham gia trò chơi tử thần để giành tiền thưởng được phát hành hồi tháng 9, đã trở thành một trong những chương trình được xem nhiều nhất từ ​​trước đến nay của nền tảng video trực tuyến Netflix. Câu chuyện hư cấu trong Squid Game nổi tiếng vì phần nào đã phản ánh đúng thực trạng chật vật về kinh tế hiện nay của nhiều người dân trên thế giới, trong đó có giới trẻ ở châu Á. 

Đại dịch khiến nợ cá nhân của giới trẻ Singapore gia tăng. Ảnh: THE STRAITS TIMES
Đại dịch khiến nợ cá nhân của giới trẻ Singapore gia tăng. Ảnh: THE STRAITS TIMES

Squid Game đời thực

Theo The Guardian, trong các năm gần đây, nợ hộ gia đình tại Hàn Quốc đã gia tăng và hiện tương đương hơn 100% GDP của nước này, mức chưa từng thấy ở các quốc gia châu Á. Tờ báo lấy dẫn chứng về cuộc sống của Choi, một người đàn ông 35 tuổi, làm nghề giao đồ ăn nửa thời gian, tại một con hẻm tồi tàn ở quận Gangnam giàu có ở Thủ đô Seoul. Cùng khoảng 30 người khác, Choi sống trong căn phòng nhỏ thuộc một khu nhà trọ giá rẻ mà theo Choi mô tả “căn phòng chỉ lớn hơn một chút so… chiếc quan tài”. Nếu được sống trong một thế giới hư cấu như trong Squid Game, hoàn cảnh của Choi có lẽ cũng không “lép vế” so các thí sinh vốn mang nợ nần chồng chất, sẵn sàng bỏ mạng, tranh đua với nhau để giành tiền thưởng.

The Guardian cho rằng, hoàn cảnh tuyệt vọng của Choi chỉ là một trong số lớn và ngày càng tăng những người Hàn Quốc cảm thấy bị mắc nợ, ở một đất nước mà việc vay tiền dễ như mua một tách cà-phê. Nợ nần đi đôi với chênh lệch thu nhập gia tăng đáng kể. Tình hình trầm trọng hơn khi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng cao và giá bất động sản ở các thành phố lớn vượt quá khả năng của hầu hết người lao động bình thường.

Hai năm trước, Choi từng là kỹ sư công nghệ thông tin cho một công ty ở Pangyo, nơi được ví như Thung lũng Silicon của Hàn Quốc. Nhiều năm làm thêm giờ và thức khuya đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của Choi. Thảo luận và cân nhắc kỹ, với số tiền tiết kiệm được, Choi và vợ quyết định mở một quán rượu ở quê nhà Incheon. Tham vọng tưởng chừng khiêm tốn này khiến họ phải hối tiếc. Sau khởi đầu đáng khích lệ, quán của họ trở thành nạn nhân của đại dịch Covid-19. Tới lúc các quán rượu và nhà hàng được yêu cầu đóng cửa trước 9 giờ tối để ngăn chặn virus lây lan, số lượng khách tới quán của Choi đã giảm dần và xuống tới con số 0.

Choi cho biết, đôi khi không có khách hàng nào, hai vợ chồng vẫn bật nhạc to để cổ vũ tinh thần, dù biết điều đó đồng nghĩa với hóa đơn tiền điện cao hơn. Đến khi không trả được tiền thuê nhà trong bốn tháng, vợ chồng họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ các ngân hàng. Bảo đảm một khoản vay ngân hàng dễ dàng một cách đáng ngạc nhiên, nhưng họ đã bị sốc khi thấy lãi suất cao ngất ngưởng.

Trong vòng vài tháng, vợ chồng Choi đã vay tiền từ tất cả năm ngân hàng của Hàn Quốc, sử dụng nhà của họ làm tài sản thế chấp. Họ phải vay nhiều hơn để trả các khoản vay hiện có, gia nhập hàng ngũ các chủ doanh nghiệp gặp khó khăn mong muốn bảo đảm tiền mặt từ những người cho vay thương mại, với lãi suất hơn 17%. Những cuộc gọi và tin nhắn yêu cầu hoàn trả các khoản vay dần chiếm lấy cuộc sống của vợ chồng Choi. 

Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm thoát khỏi vòng xoáy nợ nần, vợ của Choi đã tìm được công việc tại một nhà hàng ở vùng khác của đất nước. Vợ chồng họ nhờ cha mẹ Choi trông nom hai đứa con nhỏ của họ. Choi cho biết, anh đã nghe nói rất nhiều về Squid Game, nhưng không thể trở thành một phần của cơn sốt toàn cầu đã giúp bộ phim dài chín tập thu hút hàng chục triệu người xem. Đơn giản bởi Choi không sẵn tiền mua tài khoản Netflix và chua xót hơn khi Choi nói rằng, tại sao anh lại muốn xem trên truyền hình trả phí loạt người với các khoản nợ khổng lồ, trong khi có thể tự nhìn mình trong gương.

Đạo diễn Squid Game Hwang Dong-hyuk chia sẻ, những câu chuyện và rắc rối của các nhân vật được cá nhân hóa, nhưng cũng phản ánh các vấn đề và thực trạng của xã hội Hàn Quốc. Kịch bản phim được Hwang viết năm 2008, nhưng sau đó được chỉnh sửa để khắc họa thêm những lo lắng mới, trong đó có cả các vấn đề liên quan tác động của đại dịch Covid-19.

“Núi nợ” của giới trẻ châu Á -0
Nhiều thanh niên Hàn Quốc đang ngập trong khoản nợ ngân hàng. Ảnh: KEDGLOBAL 

Bẫy tín dụng

Là nền kinh tế lớn ở châu Á, tuy nhiên theo thống kê của Undercover Asia, chỉ số nợ của hộ gia đình theo thu nhập bình quân đầu người tại Hàn Quốc cao nhất châu lục. Hầu hết nợ của các hộ gia đình Hàn Quốc liên quan những khoản vay sinh viên, mua xe, thế chấp nhà, vay kinh doanh nhỏ, nợ thẻ tín dụng. Trong khi đó, ngày càng nhiều người trẻ ở độ tuổi 20 tại Hàn Quốc lâm vào cảnh nợ nần vì vay tín dụng để thỏa mãn đam mê trò chơi điện tử, cờ bạc, mua sắm trực tuyến... 

Chính phủ Hàn Quốc khởi động lại nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997 bằng cách khuyến khích người dân chi tiêu. Việc giảm thuế cho các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng góp phần thúc đẩy việc chi tiêu tín dụng bùng nổ. Số lượng các công ty phát hành thẻ ngày càng tăng, trong khi các yêu cầu để cấp tín dụng ngày càng được nới lỏng. Năm 2019, ước tính trung bình mỗi người Hàn Quốc có khoảng bốn thẻ tín dụng, trong đó việc sử dụng thẻ tín dụng chiếm khoảng 70% chi tiêu cá nhân. Với mức tăng 18,5%, khách hàng dưới 29 tuổi là nhóm có tỷ lệ tăng trưởng nợ cao nhất trong các nhóm nhân khẩu học.

Gần đây, Ủy ban dịch vụ và giám sát tài chính của Hàn Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn nhiều người Hàn Quốc rơi vào cảnh nợ nần. Các ngân hàng lớn cũng đã hành động để hạn chế cho vay. Tuy vậy, dư luận vẫn băn khoăn bởi điều này liệu có thật sự giúp ích, đặc biệt là ở giữa đại dịch Covid-19.

Nợ vượt khả năng chi trả không chỉ là câu chuyện riêng ở Hàn Quốc. Tại Singapore, đại dịch khiến nợ cá nhân, thấu chi và nợ thế chấp của người trẻ tuổi có chiều hướng tăng mạnh, đặc biệt là trong nhóm người từ 20 đến 30 tuổi. The Straits Times dẫn số liệu từ Cục Tín dụng Singapore (CBS) cho biết, nợ cá nhân trung bình và số dư thấu chi (tức là chi vượt quá số tiền có trong tài khoản ngân hàng) của những người trong độ tuổi 20 đến 30 tại Singapore tăng mạnh nhất, với mức tăng 23% trong quý I/2021 so quý IV/2020. Cụ thể, trong quý I/2021, các khoản vay cá nhân và số dư thấu chi của nhóm người này tăng lên mức bình quân là 49.689 dollar Singapore (SGD), tương đương khoảng 36.600 USD, tăng so với mức bình quân 34.942 SGD cùng kỳ năm 2020. Số liệu của CBS cũng cho thấy, với người dưới 30 tuổi, tỷ lệ nợ quá hạn ngân hàng, gồm các khoản nợ quá hạn 30 ngày trong quý đầu của năm 2021 tăng 13,4% so ba tháng trước đó. Tỷ lệ nợ thế chấp trong nhóm tuổi này cũng tăng 2,6%.

Nguyên nhân của tình trạng trên được cho là do tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, cũng như thu nhập thấp hơn vì thời gian làm việc ít hơn. Trên thực tế, nhiều người ở Singapore đã chấp nhận làm việc ít thời gian hơn thay vì bị mất việc. Ở thời điểm tháng 3/2021, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người dưới 30 tuổi là 6,4%. 

Còn tại Trung Quốc, theo Bloomberg, giới chức Bắc Kinh đã siết chặt các hoạt động cho vay tín dụng của nhiều tổ chức tài chính vốn không được kiểm soát trước đó, đồng nghĩa với việc sinh viên không còn dễ dàng tiếp cận với các khoản vay trực tuyến từng rất phổ biến. Các nền tảng cho vay buộc phải ngừng cung cấp khoản vay trực tuyến cho sinh viên và rút bớt tín dụng hiện có. Trước khi cho sinh viên đại học vay tiền, các ngân hàng yêu cầu phải trải qua nhiều thủ tục bảo đảm.

Theo nghiên cứu của McKinsey & Co., so nhóm cùng tuổi tại các nước và các thế hệ trước, người trẻ ở Trung Quốc có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, thậm chí là vượt khả năng chi trả của bản thân. Và nhóm người trẻ này trở thành “con mồi béo bở” của các bên cung cấp những khoản vay trực tuyến ngắn hạn, với lãi suất hằng năm có thể lên tới 15 đến 24%. 

Bà Alicia Garcia Herrero - Nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á và Thái Bình Dương của Tập đoàn ngân hàng quốc tế Natixis cho rằng, fintech - công nghệ tài chính, là một dạng khác của “ngân hàng bóng tối”. Do đó, chuyên gia này kêu gọi cơ quan quản lý kinh tế các nước kiên quyết kiểm soát các khoản tín dụng dễ dàng nhằm bảo vệ thế hệ trẻ.