(Tiếp theo và hết)
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang bủa vây các dòng sông, tuyến kênh, rạch trên địa bàn, chính quyền TP Hồ Chí Minh đang đưa ra những giải pháp, việc làm cụ thể nhằm đem lại môi trường xanh, sạch, góp phần bảo vệ các dòng sông, tuyến kênh, rạch. Các chuyên gia về môi trường cho rằng, cần sự chung sức của cả cộng đồng.
Bảo vệ hành lang các tuyến sông, kênh, rạch
Song song nhiều việc làm cụ thể của chính quyền thành phố cùng các sở, ngành liên quan và các địa phương nhằm cải tạo môi trường, nâng cấp hạ tầng các tuyến sông, kênh, rạch; kêu gọi đầu tư vốn vào việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, các dự án cải tạo môi trường, chống ngập úng…, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ các tuyến sông suối, kênh, rạch… bao gồm 59 tuyến và 72km suốt chiều dài sông Sài Gòn, bắt đầu từ khu vực cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh. Việc này nhằm bảo vệ sự ổn định của bờ sông, kênh, rạch; phòng, chống các trường hợp xây dựng, san lấp chiếm đất ven sông suối, kênh, rạch; làm căn cứ kiểm tra, xử lý các trường hợp xây dựng, san lấp lấn chiếm, hành vi gây tác hại xấu, gây sạt lở bờ sông suối, kênh, rạch trên địa bàn thành phố…
Cơ quan chức năng sẽ cắm mốc trên 59 tuyến với tổng chiều dài tuyến hơn 553km, tổng chiều dài mép bờ cao gần 927km. Riêng việc cắm mốc sông Sài Gòn sẽ thực hiện từ khu vực cầu Bình Phước đến ranh giới tỉnh Tây Ninh với chiều dài gần 72km. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã cắm mốc cho 20/59 tuyến sông suối, kênh, rạch, hồ công cộng và sẽ cắm mốc bảo vệ các tuyến còn lại trong hai năm 2023-2024. Giám đốc Sở Nguyễn Toàn Thắng cho hay, việc cắm mốc cũng tạo quỹ đất để xây hạ tầng kỹ thuật dọc sông, kênh, rạch như đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, công trình điện, thông tin liên lạc, trồng cây, xây công trình chống sạt lở, công trình thủy lợi, công viên và các công trình khác… Đồng thời, bảo đảm thuận lợi cho chủ đầu tư dự án, người sử dụng đất xác định tọa độ, cao độ, lộ giới khi xây dựng; công khai quy hoạch đô thị phục vụ công tác quản lý xây dựng và đầu tư phát triển đô thị…
Trên thực tế, việc chưa hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất đối với quỹ đất hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch đã hạn chế công tác cắm mốc, chưa tạo cơ sở cho phép khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch. Hệ thống nước thải đô thị cũng chưa được thu gom để xử lý tập trung, phần lớn đang xả thải trực tiếp vào sông, rạch, gây ô nhiễm môi trường và làm tăng độ bồi lắng lòng sông, cản trở hoạt động du lịch đường sông. Do đó, theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần đấu thầu rộng rãi các quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch (còn lại) để lựa chọn nhà đầu tư khai thác, kinh doanh quỹ đất này có thời hạn. Bên cạnh đó, tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực để thực hiện các dự án thu gom nước thải đô thị đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung, kết hợp với kè bờ kênh, rạch…
Cần kết hợp đồng bộ để giải quyết ô nhiễm
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý nước thải kém hiệu quả được cho là do đầu tư không đồng bộ. Có nơi xây xong hệ thống cống bao thu gom thì chưa xây xong nhà máy xử lý nước thải (như kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè), có nơi xây xong nhà máy xử lý nước thải thì lại chưa có hệ thống cống bao thu gom và chuyển tải nước thải về nhà máy (dự án Tham Lương-Bến Cát)… TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Kinh tế tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, muốn xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị lớn, cần nhìn ở góc độ tổng thể. Hiện nay, hạ tầng thu gom nước thải của thành phố thu gom chung cả nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và cả nước biển. Nếu đưa lượng nước thải này về một nhà máy để xử lý thì không có quy trình công nghệ nào để xử lý triệt để. Do đó, nên thu gom theo từng vùng, sau đó đưa toàn bộ nước thải vào hồ sinh thái, xử lý bằng hệ thống sục khí tạo oxy cho vi sinh vật phát triển, tự cải thiện chất lượng nước theo thời gian. Mặt khác, cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt giữa nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp để xử lý hiệu quả.
Nhằm bảo đảm nguồn nước trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm sông, kênh, rạch diễn ra phức tạp, TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ, thành phố hướng tới mục tiêu tất cả nguồn nước thải công nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đạt tiêu chuẩn. Theo đó, sẽ đẩy mạnh thu gom nước thải sinh hoạt về các khu xử lý nước thải tập trung. Thành phố sẽ tăng cường giám sát việc xả rác vào kênh, rạch, quản lý và ngăn ngừa việc xả nước thải chưa xử lý, kết hợp với các giải pháp nạo vét khơi thông dòng chảy cũng như các giải pháp kỹ thuật khác để cải thiện chất lượng môi trường nước kênh, rạch.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ, cải tạo và phát triển cảnh quan các tuyến kênh, rạch cũng sẽ được tập trung thực hiện. Thời gian tới, thành phố tiếp tục duy trì phát triển phần mềm quản lý trực tuyến để tiếp nhận và kịp thời xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh, rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường, hành vi vi phạm về môi trường; duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo, không để phát sinh điểm ô nhiễm mới. Thành phố sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trước tình trạng phát sinh rác thải bừa bãi, không đúng quy định, đặc biệt là chất lượng vệ sinh của các tuyến sông, kênh, rạch.
Trưởng Phòng quản lý chất lượng nước (thuộc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn) Trần Kim Thạch cho rằng, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân thành phố, thông qua các hoạt động vận động người dân cam kết với địa phương không xả rác bừa bãi hoặc vận động người dân tham gia cùng lực lượng chức năng dọn vệ sinh, nạo bùn, khơi thông dòng chảy tại các tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm.
Song song các giải pháp đồng bộ trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Lê Trần Kiên cho biết, từ nay đến năm 2025 và các năm tiếp theo, thành phố đặt chỉ tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh, rạch, chủ yếu là dự án sử dụng vốn ngân sách với dự kiến nhu cầu vốn là 18.073 tỷ đồng. Trước hết là di dời 3.220 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 12.530 tỷ đồng, gồm 3 dự án thực hiện mục tiêu kép, vừa giải quyết nhu cầu thoát nước để chống ngập, vừa di dời nhà trên và ven kênh, rạch, góp phần bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị. Cụ thể, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm, từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đến sông Vàm Thuật qua địa bàn các quận Bình Thạnh, Gò Vấp; dự án cải tạo kênh Hy Vọng (quận Tân Bình), giải quyết tiêu thoát nước mưa, giảm ngập úng cho khu vực cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh).