Trên thực tế ở trận gặp Saudi Arabia, Olympic Việt Nam đã chơi khá tốt và HLV Hoàng Anh Tuấn có lý khi cho rằng, ông hài lòng với cách chơi và tinh thần thi đấu của đội. Các cầu thủ trẻ Việt Nam rõ ràng đã rút được kinh nghiệm sau trận thua đậm Iran để tổ chức phòng ngự và bọc lót hợp lý hơn cũng như cố gắng ngăn chặn các đợt tiến công từ xa khi gặp đối thủ mạnh Saudi Arabia. Đó là bài học về sự linh hoạt trong lối chơi, bởi nếu cứ trung thành với cách vận hành kiểm soát bóng chủ động tiến công, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ không chỉ thua ba bàn trước đối thủ. Sự thích ứng với tư duy chiến thuật mới, chẳng hạn như việc chuyển đổi trạng thái nhanh chóng cũng là bài học cho Olympic Việt Nam. Ngay ở trận thua Iran trong thế trận bị đối thủ áp đảo toàn diện, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã có được một tình huống chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tiến công và kết quả là tạo ra pha bóng Vỹ Hào đối diện cầu môn đối phương để dứt điểm. Dĩ nhiên đó chỉ là tình huống đơn lẻ (trong khi đối thủ thường xuyên làm được điều ấy) nhưng sẽ là bài học kinh nghiệm tốt để các cầu thủ Việt Nam áp dụng đến khi trở thành bản năng.
Một bài học khác cho Olympic Việt Nam là việc chắt chiu cơ hội, như ở trận gặp đội yếu hơn là Mông Cổ, các cầu thủ trẻ đã tỏ ra chủ quan để đối thủ ghi được hai bàn dù Việt Nam là đội kiểm soát bóng và áp đặt lối chơi. Dù vậy, thời gian vẫn còn đủ cho các cầu thủ 18-20 tuổi tích lũy thêm kinh nghiệm để trưởng thành và đạt độ chín ở vào thời điểm World Cup 2026.
Với mục đích ấy, những bài học thu được là rất quan trọng cho tương lai khi các cầu thủ tham dự vòng loại World Cup một cách ngày càng chững chạc và tự tin hơn. Đó mới là mục tiêu hướng đến của bóng đá Việt Nam.