Từ quốc lộ 12, men theo con đường quanh co uốn lượn bám sườn núi chừng 8km thì chúng tôi đến Pú Vang. Dưới làn mây mờ ảo, Pú Vang (Điện Biên) dần hiện ra với những nóc nhà thấp tè bám theo triền núi. Đất đỏ khô cằn, bụi tung mù mịt. Pú Vang gần như không có mầu xanh của cây cối, ruộng vườn.
Nở nụ cười tươi chào đoàn khách lạ, anh Mùa A Vừ - người dân bản Pú Vang liền cúi xuống sắp mấy cái can nhựa buộc gọn sau xe. Hỏi anh Vừ đựng gì với nhiều can như thế, anh liền cười và nói: Ồ, vậy là mọi người không biết rồi. Người Pú Vang quanh năm lo lấy nước nên đi đâu, làm gì cũng đem theo mấy cái can để khi về nhà có nước nấu nướng; chỉ mỗi việc lo lấy nước thôi đã làm người Pú Vang héo mệt lắm rồi. Con lợn, con gà ở Pú Vang cũng chậm lớn vì thiếu nước; cây cối quanh bản cứ héo hắt rồi chết dần!
Vậy nhưng, ngược với gian khó ấy, sáu năm qua số người biết chữ ở Pú Vang cứ ngày càng tăng lên nhờ công sức, tấm lòng của cô giáo Nguyễn Thị Hồng và thầy Nguyễn Trung Đức. Họ là vợ chồng, đã lên và gắn bó với vùng đất này ngần ấy năm nay.
Nhớ lại ngày đầu đặt chân lên Pú Vang (năm 2016), cô Hồng không thể quên ấn tượng về con đường đất ngoằn ngoèo, dốc ngược mà giáo viên nữ như cô chỉ biết cách bám cây hai bên đường bước từng bước. Đến giữa bản rồi cô Hồng cứ ngỡ như đang lạc ở nơi nào xa lắc, vì ở đây trường lớp chẳng có gì; nhà dân đều thấp lúp xúp, ban ngày mà trong nhà như tối đêm thăm thẳm.
Cụm dân cư Pú Vang được ví như ngôi làng nguyên thủy trên núi khát. |
Để có thời gian sửa sang, sắp xếp lớp học cho học trò, vợ chồng cô Hồng, thầy Đức phải gửi con thơ ở nhà nhờ bố mẹ trông nom; những đồ dùng thiết yếu cho một gia đình nhỏ thì thầy cô "cõng" dần sau mỗi lần về thăm nhà. "Chúng tôi phải tối giản nhất để việc vận chuyển bớt vất vả. Riêng chiếc giường do không thể tự đi xe máy nên phải thuê người dân chở hai chuyến mới xong"- thầy Đức kể lại.
Rồi đến cái khó nhất là nước phục vụ sinh hoạt, hằng ngày, thầy Đức, cô Hồng đã tự khắc phục bằng cách đào hố, căng bạt hứng nước mưa tích trữ dùng dần. Làm như thế cũng chỉ đủ trong vài bữa, sau lại chật vật đi gùi, đi gánh từng can về. Để tránh cảnh chờ đợi, chen chúc với bà con dân bản, thầy cô chọn giờ ít người mới đi lấy nước. Mà giờ ấy, thường là tờ mờ sáng hoặc khi đêm muộn.
Để học sinh được học tập trong phòng học tốt hơn, mỗi ngày cô Hồng đều cùng thầy Đức đến từng nhà nhờ phụ huynh góp thêm cây nứa, cây giang làm tấm vây quanh lớp. Cứ như thế, không lâu sau phụ huynh và bà con dân bản hiểu tấm lòng thầy cô là mong làm điều tốt cho con em của bản, nên đã góp sức làm sân trường trên nền đất nện với một cột tre có lá cờ Tổ quốc tung bay.
Với học trò, để thu hút các em đến lớp, thầy Đức, cô Hồng phải xoay xở đủ cách. Từ việc dùng tiền lương để mua đồ dùng học tập, dép, quần áo, cả bánh kẹo, ấy vậy mà lớp học luôn trong cảnh sáng đông, chiều vắng vì trưa về nhà thì các em nghỉ luôn chiều… Thế là đầu năm học 2018-2019, cô Hồng và thầy Đức bàn với hai thầy giáo cùng phụ trách điểm bản quyết định nấu bữa trưa để "giữ chân" học trò. Theo cách ấy, sáng sớm mỗi ngày, các thầy cô ở Pú Vang phải dậy từ gà gáy rồi chia nhau đến từng nhà đón học sinh ra lớp. Gần trưa thầy cô lại chia ca nấu nướng, cô trò cùng ăn bữa trưa và nghỉ tại trường.
Từ ngày nấu cho học sinh ăn trưa tại lớp, tình hình học tập và sĩ số học sinh cải thiện hơn hẳn. Học sinh không chỉ tự giác đến lớp mà còn chuyên cần, hứng thú hơn. Khi ấy thầy cô vừa mừng, vừa lo. Cái mừng thì thấy rõ, nhưng họ lo đồng lương ít ỏi không biết sẽ duy trì bữa ăn ấy được bao nhiêu ngày...?. Sau gần 60 ngày vừa gom góp tiền tổ chức nấu ăn cho trò vừa trăn trở tìm nguồn, thì thầy cô ở Pú Vang nhận được tin vui là nhà trường đã kết nối và nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Nuôi em.
Cũng thông qua việc tích cực kết nối, năm 2018, ngôi trường lắp ghép "3 cứng" được một nhóm từ thiện hỗ trợ xây dựng vững chắc, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh. Sau khi có nhà học mới, thầy cô xin thêm nguồn hỗ trợ để lắp đặt máng, téc, rồi tận dụng phần mái để hứng nước mưa dùng. "Dùng tiết kiệm thì mùa mưa là đủ, còn mùa khô thì vẫn khó khăn" - thầy Đức cho biết thêm.
Giờ thì thầy Đức đã sang Trường tiểu học Nậm He nhận nhiệm vụ. Tổ ấm thầy Đức cô Hồng tạm thời "chia đôi sẻ nửa" song cô Hồng vẫn yên tâm gắn bó với học trò nghèo Pú Vang, bởi với cô "trò nghèo nơi đây gần gũi, thân thương lắm!".
Thay thầy Đức làm nhiệm vụ ở Pú Vang là thầy Lò Văn Bính. Ngoài công tác giảng dạy, thầy Bính còn kiêm thêm việc tiếp nhận thực phẩm, rau xanh từ trường trung tâm mang lên điểm bản cho học sinh. Nhờ có thầy Bính, bữa ăn của học sinh Pú Vang giờ đây đã có thêm rau xanh và thực phẩm tươi mỗi ngày. Sự học của thầy và trò ở Pú Vang dẫu vẫn còn nhiều gian khó, nhưng nhờ vào những nỗ lực và tình yêu chân thành của các thầy cô nên giờ đây trong trái tim mỗi người dân ở Pú Vang đều thắp lên ngọn lửa của sự học, với niềm tin về một tương lai sẽ vơi dần gian khó!