'Tôi sẽ còn trở lại...'
Quá nửa đêm, vòng xòe chinh (xòe chung tập thể) giữa đội văn nghệ xã Tà Chải và đoàn du khách đến từ Pháp, diễn ra ngay tại sảnh rộng khách sạn Sao Mai nằm giữa trung tâm thị trấn Bắc Hà, mới kết thúc trong những nụ cười, ánh mắt lưu luyến của mọi người. Trước lúc chia tay, chị E.D. Công-xtăng-xơ (Edith Paulette Constance), người vùng A-ki-tanh (Aquitaine, Pháp) nói với ông Vàng Văn Thành, đội trưởng đội xòe: ' Tôi đã đi khắp các tỉnh Tây Bắc Việt Nam, nhưng chưa thấy ở đâu có những điệu xòe lạ và hay như ở đây. Tôi sẽ còn trở lại Tà Chải để được xem nhiều hơn và cùng múa những nhịp xòe đẹp của các bạn'.
Hằng tuần, cứ vào thứ bảy và chủ nhật, đội xòe của xã Tà Chải lại biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch đến từ nhiều nước như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a... theo hợp đồng đã ký kết với khách sạn Sao Mai (khách sạn ba sao duy nhất tại Bắc Hà hiện nay). Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc khách sạn cho biết: Kể từ khi có chương trình múa xòe, lượng khách nước ngoài đông hẳn lên. Họ rất thích thưởng thức và khám phá bản sắc văn hóa dân tộc Tày nơi đây qua điệu múa xòe truyền thống. Mỗi buổi xòe thường kéo dài trong khoảng một tiếng đồng hồ, khách sạn trả 1,5 triệu đồng cho nhóm biểu diễn có khoảng 10 người, vừa là nhạc công vừa là 'vũ công'.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương, như đồng chí Hoàng Tuấn Anh - Trưởng phòng văn hóa - thể thao và du lịch huyện Bắc Hà - cho biết, là kết quả của chủ trương biến di sản văn hóa thành tài sản, cụ thể là đề án 'Bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa phục vụ phát triển du lịch' đã và đang được Bắc Hà thực hiện trong những năm qua. Ðến nay, huyện có hơn 30 đội văn nghệ, đội xòe ở các xã, thôn bản thường xuyên luyện tập, phục vụ rất hiệu quả các hoạt động chính trị ở địa phương và thúc đẩy du lịch Bắc Hà phát triển.
Gìn giữ nét riêng Tà Chải
Xã Tà Chải nằm sát nách thị trấn du lịch Bắc Hà, có chín thôn bản, với 635 hộ và 2.461 nhân khẩu, gồm chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày sinh sống từ lâu đời quanh con suối Na Cồ trong xanh, yên ả. Người Tày ở Tà Chải nổi tiếng với các điệu múa xòe độc đáo mang đậm bản sắc địa phương. Xòe có nhiều điệu, có xòe 'đập lúa' (phạt khẩu), xòe 'chiêng' (pa nhăm pa), xòe 'mò cá' (pi-a), xòe 'nón', xòe 'quạt'... Các điệu xòe đều mô phỏng theo hoạt động lao động sản xuất, tập quán sinh hoạt của đồng bào Tày nơi đây. Thí dụ, điệu xòe 'đập lúa' dồn dập, náo nhiệt như thúc giục mọi người đi gặt lúa, gánh thóc về nhà, nhịp điệu khẩn trương hơn. Hay điệu xòe 'đón xuân' của các chàng trai, cô gái, vòng xòe lúc này rộng ra và nhịp điệu gấp gáp hơn; từng đôi trai gái, tay trong tay, dắt nhau bước đi trong nhịp xòe rộn rã. Còn điệu xòe 'mò cá' thì vòng xòe cứ đều đều xoay tròn khi chụm vào, khi tan ra, như lời thủ thỉ của chàng trai, cô gái. Trong các kiểu xòe, điệu xòe 'vòng' là thông dụng nhất. Một, vài chục người thì một vòng xòe, hàng trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong vòng ngoài, tay trong tay, chân người nọ dịch bước theo chân người kia, say sưa theo nhịp trống chiêng lúc bổng, lúc trầm và có sức lôi cuốn mạnh. Trong phút thăng hoa của vũ điệu truyền thống, sự rụt rè, ngượng ngập thường ngày biến mất, mọi người tự nhiên nhún bước theo vòng xòe ngày càng lan rộng, cuốn hút.
Lão nghệ nhân hơn 70 tuổi Lâm Văn Lù ở thôn Na Pác Ngam (nơi được coi là 'cái nôi' của múa xòe) say sưa giải thích về sự khác biệt của xòe Tà Chải với xòe vùng Tây Bắc như Sơn La, Ðiện Biên, Yên Bái... Nét đặc trưng không lẫn của xòe Tà Chải là tiết tấu đa dạng, biến hóa; vũ điệu mềm mại, uyển chuyển, được cách điệu từ những động tác lao động thường ngày như 'phạt khẩu' (đập lúa ), 'pi-a' (mò cá), 'đan sao' (vẫy khăn)... Xem xòe Tà Chải là thấy được cuộc sống lao động, phong tục tập quán, trang phục, lời ăn tiếng nói của người Tày bản địa, chính vì vậy, du khách nước ngoài đều rất muốn thưởng thức và khám phá xòe Tà Chải, mỗi khi đến thăm cao nguyên trắng Bắc Hà.
Ðể bảo tồn và phát triển các điệu xòe truyền thống, cấp ủy và chính quyền xã Tà Chải thực hiện chủ trương dựa vào dân, xây dựng và duy trì các đội xòe tại các thôn bản, dòng họ, cụm dân cư. Chủ tịch UBND xã Vàng Văn Khương cho biết, xã xây dựng kế hoạch về bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa xòe gắn với phát triển du lịch cộng đồng, coi đó là một trong những giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Ðến nay, toàn xã Tà Chải có năm đội xòe ở các thôn Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lo, Na Lang và Na Hô, mỗi đội thường có từ 12 đến 15 nghệ nhân nòng cốt, thường xuyên tập luyện vào lúc nông nhàn hoặc ban đêm, tại nhà văn hóa hoặc nhà trưởng thôn. Nhiều gia đình trong xã liên kết làm nhà sàn gỗ truyền thống, đổ bê-tông đường đi, làm nhà vệ sinh, giữ môi trường sinh thái xanh- sạch - đẹp để đón khách du lịch, tạo nguồn thu nhập khá, tiêu biểu như gia đình ông Vàng Văn Văn, Vùi Văn Phù... Người dân Tà Chải còn bảo tồn, trồng thêm những vườn mận Tam Hoa nổi tiếng, làm đẹp thêm cảnh quan thôn bản, giữ gìn không gian văn hóa xòe truyền thống.
Ðến thăm Trường tiểu học Tà Chải khang trang, nằm ngay cạnh đường lớn, cô hiệu trưởng Phạm Thị Lụa nói về cách làm rất hay của địa phương trong việc phát triển văn hóa xòe, là đưa xòe vào trường học. Lãnh đạo ủy ban xã thống nhất với Ban giám hiệu các trường học trên địa bàn (tiểu học và THCS) mỗi tuần dành từ một tới hai tiết học ngoại khóa để tuyên truyền và dạy các em những điệu xòe cơ bản, 'giáo viên' là những nghệ nhân trong xã được ủy ban mời đến. Ðây là một cách thiết thực để 'phổ cập' xòe trong học sinh, từ đó tạo nền tảng và những hạt nhân trong các đội xòe thôn, đội văn nghệ xã.
Buổi tối ở Tà Chải, không khí se lạnh, sương trắng buông. Cùng với lão nghệ nhân Lâm Văn Lù, chúng tôi đến dự một buổi học múa xòe tại nhà văn hóa thôn Na Pác Ngam. Dưới ánh điện sáng, hơn chục cháu học sinh cả nam và nữ, từ lớp ba đến lớp chín; có cả các cô tuổi trung niên... đang say sưa với các vũ điệu xòe 'phạt khẩu' trong tiếng kèn pí lè rộn rã. Nữ nghệ nhân Vàng Thị Tiếu (vợ ông Lù), 71 tuổi, đang nhiệt tình giảng giải, uốn nắn các động tác 'lượn tay, xòe ngón' và 'nhịp chân' cho đúng điệu xòe Tà Chải.
Xòe... Xòe cho cây lúa thành bông
Xòe... Xòe cho ngô thành bắp
Xòe... Xòe cho trai gái thành đôi
Nhịp xòe rộn ràng, lay động trong đêm Tà Chải lung linh điện sáng.